HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG TRƯNG BÀY – TUYÊN TRUYỀN

1. Công tác trưng bày: Ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 60, từ một Bảo tàng khảo cứu địa phương mang tính tổng hợp chuyển thành Bảo tàng chuyên ngành văn hoá dân tộc, trong quá trình hoạt động và trưởng thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam luôn lấy nhu cầu của khách tham quan làm mục tiêu chính cho các hoạt động của mình.

Công tác trưng bày cố định luôn được đặt lên hàng đầu vì trưng bày là bộ mặt của Bảo tàng. Khác với những cơ sở văn hoá khác, mọi hoạt động của Bảo tàng đều xoay quanh hiện vật gốc, lấy hiện vật gốc làm trọng tâm, cho nên trưng bày đã tạo cho Bảo tàng có tiếng nói riêng biệt. Trưng bày có sức mạnh trong việc phổ biến tri thức khoa học và giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân. Có thể nói công tác trưng bày là chiếc cầu nối  giữa Bảo tàng với quần chúng nhân dân và nhờ có công tác trưng bày mới phát huy giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử văn hoá của nó. Trong 50 năm hoạt động, công tác trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam gồm các giai đoạn chính sau:

Giai đoạn từ năm 1963 – 1975 là một Bảo tàng khảo cứu địa phương với tên gọi là Bảo tàng Việt Bắc, có phạm vi hoạt động thuộc 6 tỉnh khu tự trị Việt Bắc cũ. Nội dung trưng bày giới thiệu về thiên nhiên, con người và lịch sử đấu trang cách mạng.

Từ năm 1976 đến nay Bảo tàng chuyển sang chuyên ngành lịch sử văn hoá dân tộc. Với phương châm vừa học vừa làm, rút kinh nghiệm đến nay mọi hoạt động đã đi vào nề nếp. Từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Những năm gần đây, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Bảo tàng thực sự là một tụ điểm văn hoá, một địa chỉ cần đến của khách tham quan trong nước và quốc tế.

Hệ thống trưng trong nhà  gồm  1 gian long trọng và 5 phòng trưng bày được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hoá vùng, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú.

Phòng số 1: Với diện tích 250m2, phòng trưng bày giới thiệu các yếu tố văn hoá chung và riêng của 4 tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt) theo 3 vùng môi sinh: đồng bằng, thung lũng và miền núi. Với  12 tổ hợp trưng bày chính, phòng trưng bày đã đưa đến cho công chúng có một cái nhìn tổng quát về văn hóa của chủ nhân nền văn minh Sông Hồng.

Phòng số 2: Trưng bày và giới thiệu về văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày – Thái sinh sống tập trung chủ yếu phía Đông Bắc và Tây Bắc: (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y). Với  7 tổ hợp trưng bày, tập trung giới thiệu về cảnh quan cư trú, làng bản nhà cửa, canh tác nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống và đời sống tinh thần phong phú với những lễ hội và kho tàng văn hoá dân gian độc đáo

Phòng số 3: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao (H’mông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La). Đồng bào giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn…

Phòng số 4: Trưng bày giới thiệu văn hoá 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà ôi, Xơ Đăng, Xtiêng). Các tộc người này cư trú ở cả ba miền: Miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ, sinh sống dựa vào sản xuất nương rẫy kết hợp với ruộng nước. Nghề thủ công đan lát phát triển. Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; lễ hội văn hoá cộng đồng gắn liền với đời sống tâm linh là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn –  Khơ Me.

Phòng số 5: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu). Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và nhóm ngôn ngữ Hán được coi là những đại diện tiêu biểu cho mối giao thoa với các nền văn hoá ấn Độ và Trung Hoa ở Việt Nam. Văn hoá của cư dân nhóm Nam Đảo mang đậm dấu ấn mẫu hệ, văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Hán mang đậm nét phụ hệ. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua đời sống và dấu ấn văn hoá tộc ngườì.

Để xác định một cách đúng đắn nội dung trưng bày của từng phòng. Bảo tàng đã trải qua một quá trình chuẩn bị một cách công phu. Từ xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, giải pháp mỹ thuật, ma két trưng bày tổng thể…. Mỗi công việc đều đưa ra Hội đồng khoa học cùng bàn bạc, thống nhất, sau đó tổ chức hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học đóng góp cho nội dung trưng bày, duyệt giải pháp mỹ thuật tổng thể , ma két trưng bày…

Do làm tốt các bước trong quá trình nghiên cứu nội dung khoa học, nên công tác trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam ngày càng hạn chế được những khiếm khuyết trong cấu tạo nội dung, trong việc lựa chọn tài liệu hiện vật trưng bày, trong giải pháp mỹ thuật và nội dung các tài liệu hiện vật trưng bày…Chất lược các cuộc trưng bày ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của công chúng.

Về giải pháp mỹ thuật trưng bày: Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 60. Đây là một công trình kiến trúc đẹp. Mặc dù vậy vẫn có những hạn chế nhất định. Do Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam căn cứ vào  không gian kiến  trúc có sẵn để xây dựng giải pháp mỹ thuật, nhằm bảo đảm sự hài hoà giữa việc chuyển tải nội dung trưng bày với tổng thể kiến trúc nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Khi tiến hành trưng bày Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thường chú ý các yếu tố sau:

Hệ thống ê pi, tủ bục phải đáp ứng được hai chức năng: vừa là nơi bảo quản hiện vật, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho hiện vật. Trong trưng bày văn hoá dân tộc xu hướng kết hợp giữa hiện vật gốc và tạo không gian lịch sử, văn hoá điển hình (tái hiện không gian đời sống thực) để đem lại hiệu quả, thu hút sự chú ý của khách tham quan. Trong một tổ hợp trưng bày có rất nhiều hiện vật đơn lẻ khác nhau, chúng được liên kết lại, được tham gia vào những hoạt động của con người. Ánh sáng, mầu sắc có vai trò quan trọng trong trưng bày, xu thế chung hiện nay trong trưng bày Bảo tàng là ít sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc hạn chế độ nóng để tránh tổn hại đến hiện vật gốc, mầu sắc có tác dụng bổ trợ tự nhấn mạnh cho nội dung, đồng thời giúp cho khách tham quan có cái nhìn tổng quát về văn hoá tộc người, một nhóm ngôn ngữ, hay một vùng văn hoá. Phòng trưng bày số 1 – văn hoá nhóm ngôn ngữ Việt  – Mường sử dụng gam màu chính là nâu nhạt pha sắc hồng. Phòng trưng bày số 2 – văn hoá nhóm ngôn ngữ Tày – Thái cư trú chủ yếu trong các thung lũng có những cánh đồng màu mỡ, mầu chủ đạo của phòng là xanh lá mạ. Phòng trưng bày số 3 – các dân tộc nhóm ngôn ngữ H’Mông – Dao, Ka đai, Tạng – Miến cư trú ở vùng núi cao, cuộc sống của họ gắn với núi rừng, màu sắc chủ đạo là xanh pha sắc tím. Phòng trưng bày số 4 – văn hoá Trường Sơn – Tây Nguyên và Nam bộ  sử dụng màu sắc chủ đạo là màu đất đỏ bazan.

Cùng với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 735 tài liệu khoa học bổ trợ đã góp phần giới thiệu sâu sắc hơn, cụ thể hơn một số hoạt động văn hoá của các tộc người. Bên cạnh đó hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng cũng được xây dựng theo giải pháp tiến tiến, hiện đại. Hệ thống màn hình cảm ứng, âm thanh KTS đã tái hiện được cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá 54 tộc người, góp phần hấp dẫn công chúng tham quan.

Ngoài hệ thống 5 phòng trưng bày trong nhà. Hiện nay, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cơ bản hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án trưng bày ngoài trời với diện tích 40.040m2. Tập trung giới thiệu không gian 6 vùng văn hoá: Núi cao phía Bắc, Thung lũng,  Đồng bằng trung du Bắc Bộ, Miền Trung – ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đồng Bằng Nam Bộ. Mỗi vùng văn hoá có không gian tổ chức lễ hội với cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, làm điểm nhấn giới thiệu giá trị văn hoá các dân tộc Việt Nam tới du khách. Đến với Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hoá độc đáo trong phần trưng bày mà còn được hoà mình vào đời sống thực, được trải nghiệm qua các hoạt động thực tiễn trong không gian rộng lớn ở đây.

2. Công tác tuyên truyền – giáo dục trong Bảo tàng:

Bảo tàng là cơ quan gìn giữ những tài liệu hiện vật, di tích lịch sử văn hoá và phổ biến tuyên truyền giá trị văn hoá khoa học cho mọi đối tượng khách thăm quan.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục bảo tàng cần phân loại đối tượng khách tham quan và rút ra những phương pháp tuyên truyền cho từng đối tượng nhằm đảm bảo cho công tác tuyên truyền giáo dục là chiếc cầu nối bảo tàng với công chúng.

Khách tham quan được chia theo các loại sau:

Các nhà hoạt động chính trị, lãnh đạo, Nhà nước: là những người hoạt

động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý hành chính, cơ quan pháp luật. Đó là những người am hiểu và nhạy cảm về chính trị, về chủ chương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người hướng dẫn phải lịch sự, trân trọng, tự tin, nói ngắn gọn. Giới thiệu khái quát nội dung và giải pháp trưng bày theo các tổ hợp. Trong mỗi phòng trưng bày, có thể dừng lại ở một hoặc hai tổ hợp nào đó để đối tượng xem và nhớ lại những kỷ niệm mà chính bản thân họ đã từng được sống, sinh hoạt với đồng bào trong thời kỳ kháng chiến hoặc trong quá trình hoạt động cách mạng.

Các nhà khoa học, trí thức là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, triết học, giáo viên, văn nghệ sĩ, nhà văn hoá… Cong trong kinh doanh lại càng hết sức đa dạng, với nhiều thành phần, cấp bậc, tính chất, trình độ, quy mô, ngành nghề kinh doanh khác nhau. Họ có những đòi hỏi khác nhau về mục đích, nhu cầu hưởng thụ khi tham quan Bảo tàng.

Tuy vậy họ có những đặc điểm chung cơ bản khi tham quan Bảo tàng đó là tính nghiêm túc, khẩn trương, tiết kiệm thời gian và thích chất vấn. Do vậy người hướng dẫn phải có tác phong khẩn chương, năng động, nghiêm túc. Giới thiệu ngắn gọn, chính xác và xúc tích.

Học sinh, sinh viên: là đối tượng đến tham quan Bảo tàng đông đảo và cũng là đối tượng hiếu kỳ, họ là những người trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên là lứa tuổi hiếu động, ham hiểu biết và đa dạng về trình độ, quan điểm, tính cách, nhân cách, tâm tư nguyện vọng. Khi đến Bảo tàng họ có nhiều mục đích khác nhau với những nhu cầu đòi hỏi hết sức phức tạp. Mặt khác cách thức tham quan Bảo tàng ở đối tượng này cũng đa dạng như đi theo đoàn đông vài chục có khi vài trăm, đi theo tốp vài ba người, đi cá nhân lẻ một, hai người. Họ là những người nhạy cảm, tâm lý thiếu ổn định. Nừu không nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng và không có phương pháp hướng dẫn thích hợp sẽ làm cho họ nhàm chán thiếu tập trung, mất trật tự, đùa nghịch… như vậy cuộc tham quan sẽ không đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên cũng có một số người có ý thức hoặc sở thích tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Bảo tàng, họ lại có khả năng trở thành những cộng tác viên của bảo tàng. Người hướng dẫn tham quan cần cởi mở, nghiêm túc, nói to rõ ràng, đễ hiểu. Sử dụng sem kẽ những phương pháp như giới thiệu hiện vật trưng bày, ảnh trưng bày, kể chuyện, dừng lại minh hoạ những câu văn, thơ, tục ngữ, ca dao… có những chương trình học tập của học sinh, có thể đặt ra những câu hỏi đơn giản, gợi trí nhớ… để thu hút đối tượng học sinh.

Đối tượng là công nhân: Nừu đứng ở góc độ chính trị thì giai cấp công nhân là đối tượng đông và ổn định về tư tưởng, tổ chức và lập trường. Song xét theo góc độ khách tham quan bảo tàng thì đối tượng công nhân lại khá phức tạp bởi sự đa dạng về ngành nghề và môi nghành nghề lại có những tâm lý khác nhau. Do vậy khi đi tham quan bảo tàng yếu tố nghề nghiệp cũng có tác động sinh ra những nhu cầu, những tâm tư nguyện vọng khác nhau. Đối tượng này thường đi tham quan theo tốp, nhóm gia đình, hoặc cá nhân với mục đích chính là giải trí vào những ngày nghỉ, ngày tết, ngày lễ… Ngoài ra họ còn đi theo tổ chức công đoàn, cơ quan, những cuộc tham quan đó thường có chương trình, kế hoạch chặt chẽ về thời gian và tổ chức. Mục đích tham quan của đối tượng này chủ yếu để giải trí, thư giãn sau một thời gian lao động. Đặc điểm chung của đối tượng này là dễ hoà nhập, do vậy người hướng dẫn tham quan phải có thái độ trân trọng, cởi mở, vui vẻ, tạo không khí tự nhiên, thoải mái giữa người hướng dẫn và người xem. Người hướng dẫn nên chọn những hiện vật, tài liệu đặc sắc văn hoá truyền thống của các tộc người. Tránh đi sâu vào những hiện vật trìu tượng, khó hiểu như các hiện vật về tôn giáo, tín ngưỡng.

Cán bộ công chức: là lực lượng tương đối đông, được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, là những người có trình độ nhất định trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích tham quan của đối tượng này hết sức đa dạng, họ đi du lịch tập thể, đi vào bảo tàng để giải trí cùng gia đình, có người thấy lạ muốn vào để thoả mãn sự tò mò của mình, cũng có người muốn tìm hiểu, thậm chí nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công việc hoặc đề tài khoa học nào đó mà họ đang thực hiện… Do vậy nhu cầu và thị hiếu của họ cũng hết sức phong phú. Người hướng dẫn cần lịch sự, nói rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, nên chú ý đến thái độ và tâm lý của kháh mà dừng lâu hay nhanh ỏ mỗi tổ hợp trưng bày, có phong cách thoải mái, gần gũi mang tích chất trao đổi hơn là hướng dẫn.

Nông dân, những người sinh sống ở nông thôn chiếm một tỷ lệ cao. Tuy vậy họ là đối tượng ít được đi tham quan, du lịch. Do đặc điểm nghề nghiệp, điều kiện địa lý và đời sống vật chất còn nhiều khó khăn đã tạo ra một khoảng cách về mức độ hưởng thụ văn hoá so với cư dân ở thành thị. Những người thuộc đối tượng này thường đi tham quan, đi chơi giải trí vào những ngày lễ, tết hoặc các dịp du lịch do địa phương tổ chức. Họ đi theo đoàn hay từng tốp từ vài chục người hoặc 4 – 5 người. Tầng lớp nông dân đến tham quan bảo tàng thường biểu hiện cảm xúc tức thì với những phản xạ tự nhiên, do đột ngột gặp những sự việc, hiện tượng lạ tạo nên sự ngỡ ngàng của người xem bảo tàng. Bên cạnh sự ngỡ ngàng người nông dân lại dễ dàng thờ ơ với những gì mình vừa rung động, điều đó dễ hiểu qua thái độ chóng quên, rất ít khi có nhận xét, bình phẩm. Vì vậy việc đáp ứng những đòi hỏi của họ không mấy khó khăn. Người hướng dẫn tham quan cần sử dụng phương pháp: giới thiệu những mảng trưng bày về hình thái kinh tế, nhà cửa, nghề thủ công, nhạc cụ, lễ hội… giúp đối tượng này cảm thấy phảng phất có mình trong đó.

Đối tượng là lực lượng vũ trang đến tham quan bảo tàng, nhu cầu của họ không phức tạp. Khi hướng dẫn đối tượng này cần có tác phong lịch sự trân trọng, cởi mở, kết hợp xen kẽ các phương pháp hướng dẫn, mô tả bằng lời, minh hoạ thơ, ca dao, diễn đạt lưu loát, rõ ràng để khách hình dung được cảnh quan trưng bày, giúp khách hiểu được bản sắc văn hoá các dân tộc. Từ đó họ có ý thức trách nhiệm trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đối tượng khách nước ngoài đến tham quan bảo tàng cũng có nhiều hình thức khác nhau như đi theo tua du lịch, theo tổ chức cgính trị, kinh tế, tổ chức tài trợ, người đi tự do… Người hướng dẫn tham quan cần lịch sự, cởi mở, thể hiện lòng mến khách, chủ yếu dùng phương pháp giới thiệu khái quát, ngắn gọn, rõ ràng các mảng trưng bày. Chú ý giới thiệu đặc điểm văn hoá các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ kết hợp với vùng miền, giới thiệu bản đồ cư trú các dân tộc trong mỗi phòng để khách dễ theo dõi, phải biết lựa chọn hiện vật, ảnh để khách hiểu nền văn hoá phong phú, đa dạng của các dân tộc Việt Nam.

Các đối tượng là những người hưu trí, mất sức, người hoạt động tự do, buôn bán nhỏ, người không có công ăn việc làm ổn định… cũng thường xuyên đến tham quan bảo tàng. Cũng có người vốn cũng là cán bộ, công chức, người có công với nước, người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy… họ đã về hưu. Khi đón tiếp các đối tượng này, người hướng dẫn cần vui vẻ, cởi mở, tận tình. Giới thiệu khái quát, ngắn gọn, nắm bắt nhu cầu và tâm lý của khách để hướng dẫn sao cho hài hoà, không gò bó. Nrrn có sự trao đổi bằng câu hỏi và câu trả lời giữa người hướng dẫn và người xem, để khi kết thúc tuyến tham quan, họ thấy có ý nghĩa khi dành thời gian tham quan bảo tàng.

Hướng dẫn tham quan là công tác hết sức quan trọng trong mỗi bảo tàng. Nó được coi là chiếc cầu nối giữa bảo tàng với người tham quan. Người hướng dẫn có nhiệm vụ giúp người xem hiểu được nội dung trưng bày bảo tàng, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, lịch sử dân tộc.

3. công tác triển lãm lưu động:

Ngay từ khi mới thành lập, các cán bộ Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (lúc đó là Bảo tàng Việt Bắc) đã không quản ngại khó khăn gian khổ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống trưng bày cố định, đồng thời bắt tay ngay vào các đợt triển lãm lưu động, đưa các tài liệu hiện vật minh chứng cho lịch sử đấu tranh cách mạng và các thành tựu kinh tế của Việt Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tới các tỉnh, huyện, thậm chí tới các bản làng xa xôi hẻo lánh ở địa đầu tổ quốc như Hà Giang, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho nhân dân và sưu tầm các tài liệu hiện vật đưa về Bảo tàng.

Trong những năm tháng chiến tranh (1963 – 1975) hoạt động triển lãm lưu động của Bảo tàng Việt bắc đã thực sự trở thành mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hoá. Dù ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, trưng bày – giới thiệu ở bất cứ địa phương nào, phòng triển lãm về lịch sử đấu tranh cách mạng vùng căn cứ địa Việt bắc cũng thu hút đông đảo đối tượng khách tham quan. Bằng các hiện vật trưng bày sống động, phòng triển lãm đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho quảng đại quần chúng nhân dân, góp sức mình trong sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đất nước, đồng thời giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Bảo tàng Việt bắc vừa mở cửa đón khách tham quan được 2 năm thì cuối năm 1965 Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Để bảo đảm an toàn cho các tài liệu hiện vật và tiếp tục phục vụ khách tham quan, Bảo tàng đã tổ chức sơ tán các tài liệu hiện vật trong kho cơ sở, đồng thời sử dụng hình thức triển lãm lưu động, nhằm phát huy tác dụng của hiện vật.

Phòng triển lãm lưu động đầu tiên của Bảo tàng được tổ chức tại Hích – nơi có nhiều đồng bào dân tộc cư trú thuộc xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vào đầu năm 1966, thu hút 2.500 lượt người xem. Ngay sau đó triển lãm lưu động đã vươn tầm hoạt động phục vụ nhân dân tại địa bàn xa hơn như thị xã Bắc Kạn, thị trấn Phủ Thông và xã Vi Hương (Bạch Thông), huyện Chợ Rã (Bắc Kạn) các cuộc triển lãm đã thu hút khoảng 12.500 lượt người xem. Trong thời kỳ chiến tranh con số đó khẳng định chủ trương đúng đắn của bảo tàng Việt bắc là lấy triển lãm lưu động làm hoạt động chính yếu phục vụ công chúng.

Không dừng lại ở đó, đoàn triển lãm lưu động của Bảo tàng Việt Bắc lại tiếp tục lên đường phục vụ nhân dân tại các địa phương như xã Trung Hà, thị trấn Sóc Giang, Đồn Chương, Nà Giang (thuộc huyện Hà Quảng), Nước Hai, Đà Lạn, Cao Bình (Hoà An) và một số địa điểm thuộc huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng, phòng triển lãm đã thu hút được  gần 7000 lượt người.

Ngay trong bon đạn chiến tranh , hiện vật phải mang đi sơ tán ở nhiều nơi, nhưng để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng. Đoàn triển lãm lưu động cùng phối hợp với quân khu I triển lãm chuyên đề “ Quân dân miền Bắc trong thời kỳ chống mỹ cứu nước” tại Thái Nguyên đã thu hút được vài nghìn lượt khách tham quan.

Năm 1972 Hiệp định Pari được ký kết, miền Bắc ngừng tiếng súng, đội ngũ lưu động được lệnh trở về cơ quan. Tại nơi sơ tán ở xã Dân Chủ huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Bảo tàng Việt Bắc đã tổ chức một cuộc triển lãm phục vụ đồng bào địa phương, trước khi đoàn đưa toàn bộ tài liệu hiện vật trở về thành phố

Từ năm 1972 – 1975, hoạt động triển lãm lưu động của Bảo tàng Việt Bắc tạm thời dừng lại, nhiệm vụ trong thời gian này là tập trung chỉnh lý hệ thống trưng bày cố định, để mở cửa phục vụ khách tham quan tại chỗ.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bảo tàng Việt Bắc chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn chuyển hướng hoạt động từ  nội dung lịch sử cách mạng sang lĩnh vực văn hoá dân tộc.

Năm 1976 Bảo tàng Việt Bắc chuyển giao về cho Bộ Văn hoá Thôn tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) quản lý. Từ đây Bảo tàng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Hoạt động triển lãm lưu động được đặt ra trong kế hoạch hoạt động hàng năm của Bảo tàng. Mặc dù nội dung hoạt động của Bảo tàng đã thay đổi nhưng công tác triển lãm lưu động vẫn đi theo chuyên đề lịch sử đấu tranh cách mạngcủa nhân dân các dân tộc Việt Bắc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 1977, phát huy thành tích đã đạt được trong những năm tháng chiến tranh, triển lãm lưu động của Bảo tàng lại tiếp tục bước vào hành trình mới, phục cụ khách tham quan tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt giờ đây đồng bào có điều kiện, thư thái hơn, vì vậy số lượng khách tham quan đến với triển lãm cũng đông hơn. Từ tháng 4 – 11 năm 1979 Bảo tàng đã tổ chức phục vụ được 16 điểm trên phạm vị các tỉnh như Cao Bằng, Lạnh Sơn, thu hút được 83.598 lượt người xem.

Năm 1980, bên cạnh việc triển lãm tại chỗ, Bảo tàng còn phối hợp với các sở ban ngành ở địa phương tổ chức triển lãm tại các địa điểm như: Huyện Đại Từ, huyện Yên Sơn, thị xã Hà Giang, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đến Đồng Văn, các can bộ Bảo tàng  tổ chức triển lãm ngay tại chợ Đồng Văn . Đây là việc làm mới mẻ, mang tính sáng tạo nhưng không kém phần phức tạp. Bà con dân tộc không biết chữ quốc ngữ, làm thế nào để phục vụ đông đảo nhân dân mà vẫn phải bảo đảm an toàn cho hiện vật. Câu trả lời đã được giải mã khi toàn bộ phần thuyết minh nội dung triển lãm được gấp rút dịch ra tiếng H’mông, ghi âm và phát ra loa phục vụ người xem. Nhờ cách đó đồng bào H’mông xuống chợ vào xem triển lãm và nghe thuyết minh rất chăm chú, với ý thức trân trọng. Kết quả cuộc triển lãm đã thu hút được hơn 30.000 lượt người xem.

Năm 1981 thực hiện chỉ thị của Bộ văn hoá Thông tin về việc thúc đẩy mạnh mọi hoạt động văn hoá ở miền núi nhất là vùng sâu vùng xa, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở văn hoá – Thông tin Hoàng Liên Sơn đưa bộ triển lãm lưu động của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phụ vụ nhân dân vùng biên giới như phố Lu, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Cam Đường, Bát Xát, Bảo Yên, Lục Yên…sau 2 tháng đoàn triển lãm đã phục vụ được trên 10 điểm, thu hut hơn 20.000 lượt người xem.

Từ năm 1982 – 1986 do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới, bảo tàng ngừng hoạt động triển lãm lưu động để tập trung cho công tác chuyên môn theo nội dung mới.

Từ năm 1990 triển lãm lưu động của Bảo tàng đi sâu vào chuyên đề văn hoá dân tộc như: Đặc trưng văn hoá các dân tộc Việt Nam; Trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Đến nay, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam có 02 bộ triển lãm lưu động khá hoàn chỉnh, phản ánh khá đầy đủ những đặc trưng văn hoá của 54 tộc người. Trong đó một bộ với nhiều manơcanh mặc trang phục dân tộc rất khó khăn trong quá trình vận chuyển đi lưu động nhưng lại rất sinh động và hấp dẫn khách tham quan. Một bộ mini nhỏ gọn dễ vận chuyển, thích hợp với việc triển lãm lưu động ở các trường học, câu lạc bộ trong thời gian ngắn.

Trong quá trình triển lãm với lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp đã tạo cho mỗi cán bộ Bảo tàng trong bất cứ tình huống nào, dù không gian trưng bày rộng hay hẹp, chỉ trong một thời gian ngắn, phòng trưng bày lưu động nhanh chóng được hoàn chỉnh để phục vụ công chúng, nhất là những huyện khó khăn miền núi, biên giới, hải đảo như Lang Chánh (Thanh Hoá), Bình Liêu ( Quảng Ninh) Cát Bà ( Hải Phòng)…dù rất mệt mỏi sau chuyến lộ trình, vượt hàng trăm km trên đường gập ghềnh, hay vượt sóng biển cả ngày đường mới tới nơi triển lãm, nhưng thấy bà con vượt đèo, lội suối đến thăm quan, nhiều bà con ban ngày bận lo sản xuất tối mới có điều kiện để đi thăm quan, anh em của đoàn không quản ngại mệt mỏi, thời gian, thay nhau mở của phục vụ bà con ban ngày, buổi trưa, buổi tối. Tuy vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui vì phục vụ được đông đảo khách tham quan, giúp đồng bào hiểu được văn hoá của dân tộc mình và các dân tộc anh em khác. Qua đó đồng bào lại đóng góp, trao đổi, bổ sung thêm nhiều nét  văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của từng địa phương, góp phần làm giàu thêm vốn văn hoá đa dạng của dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1990 – 2009 Bảo tàng đã tiến hành  74 cuộc triển lãm lưu động với quy mô lớn, nhỏ ở mọi miền tổ quốc. Bên cạnh đó Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam còn tổ chức và phối hợp với các Sở văn hoá, các hội, tập thể và các tổ chức, cá nhân tiến hành hơn 35 cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng phục vụ được ……..lượt khách tham quan.

Số khách tham quan theo thống kê trên đây chưa phải là nhiều. Tuy nhiên triển lãm về văn hoá các dân tộc Việt Nam đã góp phần đáng kể  vào việc nâng cao trình độ dân trí, cũng như việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Góp phần đưa văn hoá về cơ sở, qua đó đồng bào ở mỗi địa phương không chỉ hiểu biết thêm về tập tục văn hoá truyền thống của dân tộc mình mà còn hiểu thêm về văn hoá nhiều dân tộc anh em khác trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.