Tư liệu thư viện

Thư viện bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam
Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành đến nay Thư viện đã cơ bản được hoàn thiện với đầy đủ các tính năng hoạt động. Thư viện đã có phòng đọc riêng, phòng kho riêng, có phần mềm quản lý thư viện điện tử tốc độ tra cứu nhanh, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm chọn tài liệu thuận tiện, nhanh chóng chính xác, giúp cho bạn đọc và nghiên cứu giảm thiểu tối đa thời gian tìm kiếm các thông tin.

Mặc dù ở một vị trí không mấy thuận lợi như các Thư viện công cộng khác nhưng vẫn được các bạn đọc trong và ngoài  cơ quan đến sử dụng ngày càng đông. Theo thống kê sơ bộ trong một năm có khoảng  hơn một nghìn lượt người tới nghiên cứu tài liệu, ngoài ra chúng tôi còn phục vụ bạn đọc ở xa bằng hình thức phô tô sao chụp tài liệu gửi qua đường bưu điện tới tận tay độc giả hoặc qua mạng. Cho tới nay Thư viện đã có gần 100 thẻ bạn đọc được phát hành.

Thư viện của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam là một Thư viện chuyên ngành dân tộc học và bảo tàng học, lịch sử văn hoá cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và một số dân tộc khác trên thế giới. Do đặc thù của thư viện này hàng năm số lượng sách bổ sung không được nhiều nhưng đầu sách tương đối lớn. Theo thống kê sơ bộ hiện nay Thư viện có khoảng 3000 đầu sách, 400 đầu tư liệu là các luận văn, luận án, các đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài cơ quan cũng được thu thập, sưu tầm vế thư viện. 8 đầu tạp chí chuyên ngành, 7 đầu báo các loại để đưa ra phục vụ bạn đọc. Tại phòng đọc đã có máy vi tính để tra cứu tìm kiếm tài liệu, hệ thống mục lục tra cứu thủ công, phòng đọc yên tĩnh thoáng mát.

 – Ngoài ra thư viện chúng tôi còn cung cấp cho người dùng tin các loại hình: in giấy, điện tử, tóm tắt, toàn văn theo chủ đề đã đăng ký trước. Phục vụ nhiệt tình chu đáo có điều gì thắc mắc cần hỏi xin liên hệ số điện thoại: 0280.3857443. DD. 0918321994 hoặc địa chỉ Tô Thi Hoan. Gmail.com

Thư viện Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam mở cửa phục vụ bạn đọc cả tuần từ thứ 3 đến thứ bảy, thời gian theo quy định của cơ quan hành chính sự nghiệp

Tổng quan ấn phẩm đưa vào thư viện BTVHCDT Việt Nam năm 2010

Thư viện bảo tàng là nơi lưu giữ các tư liệu, các ấn phẩm văn hóa dân tộc, bao gồm chuyên ngành dân tộc học và bảo tàng học, lịch sử văn hoá dân tộc. Hiện nay, Thư viện có khoảng 3000 đầu sách, 400 đầu tư liệu là các luận văn, luận án, các đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài cơ quan cũng được thu thập, sưu tầm về thư viện, 8 đầu tạp chí chuyên ngành, 7 đầu báo các loại để đưa ra phục vụ bạn đọc. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hàng năm cho ra đời nhiều công trình khoa học cấp Bộ, cấp Viện, các chuyên đề… do các cán bộ, công chức trong bảo tàng thực hiện, phục vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục trong Bảo tàng. Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày một phát triển, mỗi năm có rất nhiều được nhiều bạn đọc biết đến. Một số đã được in thành sách, cũng có đề tài chưa được in.

Năm 2009 – 2010 Bảo tàng thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đã được xuất bản gồm:

Ts. Ma Ngọc Dung: Nghiên cứu trang phục truyền thống các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo ở Việt Nam, phục vụ trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nội dung: Đề tài chuyên khảo về các loại trang phục truyền thống của 5 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Raglai, và Chu Ru). Tác giả đi sâu nghiên cứu về các loại trang phục phụ nữ, nam giới, trang phục trẻ em, trang phục dùng trong cưới xin, ma chay, lễ hội, tín ngưỡng; tìm ra những khía cạnh văn hóa truyền thống thể hiện trên các loại trang phục, thông qua các mô típ hoa văn, kiểu cách cắt may, màu sắc và tập quán về mặc; sự tiếp thu biến đổi, tác động lẫn nhau giữa các nền văn hóa trên lĩnh vực trang phục, những yếu tố tương đồng; qua đó rút ra những đặc trưng riêng trong trang phục của mỗi tộc người.

Ts. Nguyễn Thị Ngân – Ths. Tô Thị Thu Trang: Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Giẻ Triêng, Brâu phục vụ hoạt động Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nội dung: Đề tài đã hệ thống hóa nguồn tư liệu thực tiễn, khắc họa bức tranh toàn cảnh về văn hóa dân tộc Giẻ Triêng, Brâu; qua nghiên cứu đời sống kinh tế, phong tục tập quán, đời sống tinh thần, ngôn ngữ và tri thức tộc người; Nội dung đề tài chia làm 5 chương: Khái quát về các tộc người Giẻ Triêng, Brâu, văn hóa mưu sinh, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể; việc bảo tồn và phát huy giá trị các tộc người này, phục vụ hoạt động nghiên cứu trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ts. Nguyễn Thị Ngân: Hôn nhân và gia đình của dân tộc Nùng ở Việt Nam.

Nội dung: Đề tài đã hệ thống hóa nguồn tư liệu thực tiễn về hôn nhân và gia đình của nhóm Nùng địa phương, thông qua các phong tục tập quán các khuôn mẫu ứng xử trong hôn nhân và gia đình của các dân tộc Nùng ở Việt Nam; Nội dung chủ yếu của đề tài ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được chia làm 4 chương chính: Khái quát về dân tộc Nùng ở Việt Nam; hôn nhân, gia đình; Việc Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa trong hôn nhân và gia đình của dân tộc Nùng ở Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Thúy – Ths. Đỗ Đức Lợi – Diệp Trung Bình: Nghiên cứu văn hóa dân tộc Tà Ôi, Co, Hrê phục vụ hoạt động Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nội dung: Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ba tộc người Tà Ôi, Co, Hrê; đề tài đã hệ thống hóa nguồn tư liệu, khắc họa bức tranh toàn cảnh về văn hóa, từ đó rút ra những đặc điểm văn hóa chung và những yếu tố văn hóa riêng biệt, tìm ra các giá trị văn hóa truyền thống của 3 tộc người này. Nội dung đề tài chia làm 5 chương chính: Khái quát về các dân tộc Tà Ôi, Co, Hrê, văn hóa dân tộc Tà Ôi, Co, Hrê; một số đề xuất, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 3 tộc người này và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đó trong các hoạt động của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.