Công tác sưu tầm là khâu quan trọng đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Bảo tàng, nó gắn liền với các khâu trong công tác khác của Bảo tàng tạo thành một thể thống nhất hoàn chỉnh nhằm bảo đảm cho Bảo tàng ra đời và phát triển. Nói cách khác, công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng ở khía cạnh nào đó đặt tiền đề vật chất cho toàn bộ các khâu công tác của bảo tàng.
Nếu không có sưu tầm hiện vật gốc thì không có bảo tàng. Vì hiện vật gốc chính là cơ sở thực tiễn cho sự nảy nở và phát triển những nhận thức về các hiện tượng lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Những hiện vật gốc ấy chứa đựng những thông tin lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội tiêu biểu của loài người qua từng thời kỳ lịch sử và phản ánh một cách sinh động, khách quan quá trình phát sinh, phát triển không ngừng của xã hội loài người. Hiện vật gốc là sử liệu gốc cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và phổ biến kiến thức khoa học trong và ngoài bảo tàng. Hiện vật gốc phải được nghiên cứu thu thập, lựa chọn theo phương pháp khoa học của bảo tàng và phải được ghi chép hồ sơ khoa học về nó.
50 năm hoạt động của công tác nghiên cứu sưu tầm, dấu chân cán bộ Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã đi đến hàng trăm địa điểm, ở các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo của Tổ quốc, gặp gỡ hàng ngàn nhân chứng lịch sử và bà con đồng bào các dân tộc. Đã thu thập được trên 30.000 tài liệu hiện vật, phim ảnh, băng hình, băng từ có giá trị lịch sử và khoa học phản ánh về tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và đặc trưng văn hoá tiêu biểu của 54 thành phần dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
50 năm hoạt động của công tác nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn chính:
– Giai đoạn đầu: Thời kỳ xây dựng Bảo tàng Việt Bắc (1956 – 1963).
– Giai đoạn 2: Thời kỳ xây dựng các phòng trưng bày và mở cửa đón khách tham quan (1963 – 1975).
– Giai đoạn 3: Thời kỳ chuyển hướng nội dung hoạt động của Bảo tàng Việt Bắc thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, 1 Bảo tàng quốc gia.
1. Thời kỳ trước khi xây dựng Bảo tàng Việt Bắc (1956 – 1963).
Cơ sở ban đầu để Bảo tàng Việt Bắc ra đời phần nhiều nhờ từ khối lượng lớn tài liệu hiện vật quý của 2 đợt triển lãm ở thủ phủ Thái Nguyên để lại. Cuộc triển lãm đầu tiên tổ chức vào năm 1956 Chào mừng Đại hội thành lập Khu tự trị Việt Bắc, và cuộc triển lãm thứ 2 năm 1961 Kỷ niệm 5 năm thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Các tài liệu tham gia triển lãm do công lao đóng góp của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Nội dung các tài liệu hiện vật rất phong phú về nội dung, đa dạng về chất liệu phản ánh sâu sắc tinh thần đấu tranh cách mạng và cuộc đấu tranh 9 năm kháng chiến chông Thực dân Pháp của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào dân tộc Việt Bắc nói riêng. Bên cạnh nội dung về cách mạng kháng chiến, các tài liệu hiện vật đem về triển lãm còn phản ánh đặc trưng văn hoá các dân tộc, về thiên giàu đẹp của vùng Việt Bắc. Để có đủ số lượng hiện vật trưng bày, Bảo tàng Việt Bắc đã tăng cường có lúc tới 30 đồng chí làm công tác sưu tầm hiện vật. Tổ chức nhiều đợt sưu tầm ở khắp các địa phương trong 6 tỉnh Việt bắc cũ, đã thu thập được hàng trăm tài liệu hiện vật có giá trị lịch sử và khoa học.
Sau khi Bảo tàng Việt Bắc khánh thành phòng trưng bày cách mạng kháng chiến vùng Việt Bắc, kho cơ sở lại tiếp tục nhận thêm một số tài liệu hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chuyển giao, làm cho số lượng tài liệu hiện vật của Bảo tàng Việt Bắc lên tới gần 10.000 đơn vị bảo quản. Lực lượng cán bộ sưu tầm trong giai đoạn này chủ yếu là cán bộ từ các cơ quan đoàn thể đã tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến chuyển sang.
2. Thời kỳ xây dựng các phòng trưng bày và mở cửa đón khách tham quan (1963 – 1975).
Tháng 8 năm 1963 Bảo tàng Việt Bắc đã xây dựng xong phòng trưng bày: Lịch sử đấu tranh cách mạng và mở cửa đón khách tham quan.
Để không ngừng bổ sung hiện vật cho kho cơ sở và từng bước xây dựng các phòng trưng bày mới. Bảo tàng Việt Bắc đã tổ chức nhiều chuyến sưu tầm vào những năm 1963 – 1964. Nội dung sưu tầm chủ yếu là các tài liệu hiện vật phản ánh cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1946 – 1954) và văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc vùng Việt Bắc. Khối lượng tài liệu hiện vật đưa về kho ngày càng nhiều và phong phú. Kết quả đó đã cho phép Bảo tàng Việt Bắc xây dựng tiếp phòng trưng bày văn hoá dân tộc năm 1965.
Cuối năm 1968, sau khi Đế quốc Mỹ ngừng ném bom phá hoại Miền Bắc Việt Nam, cán bộ Bảo tàng Việt Bắc lại đưa tài liệu hiện vật từ các vùng sơ tán trỏ về nhà Bảo tàng để tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trước mắt là khôi phục lại các phần trưng bày để mở cửa đón khách tham quan. Thời kỳ này công tác sưu tầm tiếp tục tổ chức nhiều đợt nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật về thiên nhiên vùng Việt Bắc. Đây là một công việc rất mới mẻ và rất khó khăn đối với cán bộ bảo tàng. Song với lòng nhiệt tình và say mê nghề nghiệp, cán bộ sưu tầm vừa làm vừa học trong thực tế, đã thu thập được khối lượng di vật lớn lấy từ thiên nhiên phản ánh sự giàu đẹp của vùng Việt Bắc. Có được kết quả này phần lớn là nhờ vào sự giúp đỡ của Cục Đo đạc và bản đồ cung cấp các bản đồ cấu tạo địa tầng; nha khí tượng hỗ trợ phần khí hậu, thời tiết; Đoàn đại chất Bộ Nông nghiệp; Tổng Cục Lâm Nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho sưu tầm các mẫu vật về thiên nhiên. Đặc biệt khoa sinh vật Trường Đại học tổng hơp Hà Nội đã ủng hộ các tiêu bản động, thực vật tiêu biểu ở vùng Việt Bắc.Ngoài ra Bảo tàng còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của cơ quan Khu uỷ và đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Kết quả to lớn đó đã giúp cho Bảo tàng Việt Bắc vào cuối năm 1969 với nội dung phong phú, được khách tham quan rất yêu thích. Vào những năm thập kỷ 70, công tác sưu tầm của Bảo tàng Việt Bắc tập trung vào chủ đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và ch ống Mỹ cứu nước ở vùng Việt Bắc.
3.Thời kỳ chuyển hướng nội dung hoạt động của Bảo tàng đến nay.
Năm 1976 thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng Khu tự trị Việt Băc giải thể, Bảo tàng Việt Bắc được chuyển giao về Bộ Văn hoá – Thông tin nay đổi tên là Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch quản lý. Sau khi tiếp nhận, Bộ Văn hoá- Thông tin đã có chủ trương từng bước chuyển Bảo tàng Việt Bắc thành Bảo tàng chuyên ngành lịch sử Văn hoá, tập trung chủ yếu vào văn hoá các dân tộc, tiến tới xây dựng Bảo tàng dân tộc học quốc gia với bước cụ thể là: vừa tu sửa hệ thống trưng bày theo hướng mở rộng phần văn hoá dân tộc, vẫn giữ lại phần chuyên đề căn cứ địa Việt Bắc nhưng cô đọng và khái quát. Các tài liệu hiện vật phản ánh tinh thần cách mạng và kháng chiến của nhân dân vùng Việt Bắc từng bước chuyển giao cho các bảo tàng tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn và một số bảo tàng ở Trung ương như Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quân khu I, …
Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam là một cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, với nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản và tuyên truyền vốn di sản văn hoá truyền thống của 54 thành phần tộc người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Bộ Văn hoá – Thông tin, Bảo tàng đã dồn công sức vào nghiên cứu sưu tầm là trọng tâm, là mũi nhọn. Nếu chỉ tính từ năm 1981 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức sưu tầm ở 40 tỉnh thành và trên 150 điểm làng bản của 54 dân tộc trong cả nước. Địa điểm sưu tầm thường là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo – nơi ở xa đường quốc lộ, đồng bào còn gìn giữ được nhiều bản sắc dân tộc. Cán bộ Bảo tàng đã thu thập về kho cơ sở được trên 8000 tài liệu hiện vật, phim ảnh, băng hình có giá trị khoa học, lịch sử, nghệ thuật, phản ánh về các mặt đời sống sinh hoạt tiêu biểu của đồng bào các dân tộc như: Các sưu tập hiện vật về lao động sản xuất, các nghề thủ công truyền thống, sưu tập về trang phục dân tộc của các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội, sưu tập về các loại nhạc cụ, sưu tập về lễ hội và tôn giáo tín ngưỡng, sưu tập về các đồ giải trí.
Với kết quả sưu tầm to lớn đó đã cho phép Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam lần lượt trưng bày các phòng theo các nhóm ngôn ngữ khác nhau như: nhóm ngôn ngữ Việt – Mường; nhóm ngôn ngữ Tày – Thái; H’mông – Dao; Kađai; Tạng miến; Môn – Khơme; và nhóm ngôn ngữ Hán; Malayo – Polynesian tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Trong công việc, cán bộ sưu tầm đã biết kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và vận hành tốt những kiến thức đã học ở trường, do vậy công tác sưu tầm đạt hiệu quả cao.
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu-sưu tầm vẫn luôn được chú trọng, tập trung nghiên cứu văn hoá 54 dân tộc Việt Nam để bổ sung cho các nội dung chuyên sâu theo chuyên đề của từng dân tộc. Công tác nghiên cứu-st được lập kế hoạch ngay từ đầu năm. Các chuyến đi khảo sát cũng được tăng cường và số hiện vật được sưu tầm về bảo tàng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, năm 2006-2007, phòng Nghiên cứu- Sưu tầm triển khai chương trình khảo sát, nghiên cứu sưu tập hiện vật quý hiếm, tiêu biểu các dân tộc Việt Nam. Năm 2007, phòng đã tổ chức 22 đoàn đi nghiên cứu sưu tầm tại các địa bàn trên phạm vi cả nước nhưng tập trung nghiên cứu di sản văn hoá dân tộc Ngái, La Ha, Xinh Mun, Co, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Chơ Ro, đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu di sản văn hoá Chăm Pa và Tây Nguyên. Hoàn thành dự án “Sưu tập hiện vật tiêu biểu quý hiếm và hiện vật văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam”.
Các hình thức sưu tầm của Bảo tàng Văn Hoá các dân tộc Việt Nam.
Trong 50 năm hoạt động của công tác sưu tầm, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã vận dụng nhiều phương thức khác nhau, trong mỗi thời kỳ đều có những phương pháp thích hợp. Thông thường, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã sử dụng 5 hình thức sưu tầm tài liệu hiện vật chủ yếu như sau.
1.Sưu tầm trực tiếp (Khảo sát tổng hợp)
2.Kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ.
3.Xây dựng mạng lưới cộng tác viên.
4.Vận động quần chúng sưu tầm.
5.Tiếp nhận hiện vật từ các cơ quan, đoàn thể và các cá nhân
Những năm đầu, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận được khối lượng tài liệu hiện vật từ hai cuộc triển lãm của Khu Tự Trị Việt Bắc (1956-1961), sau đó tiếp nhận số lượng hiện vật từ Bảo tàng và một số cơ quan văn hoá của tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1956-1975), Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức triển lãm lưư động ở các tỉnh phía Bắc vừa kết hợp sưu tầm tài liệu hiện vật và vận động đồng bào các dân tộc tham gia đóng góp.
Từ năm 1980 trở lại đây, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hoạt động sưu tầm trên phạm vi cả nước, lực lượng cán bộ sưu tầm ít, do vậy đã có hình thức tổ chức mạng lưới cộng tác viên ở các tỉnh cùng tham gia sưu tập hiện vật, đem lại cho Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam một khối lượng khá lớn.
Số liệu hoạt động sưu tầm di sản văn hoá dân tộc từ 1982 đến nay của Bảo tàng Văn hoá Các dân tộc Việt Nam.
Năm sưu tầm | Các dân tộc được NCST | Các địa phương (tỉnh) | S.L các lượt đi ST | S.L đơn vị HV |
1982 | Khơ Mú, Thái | Yến Bái | 2 | 150 |
1983 | Việt, Mường, Tày, Nùng, Sán Chay, H’mông, Dao. | Bắc Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng. | 12 | 600 |
1984 | Dao, Pà Thẻn, Sán Dìu, Phù Lá | Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai. | 4 | 300 |
1985 | Lào, Dao, Sán Dìu, Lô Lô | Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Giang, Cao Bằng. | 4 | 300 |
1986 | Kháng, Tày, Thái, Nùng. | Sơn La, Lạng Sơn. | 6 | 400 |
1987 | Thái, Giáy, Lự, Bố Y, Hà Nhì, La Hủ. | Sơn La, Lạng Sơn. | 6 | 400 |
1988 | Việt, Mường. | Bắc Ninh, Hải Dương, Hoà Bình, Hưng Yên. | 4 | 150 |
1989 | Thổ, Chứt, Vân Kiều, Khơ Mú, Ơ Đu, Hoa. | Nghệ An, Quảng Bình, QuảngTrị,Quảng Ninh. | 6 | 400 |
1990 | Việt, Mảng, Dao, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo, Cống, Si La | Bắc Ninh, Thái Bình, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La. | 11 | 600 |
1991 | Kháng, Mảng, Thái, Lào. | Sơn La, Lai Châu. | 4 | 300 |
1992 | H/mông, Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Chu Ru , Phù Lá, Lô Lô | Hà Giang, Gia Rai, Đắk Lắc, Ninh Thuận, Lâm Đồng Lào Cai. | 8 | 400 |
1993 | Cờ Ho, Mạ, Tày, Sán Chay, Ê Đê, Chăm, Hoa, Ngái, Sán Dìu. | Lâm Đồng, Cao Bằng, Bắc Giang, Đắk Lắc, Phú Yên, Quảng Ninh. | 9 | 600 |
1994 | Kh’mer, Ba Na, Xơ Đăng, Hrê, M’nông, Xtiêng, Bru Vân Kiều, Giẻ Triêng, Cơ Tu, Cơ Ho, Tà Ôi, Chơ Ro, Brâu, Rơ Măm. | Sóc Trăng, Kon Tum , Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Phước Long, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai | 14 | 800 |
1995 | Việt,Mường,Thổ, Kh’mer, Ba Na, Hrê, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Co, Tà Ôi. | Huế, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Kon Tum, Quãng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị. | 10 | 700 |
1996 | Việt, Mường, Chứt, Tày. | Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Đồng Tháp, Thanh Hoá, Hoà Bình, Quảng Bình, Cao Bằng, THừa Thiên Huế. | 9 | 500 |
1997 | Tày,Thái,Nùng,Giáy, Lào,Lự, H’mông, Dao, Pà Thẻn, Si La. | Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Yến Bái, Bắc Kạn, Hà 700Giang. | 10 | 700 |
1998 | Khơ Mú, Nùng, Sán Chay, Giáy, Gia Rai, Ê Đê, Chăm, Chu Ru, Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá. | Nghệ An, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang, Lâm Đồng, Lai Châu. | 11 | 700 |
1999 | Dao | Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Kạn. | 4 | 100 |
2000 | Cờ Lao, Pu Péo, H’mông. | Hà Giang, Lào Cai. | 4 | 150 |
2001 | ||||
2002 | ||||
2003 | ||||
2004 | ||||
2005 | H’mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao, | Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai | ? | 586 |
2006 | Kinh, Tày, H’mông, Dao | Tuyên Quang. | 582 | |
2007- | Chăm, Khmer, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Tày, H’mông, Dao, Giẻ Triêng, Xtiêng, Sán Dìu, La Ha, Xinh Mun, Co, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Chơ Ro. | Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Vũng Tàu, Nghệ An | 22 | 821 |
2008 | Khơ Me, Xtiêng, Chăm, Giẻ Triêng, Tày, Thái, Kinh, Co, Hrê, Nùng, Dao | Lào Cai, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Kon Tum, Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Hà Tây, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Bình Phước… | 6 | |
2009 | Nùng, Chăm, Khmer, Cơ Tu, Raglai, Chu Ru, Mạ, M’nông, Ê Đê, Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao. | Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia lai, Đắk Lắk | 25 | 3297 |