Ngày 15-16/10: Chương trình nghệ thuật đường phố “Thái Nguyên – Rạng rỡ thành phố tháng Mười”

Chương trình nghệ thuật đường phố: “Thái Nguyên – rạng rỡ thành phố tháng mười” là một trong những chương trình được người dân và du khách đón chờ nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên (19/10/1962 – 19/10/2022) .

Trong 2 buổi tối, từ 19 giờ đến 22 giờ tối thứ bảy và chủ nhật, 15 và 16/10 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp và trên các trục đường Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ và Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật đường phố mang tên “Thái Nguyên – Rạng rỡ thành phố tháng mười”. Đây là lần đầu tiên thành phố Thái Nguyên tổ chức Chương trình nghệ thuật đường phố với nhiều hoạt động rất phong phú, với sự góp mặt của các ca sỹ, nhóm nghệ nhân Dân gian, nhóm nhạc, nhảy biểu diễn vũ điệu đường phố đến từ Thủ đô Hà Nội và thành phố Thái Nguyên tham gia.

* Sự góp mặt các ca sỹ

* Sự góp mặt các nhóm nghệ nhân dân gian.

1- Nhóm nghệ nhân Dân tộc Mông: Thổi, múa Khèn, Múa Gậy tiền. (Nghệ nhân Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang).

Khèn là nhạc cụ lâu đời của đồng bào Mông, có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa và tâm linh của họ. Người Mông quan niệm: Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn, chiếc khèn, tiếng khèn đã ăn sâu vào tâm trí của đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay

Nhóm nghệ nhân Dân tộc Mông: Thổi, múa Khèn, Múa Gậy tiền. (Nghệ nhân Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang).

2. Nhóm Nghệ nhân dân tộc Thái: Khắc Luống – Đánh Chiêng, Trống – Múa Sạp (Nghệ nhân Huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Con Cuông là huyện miền núi vùng cao biên giới, có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2008 đến nay, huyện Con Cuông đã thành lập nhiều CLB dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản thuộc các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ…

Nhóm Nghệ nhân dân tộc Thái: Khắc Luống – Đánh Chiêng, Trống – Múa Sạp (Nghệ nhân Huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

3. Múa dân tộc Cao Lan: Múa Tắc Xình (Nhà hát CMN dân gian Việt Bắc)

Vũ điệu tuy đơn giản nhưng khỏe mạnh, dứt khoát dưới sự dẫn dắt, giữ nhịp của tiếng nhạc phát ra từ giàn nhạc cụ thô sơ, dân dã, trở nên vô cũng hấp dẫn với người xem. Đây cũng là một nghi thức gửi gắm ước vọng một mùa màng bội thu tới thần linh; đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên đã khai phá đất đai, dạy cho con cháu biết phát nương, làm rẫy, trồng trọt.

 

Múa dân tộc Cao Lan: Múa Tắc Xình (Nhà hát Việt Bắc).

4. Nhóm nghệ nhân trò Xuân Phả (Thanh Hóa)

Tháng 10/2016, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam đã chính thức ghi danh Trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Vào dịp ngày 10/2 âm lịch hàng năm, dân làng Xuân Phả mở trại hội tại Nghè Xuân Phả với việc tái diễn các tích Trò Xuân Phả lên ngài Chúa đất Đại Hải Long Vương. Ngoài ra, Trò Xuân Phả còn được biểu diễn thường xuyên tại các lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh

Nhóm nghệ nhân trò Xuân Phả (Thanh Hóa)

5. Nhóm Nghệ nhân Ê Đê Tây Nguyên: Hoà tấu Chiêng và Múa Xoang (Nghệ nhân, nghệ sỹ tỉnh Đắk Lắk).

Bên cạnh nền văn hóa cộng đồng là nền văn hóa cồng chiêng khá độc đáo của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk, với sự hội nhập của dàn chiêng K’nah (Ê Đê), Goong la, Goong pế, Goong lú (M’nông), Arap (Xê Đăng, Jrai) và các dàn chiêng Vân Kiều, Mường, Thái… rộn rã trầm hùng, ngân vang, tạo thành một bản hợp xướng giàu âm điệu của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, ở Đắk Lắk, cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đã được thiêng hóa. Nó là công cụ duy nhất để con người thông tin với các vị thần linh trong trời đất, là âm nhạc không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa, trong nghi lễ và lễ hội của các buôn làng.

 

Nhóm Nghệ nhân các dân tộc Tây Nguyên: Hoà tấu Chiêng và Múa Xoang (Nghệ nhân, nghệ sỹ tỉnh Đắk Lắk).

6. Nhóm Nghệ nhân dân tộc Chăm: Hoà tấu Trống Ginăng, Kèn Saranai và múa Quạt, Bình (Nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận)

Trong các lễ hội của đồng bào Chăm, khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng thức những giai điệu đặc sắc vang lên từ những nhạc cụ độc đáo, như: đàn kanhi, trống ghinăng, paranưng, kèn saranai, hagar (trống nhỏ), chiêng, asăng (tù và), tăngek (nhạc gõ bằng hai cây gỗ), hòa quyện với những điệu múa uyển chuyển của thiếu nữ Chăm. Các thế hệ nối tiếp được cha anh truyền nghề và bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Nhóm Nghệ nhân dân tộc Chăm: Hoà tấu Trống Ginăng, Kèn Saranai và múa Quạt, Bình (Nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận)

7. Nhóm Nghệ nhân dân tộc Khmer: Biểu diễn đánh, múa trống Chhay dam, kèn bóp và múa Hanuman – (Nghệ nhân tỉnh Sóc Trăng)

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Óoc – om – boóc. Nghệ thuật Rô Băm vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện – ác, chính – tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh.

Nhóm Nghệ nhân dân tộc Khmer: Biểu diễn đánh, múa trống Chhay dam, kèn bóp và múa Hanuman (Nghệ nhân tỉnh Sóc Trăng)

8. Xiếc đường phố ( Liên Đoàn Xiếc Việt Nam)

9. Nhóm múa Lân – Sư Rồng ( Nhà hát Tuồng Việt Nam)

* Sự góp mặt các nhóm Nhảy đường phố đến từ Hà Nội và Thái Nguyên.

1- Nhóm tại Thái Nguyên:

   Nhóm Police Crew

  • Được thành lập vào năm 2008 tại Thái Nguyên.
  • Trải qua 14 năm hoạt động và phát triển, Police Crew hiện đang khẳng định vị thế là nhóm nhảy Bboy hàng đầu Thái Nguyên.

Nhóm Shine studio

Nhóm 4TUN8

2- Nhóm Hà Nội: 

Last Fire Crew

  • Last Fire Crew được thành lập vào năm 2009, là một nhóm nhảy rất nổi tiếng trong giới HipHop Hà Nội nói riêng cũng như cộng đồng HipHop Việt Nam nói chung.
  • Trải qua quá trình 13 năm hoạt động, tới thời điểm hiện tại với 42 thành viên chính thức, trong đó có rất nhiều gương mặt nổi bật trong giới trẻ.
  • Last Fire Crew được biết đến là một nhóm nhảy toàn diện khi không chỉ mạnh về chuyên môn nhảy múa mà còn có một đội truyền thông và sản xuất hùng hậu. Các hoạt động chính của nhóm bao gồm thi đấu, biểu diễn, giảng dạy và đào tạo các bộ môn nhảy đường phố

Oops! Crew

  • Oops! Crew là nhóm nhảy được thành lập vào năm 2014 với hơn 35 bạn trẻ nhiệt huyết và đam mê.
  • Là một trong những nhóm nhảy nổi tiếng của Việt Nam với gần 800,000 người theo dõi trên Youtube và hơn 100,000 người theo dõi trên Facebook và TikTok.
  • Từng hợp tác với những nhãn hàng nổi tiếng như: Pepsi, Adidas, Boo, Garena, VTC, FPT, METUB, ….
  • Là khách mời tại những chương trình của: đài KBS (Hàn Quốc), VTV, VOV; Các báo Hoa học trò, Dân Trí, VNExpress.
  • Đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nhảy tại Hàn Quốc và VIệt Nam như : 1theK Dance cover 2018,2019,….

Milky Way Crew

  • Milky Way Crew – nhóm nhảy lâu đời với thể loại đặc trưng sở trưởng là Popping, được thành lập vào năm 2005, là một trong 3 thành viên của đại gia đình BigToe – nhóm nhảy HipHop đầu tiên tại Việt Nam (1992).
  • Bằng những viên gạch đặt nền móng và những dấu chân được khẳng định trên suốt chặng đường nhảy múa 17 năm qua, Milky Way Crew đã đạt được con số trên 100 giải thưởng lớn cấp quốc gia và quốc tế bởi các thành viên đến từ 12 thế hệ, truyền cảm hứng  và đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tài Dancer/Popper trên khắp cả nước.
  • Mới đây nhất, thế hệ mới của nhóm đã đem về những thành tích đáng kể, tiếp nối truyền thống đàn anh như: Vô địch Forever Pop Vol.3 (2020), Vô địch Đà Lạt Best Dance Crew (2022), Vô địch Street Dance Team Battle 5vs5 City vs City của giải đấu Huế HipHop Festival (2022)

FLAME

  • Được thành lập bởi biên đạo hiphop Phạm Khánh Linh, là nhóm nghệ sĩ đường phố với các thành viên từ các nhóm nhảy lớn như S.I.N.E, NewYork Style, C.O ….
  • Với các cá nhân cùng với bề dày thành tích xuất sắc trong cộng đồng, FLAME sẽ mang đến Thái Nguyên những màn trình diễn Hiphop đường phố đầy mãn nhãn.

 

Chương trình nghệ thuật đường phố: “Thái Nguyên – Rạng rỡ thành phố tháng mười” lần đầu được tổ chức tại thành phố Thái Nguyên không chỉ tạo điếm nhấn trong quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất, con người, nét văn hóa đặc trưng của thành phố Thái Nguyên mà còn là cơ hội để thành phố Thái Nguyên khẳng định được bước tiến mới trong xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn; hướng tới đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hợp tác giữa thành phố Thái Nguyên với các huyện, thành phố trong tỉnh, khu vực và các địa phương trong cả nước. Thành công của Chương trình sẽ là động lực để thành phố Thái Nguyên tiếp tục tổ chức Chương trình nghệ thuật đường phố: “Thái Nguyên – Rạng rỡ thành phố tháng mười” thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập thành phố hàng năm.

Trung tâm Văn hóa và Truyền thông TP Thái Nguyên
Nguồn: http://daithainguyen.vn/