Khách tham quan được chia theo các loại sau:
Các nhà hoạt động chính trị, lãnh đạo, Nhà nước: là những người hoạt
động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý hành chính, cơ quan pháp luật. Đó là những người am hiểu và nhạy cảm về chính trị, về chủ chương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người hướng dẫn phải lịch sự, trân trọng, tự tin, nói ngắn gọn. Giới thiệu khái quát nội dung và giải pháp trưng bày theo các tổ hợp. Trong mỗi phòng trưng bày, có thể dừng lại ở một hoặc hai tổ hợp nào đó để đối tượng xem và nhớ lại những kỷ niệm mà chính bản thân họ đã từng được sống, sinh hoạt với đồng bào trong thời kỳ kháng chiến hoặc trong quá trình hoạt động cách mạng.
Các nhà khoa học, trí thức là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, triết học, giáo viên, văn nghệ sĩ, nhà văn hoá… Cong trong kinh doanh lại càng hết sức đa dạng, với nhiều thành phần, cấp bậc, tính chất, trình độ, quy mô, ngành nghề kinh doanh khác nhau. Họ có những đòi hỏi khác nhau về mục đích, nhu cầu hưởng thụ khi tham quan Bảo tàng.
Tuy vậy họ có những đặc điểm chung cơ bản khi tham quan Bảo tàng đó là tính nghiêm túc, khẩn trương, tiết kiệm thời gian và thích chất vấn. Do vậy người hướng dẫn phải có tác phong khẩn chương, năng động, nghiêm túc. Giới thiệu ngắn gọn, chính xác và xúc tích.
Học sinh, sinh viên: là đối tượng đến tham quan Bảo tàng đông đảo và cũng là đối tượng hiếu kỳ, họ là những người trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên là lứa tuổi hiếu động, ham hiểu biết và đa dạng về trình độ, quan điểm, tính cách, nhân cách, tâm tư nguyện vọng. Khi đến Bảo tàng họ có nhiều mục đích khác nhau với những nhu cầu đòi hỏi hết sức phức tạp. Mặt khác cách thức tham quan Bảo tàng ở đối tượng này cũng đa dạng như đi theo đoàn đông vài chục có khi vài trăm, đi theo tốp vài ba người, đi cá nhân lẻ một, hai người. Họ là những người nhạy cảm, tâm lý thiếu ổn định. Nừu không nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng và không có phương pháp hướng dẫn thích hợp sẽ làm cho họ nhàm chán thiếu tập trung, mất trật tự, đùa nghịch… như vậy cuộc tham quan sẽ không đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên cũng có một số người có ý thức hoặc sở thích tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Bảo tàng, họ lại có khả năng trở thành những cộng tác viên của bảo tàng. Người hướng dẫn tham quan cần cởi mở, nghiêm túc, nói to rõ ràng, đễ hiểu. Sử dụng sem kẽ những phương pháp như giới thiệu hiện vật trưng bày, ảnh trưng bày, kể chuyện, dừng lại minh hoạ những câu văn, thơ, tục ngữ, ca dao… có những chương trình học tập của học sinh, có thể đặt ra những câu hỏi đơn giản, gợi trí nhớ… để thu hút đối tượng học sinh.
Đối tượng là công nhân: Nừu đứng ở góc độ chính trị thì giai cấp công nhân là đối tượng đông và ổn định về tư tưởng, tổ chức và lập trường. Song xét theo góc độ khách tham quan bảo tàng thì đối tượng công nhân lại khá phức tạp bởi sự đa dạng về ngành nghề và môi nghành nghề lại có những tâm lý khác nhau. Do vậy khi đi tham quan bảo tàng yếu tố nghề nghiệp cũng có tác động sinh ra những nhu cầu, những tâm tư nguyện vọng khác nhau. Đối tượng này thường đi tham quan theo tốp, nhóm gia đình, hoặc cá nhân với mục đích chính là giải trí vào những ngày nghỉ, ngày tết, ngày lễ… Ngoài ra họ còn đi theo tổ chức công đoàn, cơ quan, những cuộc tham quan đó thường có chương trình, kế hoạch chặt chẽ về thời gian và tổ chức. Mục đích tham quan của đối tượng này chủ yếu để giải trí, thư giãn sau một thời gian lao động. Đặc điểm chung của đối tượng này là dễ hoà nhập, do vậy người hướng dẫn tham quan phải có thái độ trân trọng, cởi mở, vui vẻ, tạo không khí tự nhiên, thoải mái giữa người hướng dẫn và người xem. Người hướng dẫn nên chọn những hiện vật, tài liệu đặc sắc văn hoá truyền thống của các tộc người. Tránh đi sâu vào những hiện vật trìu tượng, khó hiểu như các hiện vật về tôn giáo, tín ngưỡng.
Cán bộ công chức: là lực lượng tương đối đông, được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, là những người có trình độ nhất định trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích tham quan của đối tượng này hết sức đa dạng, họ đi du lịch tập thể, đi vào bảo tàng để giải trí cùng gia đình, có người thấy lạ muốn vào để thoả mãn sự tò mò của mình, cũng có người muốn tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công việc hoặc đề tài khoa học nào đó mà họ đang thực hiện… Do vậy nhu cầu và thị hiếu của họ cũng hết sức phong phú. Người hướng dẫn cần lịch sự, nói rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, nên chú ý đến thái độ và tâm lý của kháh mà dừng lâu hay nhanh ỏ mỗi tổ hợp trưng bày, có phong cách thoải mái, gần gũi mang tích chất trao đổi hơn là hướng dẫn.
Nông dân, những người sinh sống ở nông thôn chiếm một tỷ lệ cao. Tuy vậy họ là đối tượng ít được đi tham quan, du lịch. Do đặc điểm nghề nghiệp, điều kiện địa lý và đời sống vật chất còn nhiều khó khăn đã tạo ra một khoảng cách về mức độ hưởng thụ văn hoá so với cư dân ở thành thị. Những người thuộc đối tượng này thường đi tham quan, đi chơi giải trí vào những ngày lễ, tết hoặc các dịp du lịch do địa phương tổ chức. Họ đi theo đoàn hay từng tốp từ vài chục người hoặc 4 – 5 người. Tầng lớp nông dân đến tham quan bảo tàng thường biểu hiện cảm xúc tức thì với những phản xạ tự nhiên, do đột ngột gặp những sự việc, hiện tượng lạ tạo nên sự ngỡ ngàng của người xem bảo tàng. Bên cạnh sự ngỡ ngàng người nông dân lại dễ dàng thờ ơ với những gì mình vừa rung động, điều đó dễ hiểu qua thái độ chóng quên, rất ít khi có nhận xét, bình phẩm. Vì vậy việc đáp ứng những đòi hỏi của họ không mấy khó khăn. Người hướng dẫn tham quan cần sử dụng phương pháp: giới thiệu những mảng trưng bày về hình thái kinh tế, nhà cửa, nghề thủ công, nhạc cụ, lễ hội… giúp đối tượng này cảm thấy phảng phất có mình trong đó.
Đối tượng là lực lượng vũ trang đến tham quan bảo tàng, nhu cầu của họ không phức tạp. Khi hướng dẫn đối tượng này cần có tác phong lịch sự trân trọng, cởi mở, kết hợp xen kẽ các phương pháp hướng dẫn, mô tả bằng lời, minh hoạ thơ, ca dao, diễn đạt lưu loát, rõ ràng để khách hình dung được cảnh quan trưng bày, giúp khách hiểu được bản sắc văn hoá các dân tộc. Từ đó họ có ý thức trách nhiệm trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đối tượng khách nước ngoài đến tham quan bảo tàng cũng có nhiều hình thức khác nhau như đi theo tua du lịch, theo tổ chức cgính trị, kinh tế, tổ chức tài trợ, người đi tự do… Người hướng dẫn tham quan cần lịch sự, cởi mở, thể hiện lòng mến khách, chủ yếu dùng phương pháp giới thiệu khái quát, ngắn gọn, rõ ràng các mảng trưng bày. Chú ý giới thiệu đặc điểm văn hoá các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ kết hợp với vùng miền, giới thiệu bản đồ cư trú các dân tộc trong mỗi phòng để khách dễ theo dõi, phải biết lựa chọn hiện vật, ảnh để khách hiểu nền văn hoá phong phú, đa dạng của các dân tộc Việt Nam.
Các đối tượng là những người hưu trí, mất sức, người hoạt động tự do, buôn bán nhỏ, người không có công ăn việc làm ổn định… cũng thường xuyên đến tham quan bảo tàng. Cũng có người vốn cũng là cán bộ, công chức, người có công với nước, người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy… họ đã về hưu. Khi đón tiếp các đối tượng này, người hướng dẫn cần vui vẻ, cởi mở, tận tình. Giới thiệu khái quát, ngắn gọn, nắm bắt nhu cầu và tâm lý của khách để hướng dẫn sao cho hài hoà, không gò bó. Nrrn có sự trao đổi bằng câu hỏi và câu trả lời giữa người hướng dẫn và người xem, để khi kết thúc tuyến tham quan, họ thấy có ý nghĩa khi dành thời gian tham quan bảo tàng.
Hướng dẫn tham quan là công tác hết sức quan trọng trong mỗi bảo tàng. Nó được coi là chiếc cầu nối giữa bảo tàng với người tham quan. Người hướng dẫn có nhiệm vụ giúp người xem hiểu được nội dung trưng bày bảo tàng, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, lịch sử dân tộc.