Hoạt động giáo dục trong tuần triển lãm “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam”

Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa chuyên đề “Chiếc cày với người nông dân các dân tộc Việt Nam”, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên về cuộc sống của người nông dân qua các thời kỳ lịch sử: từ thời kỳ phong kiến, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945; thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược; thời kỳ 1976- 1986; thời kỳ đổi mới, từ 1986 đến nay.

         Các hoạt động giáo dục diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 12/10-17/10/2012 gồm hai phần chính: phần thi tìm hiểu kiến thức và thi qua hoạt động  trải nghiệm. Nội dung thi kiến thức gắn liền với nội dung trưng bày triển lãm, thông qua hình ảnh chiếc cày giới thiệu về cuộc sống của người nông dân, kinh tế nông nghiệp, nông thôn qua các thời kỳ khác nhau. Để hoạt động giáo dục đạt được chất lượng kết quả cao, các đối tượng giáo dục: được chia làm 4 nhóm: Nhóm học sinh tiểu học; nhóm THCS; học sinh THPT và sinh viên và nhóm lớn tuổi. Mỗi đối tượng tham gia thi kiến thức giáo dục sẽ được phát phiếu câu hỏi phù hợp với kiến thức đã được học và tìm hiểu qua các tư liệu, sách giáo khoa nhà trường. Mỗi phiếu có từ 5-6 câu hỏi. Thời gian trả lời cho mỗi câu từ 3-5 phút. Riêng phần câu hỏi mang tính sáng tạo, khơi gợi tư duy, suy nghĩ, sẽ có thêm thời gian và được đánh giá kết quả cao. Phần thi qua các hoạt động trải nghiệm cũng được tổ chức phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi đối tượng tham gia giáo dục và gắn liền với không gian trưng bày triển lãm. Ví dụ: đối với đối tượng giáo dục là học sinh tiểu học, học sinh THCS, phần không gian trưng bày thời kỳ phong kiến tại khuôn viên ngôi nhà Hmông tổ chức thi tách hạt ngô để làm mèn mén (một món ăn chủ yếu của dân tộc Hmông). Sau khi tách hạt, các em sẽ thi xay ngô bằng cối đá. Cuộc thi này giúp cho các em hiểu quy trình chế biến món ăn  độc đáo của đồng bào.

          Tại không gian trưng bày thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (tại khuôn viên nhà Tày, Nùng), các đối tượng sẽ tham gia thi đan lát, thi xay thóc giã gạo, thi vượt chướng ngại vật chui vào hầm trú ẩn, thi bóc lạc. Tham gia hoạt động trong thời kỳ này các em cảm nhận được cuộc sống của người dân trong thời chiến: Xay thóc để nuôi bộ đội, đội mũ rơm đi học, chui vào hầm tránh máy bay địch. Với thời gian từ 40-60 phút cho một quy trình chế biến gạo, các em đã thực hiện từ công đoạn xay, giã, dần, sàng, cho đến thành phẩm cuối cùng là gạo trắng nấu thành cơm.

          Thời kỳ từ 1976-1986, các em được tham gia thi may vá quần, áo; thi đi xe đạp, thi quạt thóc, nhặt đỗ. Với cuộc thi này, các em hiểu thêm về cuộc sống vất vả, thiếu thốn của người nông dân trước Đổi mới.

          Kết thúc các phần thi, Ban giám khảo chấm điểm phần thi kiến thức trao giải cho các cá nhân đạt điểm cao; phần thi trải nghiệm sẽ trao giải cho tập thể.

Ngoài ra, tại không gian khu vực Nam Bộ còn có các hoạt động: thi tát nước gầu giai, xách nước qua cầu khỉ…tạo thêm không khí sôi động của những ngày hội.

          Các hoạt động giáo dục gắn với triển lãm chuyên đề “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt nam” không chỉ góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của người nông dân Việt nam mà còn  có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ hiểu được giá trị của sức lao động, nỗi khổ cực, vất vả, đấu tranh, hi sinh của các các thế hệ cha ông. Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

ĐOÀN THANH HUẾ