Cùng sinh sống lâu đời trên địa bàn thung lũng, từ lâu, cư dân Tày, Thái đã biết sáng tạo ra một hệ thống thủy lợi phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp của vùng và sự đa dạng của môi trường tự nhiên, đó chính là hệ thống dẫn nước “Mương, phai, lái, lín/lịn”. Hệ thống này vận hành theo một chu trình khép kín, vì vậy nếu chỉ cần một nhân tố thay đổi sẽ dẫn đến cả hệ thống bị biến đổi. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của công chúng về hệ thống thủy lợi này, trong không gian trưng bày trong nhà Bảo tàng, tại phòng trưng bày số 2 (Giới thiệu văn hóa các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày, Thái), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trưng bày một số hiện vật, hình ảnh, tư liệu để giúp công chúng tham quan hiểu rõ hơn.
Phai: Do sinh sống ở gần các con sông, suối nên cư dân Tày, Thái đã sáng tạo hệ thống “phai”- thực chất là dựng đập ngăn nước để tạo độ chênh lệch của dòng chảy, từ đó đưa nước vào mương và từ mương chảy qua hệ thống máng dẫn bằng tre, nứa xuống các thửa ruộng bậc thang cao khoảng 5m so với mặt suối. Nói đến hệ thống khai thác sử dụng nguồn nước của người Tày, Thái, không thể không nhắc đến kỹ thuật dựng phai. Các phai của người Tày, Thái trước đây được làm bằng gỗ, tre, nứa và đất. Việc chọn vị trí đặt phai rất quan trọng. Địa hình, vị trí đặt phai thuận lợi sẽ quyết định lưu lượng nước chảy vào mương và đảm bảo độ bền cho phai trong mùa nước lũ. Thời gian thích hợp nhất để làm phai là vào mùa khô (tháng 12, 1 âm lịch) là thời kì cạn nước của dòng suối nên việc đắp phai, làm cọn nước, khai mương dễ làm, đỡ tốn công sức. Để dựng phai ngăn suối, đầu tiên phải chuẩn bị nguyên vật liệu (tre, gỗ..) Đáy phai phải được làm từ thân cây gỗ lớn có chiều dài bằng chiều rộng con suối. Cây gỗ này được đặt chìm một nửa thân xuống đáy suối. Với con suối rộng, đồng bào dùng 2 thân cây ghép lại. Ở điểm nối, họ chống xê dịch bằng cách đan những sọt tre hình trụ đó. Bỏ đá đầy vào bên trong rồi chèn vào. Sau khi cố định được thân cây gỗ chính, đồng bào xếp lần lượt gỗ và ken gỗ thành từng lớp ngang dọc giống hình dẻ quạt tạo thành bộ khung phai, rồi dùng tre, nứa đan thành phên để chặn ở mặt phai, dùng đá, đất đắp, chèn kín để ngăn dòng chảy làm cho mực nước dâng cao ngang mặt phai và tràn vào mương. Mặt cắt dọc của phai có hình tam giác vuông. Cạnh huyền của tam giác này thuận theo dòng chảy của suối vì nó chịu tác động của dòng chảy, tạo thành lực nén theo phường thẳng đứng, chính lực nén này làm tăng thêm sức bền chặt của phai.
Mương: Là những đường được nối từ phai để dẫn nước vào ruộng, nó có thể chạy men theo sườn đồi và dọc các cánh đồng. Mương có ba loại: mương chìm (mương đào); mương nổi (mương đắp) và mương nửa chìm, nửa nổi. Để dòng chảy có thể vượt qua khe, người ta cắm hai hàng cọc tre cách nhau từ 50-100cm rồi ghép các thân cây tre hình hộp sau đó lót kín bằng các phên nứa. Hiện nay, hệ thống mương này đã được bê tông hóa.
Lái: Nước từ mương được đưa đến những thửa ruộng riêng lẻ bằng hệ thống các phai phụ, người Tày, Thái gọi là Lái. Hệ thống này còn có tác dụng ngăn nước ở các đoạn mương bị vỡ để tiếp tục dâng nước lên cao cho chảy vào ruộng hoặc dẫn nước mương vượt qua các chướng ngại vật như đá, gốc cây…
Lín: là hệ thống dẫn nước được làm bằng tre, nứa hoặc bương, bổ làm đôi hoặc để cả ống tùy theo vị trí sử dụng. các đường máng dùng để dẫn nước từ mương hoặc lái vào các thửa ruộng có chỗ dài hàng trăm mét. Các đường máng dùng để dẫn nước từ mương hoặc lái vào các thửa ruộng có chỗ dài hàng trăm mét. Các ống máng ngắn gọi là “to” hoặc “láy” để đưa nước vào các thửa ruộng gần mương, hoặc đưa nước từ ruộng trên xuống ruộng dưới, hay tháo khô cho ruộng khi cần thiết. Các ống máng này thường có nắp đậy để điều tiết mực nước trong ruộng và điều phối đồng đều nước ở ruộng trên và ruộng dưới.
Cọn: Đối với những ruộng bậc thang ở trên cao khoảng 3-4m không thể sử dụng phai và mương để lấy nước tưới. Vì vậy cư dân Tày, Thái đã sáng tạo ra những chiếc cọn nước. Một chiếc cọn có thể cung cấp nước tưới cho 0,5-1ha ruộng. Cọn được làm bằng tre, gỗ, có hình dáng bánh xe, đường kính có thể lên tới 6-7m. Cơ chế vận hành của cọn nước là lợi dụng dòng chảy xiết của suối nhờ vào phai. Lực tác động của dòng chảy xiết làm bánh xe quay, vì trên vòng tròn của bánh xe người ta đặt các tấm tre làm thành cánh quạt cản nước. Mỗi bên cánh quạt trên thân bánh xe đều có gắn các ống nứa. Khi bánh xe quay, các ống nứa này tiếp xúc với dòng chảy và múc nước để đưa lên cao đổ vào máng, liên tục như vậy và nước từ máng được đưa vào ruộng.
Do địa hình phức tạp, các thửa ruộng vùng thung lũng có độ cao thấp khác nhau và không phải thửa ruộng nào cũng gần nguồn nước chảy tự nhiên. Trong điều kiện đó, để giải quyết nước cho sản xuất, canh tác nông nghiệp, cư dân Tày, Thái đã cùng nhau xây dựng lên một hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cả mường. Trong mỗi bản, họ thường cắt cử người trông coi, bảo vệ phai mương. Những người này thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng của phai mương nhất là vào mùa mưa. Các ruộng ở trên cao khi được hệ thống mương phai dẫn đủ nước thì sẽ được nước cho chảy xuống ruộng dưới. Cứ như vậy, nguồn nước được chia đều cho các thửa ruộng.
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, cư dân Tày, Thái đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, biết thâm canh, tăng vụ; chuyển canh tác lúa theo hai vụ, từ một vụ lúa nếp trở thành hai vụ lúa tẻ hoặc một nếp một tẻ. Hệ thống thủy nông cũ đã được cải tạo, phù hợp với mô hình sản xuất mới. Ruộng hai vụ phải thường xuyên có nước, hệ thống mương phai lái lin thực hiện bằng thủ công nay chuyển thành những công trình thủy lợi nhỏ, vừa và lớn xây đắp bằng bê tông cốt thép. Bên cạnh việc duy trì các biện pháp thủy lợi truyền thống, nhờ sự giúp đỡ về vốn, vật tư và kỹ thuật của Nhà nước, nhiều phai đập kè cống đã được xây dựng ở nhiều nơi thuận tiện cho việc sinh hoạt và canh tác. Việc kết hợp giữa hai hình thức: Xây dựng công trình thủy lợi mới và thủy lợi truyền thống theo kiểu mương, phai là hướng giải quyết hợp lý nhằm tận dụng các nguồn nước trong việc khai thác các tiềm năng của đất.
Một số hình ảnh về hệ thống thủy lợi của cư dân Tày, Thái
Hình ảnh “cọn nước” được trưng bày tại tổ hợp canh tác nông nghiệp, phòng trưng bày số 2, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Guồng quay (cọn nước) và máng dẫn nước của dân tộc Tày, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (2011) (Nguồn: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam)
Đoàn Thanh Huế – Bảo tàng VHCDT Việt Nam