VHO- Văn hóa vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển, ở nhiều địa phương ít chú trọng đến đặc điểm riêng về văn hóa vùng DTTS. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trước thực trạng này, cần nghiên cứu kỹ các đặc điểm riêng trong văn hóa vùng DTTS và những tác động ảnh hưởng của nó đối với thực tiễn.
Ảnh minh họa
Phát triển bền vững và vai trò của văn hóa
Phát triển bền vững là một khái niệm mà nội hàm của nó không ngừng được mở rộng, cùng với nhận thức ngày càng tăng của nhân loại về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các hoạt động kinh tế, văn hoá, thể chế, con người.
Phát triển bền vững về văn hóa là một khái niệm xã hội học do Pierre Bourdieu đề xuất, sau đó đã được sử dụng rộng rãi. Đối với Bourdieu, vốn văn hoá là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn, kể cả một tương lai hứa hẹn hơn. Cha mẹ cấp vốn văn hoá cho con cái bằng tri thức, các thái độ, phong cách sống và làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị trí thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công.
Phát triển bền vững đề cao vai trò của văn hóa. Văn hóa không những là một trụ cột trong phát triển bền vững mà còn là một bộ phận trong các trụ cột khác (con người, thể chế). Thời kỳ đầu, khi quan niệm phát triển bền vững mới ra đời, các nhà khoa học ít chú ý đến văn hóa, chủ yếu tập trung vào phát triển bền vững môi trường, kinh tế. Nhưng hơn một thập kỷ qua, vấn đề phát triển bền vững về văn hóa được đề cao. Văn hóa thực chất là một trụ cột quan trọng và xuyên suốt của khái niệm phát triển bền vững.
Văn hóa DTTS với phát triển bền vững
Xét về mặt văn hóa tộc người, Việt Nam là đất nước đa văn hóa. Tính đa dạng về văn hóa không chỉ phổ biến ở các tộc người mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng miền khác nhau. Sự đa dạng về địa hình, sự giao lưu văn hóa là những yếu tố tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Sự đa dạng văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong sự làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc; đồng thời đa dạng văn hóa cũng là đặc trưng của xã hội loài người. Tính đa dạng văn hóa không chỉ có phần làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam mà còn là nòng cốt để phát triển bền vững văn hóa. Không thể phát triển bền vững mà không có tính đa dạng văn hóa.
Ảnh minh họa
Ở vùng DTTS, ngoại trừ những đô thị, còn đa số cư dân sống ở nông thôn. Người dân đều sống trong cộng đồng, trong các phum, sóc, bản, làng. Mối quan hệ cộng đồng là quan hệ chủ đạo trong xã hội. Tính cộng đồng đề cao, chi phối các quá trình sáng tạo, phổ biến, tiêu dùng văn hóa. Mỗi một sản phẩm văn hóa đều do cộng đồng sáng tạo. Một bản nhạc, điệu múa lúc đầu có thể do một nghệ nhân sáng tác, nhưng sau đó được cả cộng đồng trau chuốt. Mặt khác, nghệ nhân sáng tác trong thị hiếu và quan điểm của cộng đồng. Do đó, tác phẩm văn hóa là của chung của cộng đồng.
Cơ chế văn hóa dân gian quy định mọi hoạt động văn hóa quy mô lớn, mọi sự kiện văn hóa ở mỗi cộng đồng, mỗi tộc người đều phụ thuộc vào thời vụ sản xuất. Cơ chế văn hóa dân gian cũng chi phối toàn bộ các thành tố văn hóa của cộng đồng. Mỗi phong tục tập quán, nghi lễ, các sinh hoạt văn hóa đều mang tính chỉnh thể. Một bài hát then luôn gắn với sinh hoạt thực hành nghi lễ then. Bài dân ca đám cưới bao giờ cũng được tổ chức trong môi trường diễn xướng, lễ cưới. Một nền văn hóa của tộc người không phải là số cộng của các thành tố văn hóa với nhau, mà các thành tố văn hóa đều có sự liên kết chặt chẽ mang tính quan hệ hữu cơ. Mỗi một thành tố đều có giá trị, chức năng, công dụng khác nhau, gắn kết với nhau. Từ đặc điểm này chi phối rất nhiều đến nhận thức và tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với phát triển.
Trong các thành tố văn hóa tộc người, tri thức dân gian đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình phòng chống thiên tai. Đồng thời, nhờ có tri thức dân gian đã tạo nên hàng loạt các sản phẩm OCOP. Phong trào Mỗi xã, phường, thôn bản có một sản phẩm đang góp phần xóa đói giảm nghèo đều bắt nguồn từ tri thức dân gian.
Mạng xã hội xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số chưa đến một thập kỷ, nhưng đã có tác động mạnh mẽ đến quan hệ xã hội của tộc người. Trước hết là hình thành ý thức cố kết cộng đồng tộc người cao, mang tính chất xuyên biên giới, phạm vi toàn cầu. Theo thống kê sơ bộ, người Mông đã có khoảng 20 trang mạng xã hội lớn, mang tính chất quốc tế; người Dao có 27 trang mạng; người Thái cũng có khoảng hơn 30 nhóm… Các trang và nhóm facebook của người Mông, Thái, Dao đều có mối quan hệ xuyên quốc gia. Các nhóm facebook này đề cao các bản sắc tộc người, ý thức cố kết tộc người mang tính chất toàn cầu, “đánh thức” và lan tỏa rộng khắp ý thức tộc người trong cộng đồng.
Nhờ mạng xã hội phát triển, mối quan hệ tộc người về văn hóa cũng phát triển khá mạnh. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa phi vật thể các tộc người, đồng thời cũng là một tiêu chí để xác định thành phần tộc người. Các trang mạng xã hội đã góp phần hình thành và thống nhất chữ viết chung của cộng đồng. Mạng xã hội còn hình thành nhiều trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản văn hóa, văn nghệ các tộc người. Trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai đã xuất hiện những Youtuber nổi tiếng như Đặng Văn Giáo, Hoàng Quốc Vinh… Họ vừa mở các trang giới thiệu, quảng bá về văn nghệ người Dao, vừa đưa lên youtube các phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của người Dao. Ẩm thực Thái đã được các nhóm cộng đồng người Thái Mường Lò, Mường La thường xuyên giới thiệu trên mạng xã hội. Đặc biệt, trên youtube xuất hiện nhiều kênh do các bạn trẻ người Thái lập nên với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem.
Ảnh minh họa
Nhờ có mạng xã hội, một số tộc người đã tham gia hoặc đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa có quy mô quốc gia, quốc tế. Sự kiện “Giao lưu văn hóa Thái Việt Nam lần thứ nhất” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16.7.2017 đã quy tụ được đông đảo cộng đồng người Thái ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng có sự tham gia của các đoàn người Thái đến từ Thái Lan, Lào… Bên lề các sự kiện như Ngày hội văn hóa Thái toàn quốc năm 2019 do Bộ VHTTDL tổ chức, Lễ hội Xòe Mường Lò các năm 2018, 2019… đều có sự tham gia của cộng đồng người Thái Đông Nam Á. Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long, tỉnh Lào Cai cũng thu hút được nhiều người Mông ở Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc tham dự. Nhờ mạng xã hội đã kết nối cộng đồng người Thái, Mông chung tay tổ chức các hoạt động văn hóa có quy mô lớn, sự liên kết tộc người qua các sự kiện văn hóa ngày càng có xu hướng phát triển.
Xây dựng chính sách văn hóa ở vùng đồng bào DTTS
Cần đổi mới nhận thức và quan điểm chỉ đạo về văn hóa vùng đồng bào các DTTS. Tính đa dạng văn hóa là đặc điểm nổi trội của văn hóa các tộc người. Vì vậy, cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong nhận thức và quan niệm của người xây dựng chính sách và thực hiện chính sách ở vùng đồng bào các DTTS. Đồng thời, chú trọng vấn đề đề cao tính đa dạng văn hóa. Văn hóa các tộc người đều được tôn trọng, bình đẳng như nhau, không có loại văn hóa cao và văn hóa thấp, không coi văn hóa của tộc người này là “lạc hậu”. Mọi văn hóa của các tộc người đều có giá trị như nhau, đều được tôn trọng ngang nhau .
Ảnh minh họa
Văn hóa các tộc người đều có đặc trưng chỉnh thể, nguyên hợp. Mỗi thực hành văn hóa đều có nhiều bộ phận (thành tố) có những giá trị, chức năng khác nhau, nhưng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khi thay đổi một thành tố của văn hóa thì sẽ thay đổi cả hệ thống văn hóa. Vì thế, không thể áp dụng máy móc các quan điểm tả khuynh hoặc bài trừ tràn lan cái gọi là hủ tục mê tín dị đoan trong các thực hành văn hóa của các tộc người. Tính chỉnh thể, nguyên hợp xuyên suốt mọi thực thể, mọi di sản văn hóa.
Các bộ phận của di sản quan hệ với nhau khăng khít. Mỗi di sản mang đặc trưng nghệ thuật đều bao gồm các thành tố nghi lễ, tín ngưỡng, âm nhạc, múa, nghệ thuật tạo hình… Do đó, không thể cắt xén từng bộ phận để bảo tồn hoặc phát huy.
Hiện nay, vấn đề văn hóa mạng đang phát triển mạnh mẽ ở khắp vùng đồng bào dân tộc. Các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,… đã đổ bộ đến khắp các bản làng. Người Mông ở một làng hẻo lánh tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Mường Tè (Lai Châu) có thể kết nối, trao đổi thường xuyên với cộng đồng người Mông ở Mĩ, Pháp. Chính vì vậy, cần có các giải pháp quản lý nhưng cũng không nên có quan điểm cực đoan, cấm đoán, hạn chế. Đồng thời cũng cần chú ý đến quan hệ tộc người xuyên biên giới.
Về xây dựng chính sách và thực hiện chính sách, cần sửa đổi, bổ sung một số điều cụ thể của các luật và chương trình. Cụ thể, ở Luật Di sản văn hóa, về chính sách tôn vinh, cần mở rộng đối tượng được tôn vinh, không chỉ là nghệ nhân mà còn tôn vinh những người thực hành, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; có chính sách khuyến khích việc truyền dạy trực tiếp tại cộng đồng, chính sách nghệ nhân tham gia truyền dạy tại các cơ sở của ngành giáo dục, đưa nội dung di sản văn hóa phi vật thể vào giảng dạy tại các trường phổ thông, trường nghề, trường văn hóa nghệ thuật.
Ở Luật Thi đua khen thưởng, đề nghị bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh, khen thưởng khác bên cạnh việc tôn vinh bằng danh hiệu NNND, NNƯT. Việc bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh này cần sửa đổi ở Luật Thi đua khen thưởng cho thống nhất với Luật Di sản văn hóa…
Phát triển bền vững về văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, muốn thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, đòi hỏi phải nắm vững đặc điểm văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Từ đó xây dựng những quan niệm chỉ đạo phù hợp, đề xuất các giải pháp hiệu quả.
TS. TRẦN HỮU SƠN
Nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai