Công tác giáo dục mầm non của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Với chức năng, nhiệm vụ truyên truyền, giáo dục phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác giáo dục công chúng đặc biệt đối với các em trong lứa tuổi mẫu giáo – là thế hệ tương lai của đất nước.

Ở lứa tuổi này tuy các em đã có những khái niệm đơn giản về không gian, thời gian và địa điểm, biết thể hiện những cảm xúc của mình về thế giới xung quanh, nhưng để giáo dục di sản văn hoá qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng là rất phức tạp. Vì vậy, để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ mầm non, cán bộ Bảo tàng phải tìm hiểu tâm sinh lý các em, nghiên cứu những tài liệu giảng dạy ở trường học để áp dụng vào môi trường ở Bảo tàng kết hợp “chơi mà học” là phương pháp chủ đạo của Bảo tàng.

Sau khi được cán bộ thuyết minh hướng dẫn tham quan hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời, các em được tham gia một số trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi như kéo co, nhảy dây, gánh rạ, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê…Bước đầu hoạt động thử nghiệm này đã mang lại những kết quả tốt được các em và giáo viên rất nhiệt tình, hưởng ứng. Dự kiến trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ xây dựng và triển khai chương trình giáo dục thường xuyên cho các em, trong đó tổ chức nhiều trò chơi dân gian để các em vừa được học và vừa được chơi khi tham quan Bảo tàng. Không chỉ riêng đối với các trường mẫu giáo, Bảo tàng cũng đang xây dựng các chương trình giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên đề/định kì theo từng nhóm đối tượng như học sinh tiểu học, học sinh THCS, học sinh THPT, sinh viên…

Một số hình ảnh về công tác giáo dục mầm non của Bảo tàng trong 3 tháng đầu năm 2013.

Các em Trường mầm non bê tông đang chơi trò chơi kéo co.

Các em trường mầm non 1/5 tham quan hệ thống trưng bày trong nhà