Công tác trưng bày

Ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 60, từ một Bảo tàng khảo cứu địa phương mang tính tổng hợp chuyển thành Bảo tàng chuyên ngành văn hoá dân tộc, trong quá trình hoạt động và trưởng thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam luôn lấy nhu cầu của khách tham quan làm mục tiêu chính cho các hoạt động của mình.

Công tác trưng bày cố định luôn được đặt lên hàng đầu vì trưng bày là bộ mặt của Bảo tàng. Khác với những cơ sở văn hoá khác, mọi hoạt động của Bảo tàng đều xoay quanh hiện vật gốc, lấy hiện vật gốc làm trọng tâm, cho nên trưng bày đã tạo cho Bảo tàng có tiếng nói riêng biệt. Trưng bày có sức mạnh trong việc phổ biến tri thức khoa học và giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân. Có thể nói công tác trưng bày là chiếc cầu nối  giữa Bảo tàng với quần chúng nhân dân và nhờ có công tác trưng bày mới phát huy giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử văn hoá của nó. Trong 50 năm hoạt động, công tác trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam gồm các giai đoạn chính sau:
Giai đoạn từ năm 1963 – 1975 là một Bảo tàng khảo cứu địa phương với tên gọi là Bảo tàng Việt Bắc, có phạm vi hoạt động thuộc 6 tỉnh khu tự trị Việt Bắc cũ. Nội dung trưng bày giới thiệu về thiên nhiên, con người và lịch sử đấu trang cách mạng.
Từ năm 1976 đến nay Bảo tàng chuyển sang chuyên ngành lịch sử văn hoá dân tộc. Với phương châm vừa học vừa làm, rút kinh nghiệm đến nay mọi hoạt động đã đi vào nề nếp. Từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Những năm gần đây, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Bảo tàng thực sự là một tụ điểm văn hoá, một địa chỉ cần đến của khách tham quan trong nước và quốc tế.
Hệ thống trưng trong nhà  gồm  1 gian long trọng và 5 phòng trưng bày được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hoá vùng, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú.
Phòng số 1: Với diện tích 250m2, phòng trưng bày giới thiệu các yếu tố văn hoá chung và riêng của 4 tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt) theo 3 vùng môi sinh: đồng bằng, thung lũng và miền núi. Với  12 tổ hợp trưng bày chính, phòng trưng bày đã đưa đến cho công chúng có một cái nhìn tổng quát về văn hóa của chủ nhân nền văn minh Sông Hồng.
Phòng số 2: Trưng bày và giới thiệu về văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày – Thái sinh sống tập trung chủ yếu phía Đông Bắc và Tây Bắc: (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y). Với  7 tổ hợp trưng bày, tập trung giới thiệu về cảnh quan cư trú, làng bản nhà cửa, canh tác nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống và đời sống tinh thần phong phú với những lễ hội và kho tàng văn hoá dân gian độc đáo
Phòng số 3: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao (H’mông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La). Đồng bào giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn…
Phòng số 4: Trưng bày giới thiệu văn hoá 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà ôi, Xơ Đăng, Xtiêng). Các tộc người này cư trú ở cả ba miền: Miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ, sinh sống dựa vào sản xuất nương rẫy kết hợp với ruộng nước. Nghề thủ công đan lát phát triển. Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; lễ hội văn hoá cộng đồng gắn liền với đời sống tâm linh là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn –  Khơ Me.
Phòng số 5: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu). Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và nhóm ngôn ngữ Hán được coi là những đại diện tiêu biểu cho mối giao thoa với các nền văn hoá ấn Độ và Trung Hoa ở Việt Nam. Văn hoá của cư dân nhóm Nam Đảo mang đậm dấu ấn mẫu hệ, văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Hán mang đậm nét phụ hệ. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua đời sống và dấu ấn văn hoá tộc ngườì.
Để xác định một cách đúng đắn nội dung trưng bày của từng phòng. Bảo tàng đã trải qua một quá trình chuẩn bị một cách công phu. Từ xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, giải pháp mỹ thuật, ma két trưng bày tổng thể…. Mỗi công việc đều đưa ra Hội đồng khoa học cùng bàn bạc, thống nhất, sau đó tổ chức hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học đóng góp cho nội dung trưng bày, duyệt giải pháp mỹ thuật tổng thể , ma két trưng bày…
Do làm tốt các bước trong quá trình nghiên cứu nội dung khoa học, nên công tác trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam ngày càng hạn chế được những khiếm khuyết trong cấu tạo nội dung, trong việc lựa chọn tài liệu hiện vật trưng bày, trong giải pháp mỹ thuật và nội dung các tài liệu hiện vật trưng bày…Chất lược các cuộc trưng bày ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của công chúng.
Về giải pháp mỹ thuật trưng bày: Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 60. Đây là một công trình kiến trúc đẹp. Mặc dù vậy vẫn có những hạn chế nhất định. Do Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam căn cứ vào  không gian kiến  trúc có sẵn để xây dựng giải pháp mỹ thuật, nhằm bảo đảm sự hài hoà giữa việc chuyển tải nội dung trưng bày với tổng thể kiến trúc nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Khi tiến hành trưng bày Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thường chú ý các yếu tố sau:
Hệ thống ê pi, tủ bục phải đáp ứng được hai chức năng: vừa là nơi bảo quản hiện vật, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho hiện vật. Trong trưng bày văn hoá dân tộc xu hướng kết hợp giữa hiện vật gốc và tạo không gian lịch sử, văn hoá điển hình (tái hiện không gian đời sống thực) để đem lại hiệu quả, thu hút sự chú ý của khách tham quan. Trong một tổ hợp trưng bày có rất nhiều hiện vật đơn lẻ khác nhau, chúng được liên kết lại, được tham gia vào những hoạt động của con người. Ánh sáng, mầu sắc có vai trò quan trọng trong trưng bày, xu thế chung hiện nay trong trưng bày Bảo tàng là ít sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc hạn chế độ nóng để tránh tổn hại đến hiện vật gốc, mầu sắc có tác dụng bổ trợ tự nhấn mạnh cho nội dung, đồng thời giúp cho khách tham quan có cái nhìn tổng quát về văn hoá tộc người, một nhóm ngôn ngữ, hay một vùng văn hoá. Phòng trưng bày số 1 – văn hoá nhóm ngôn ngữ Việt  – Mường sử dụng gam màu chính là nâu nhạt pha sắc hồng. Phòng trưng bày số 2 – văn hoá nhóm ngôn ngữ Tày – Thái cư trú chủ yếu trong các thung lũng có những cánh đồng màu mỡ, mầu chủ đạo của phòng là xanh lá mạ. Phòng trưng bày số 3 – các dân tộc nhóm ngôn ngữ H’Mông – Dao, Ka đai, Tạng – Miến cư trú ở vùng núi cao, cuộc sống của họ gắn với núi rừng, màu sắc chủ đạo là xanh pha sắc tím. Phòng trưng bày số 4 – văn hoá Trường Sơn – Tây Nguyên và Nam bộ  sử dụng màu sắc chủ đạo là màu đất đỏ bazan.
Cùng với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 735 tài liệu khoa học bổ trợ đã góp phần giới thiệu sâu sắc hơn, cụ thể hơn một số hoạt động văn hoá của các tộc người. Bên cạnh đó hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng cũng được xây dựng theo giải pháp tiến tiến, hiện đại. Hệ thống màn hình cảm ứng, âm thanh KTS đã tái hiện được cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá 54 tộc người, góp phần hấp dẫn công chúng tham quan.
Ngoài hệ thống 5 phòng trưng bày trong nhà. Hiện nay, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cơ bản hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án trưng bày ngoài trời với diện tích 40.040m2. Tập trung giới thiệu không gian 6 vùng văn hoá: Núi cao phía Bắc, Thung lũng,  Đồng bằng trung du Bắc Bộ, Miền Trung – ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đồng Bằng Nam Bộ. Mỗi vùng văn hoá có không gian tổ chức lễ hội với cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, làm điểm nhấn giới thiệu giá trị văn hoá các dân tộc Việt Nam tới du khách. Đến với Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hoá độc đáo trong phần trưng bày mà còn được hoà mình vào đời sống thực, được trải nghiệm qua các hoạt động thực tiễn trong không gian rộng lớn ở đây.