Độc đáo tục “khóc cười” của cô dâu người Ngái

Dân tộc Ngái là 1 trong 8 dân tộc tiêu biểu ở Thái Nguyên, cũng là đại diện duy nhất cho nhóm 16 dân tộc thiểu số rất ít người Việt Nam sinh sống trên mảnh đất “đệ nhất danh Trà”. Cuộc sống cộng cư với các dân tộc láng giềng khiến văn hóa truyền thống của người Ngái ít nhiều bị mai một, trong đó có tục “khóc cưới” vô cùng đặc sắc.

Đồng bào Ngái theo chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nghi thức mỗi đám cưới với hai lần cưới: lần đầu là lễ thành hôn, lần sau là lễ nhập phòng. Sau đám cưới cô dâu cư trú bên chồng. Chỉ có những trường hợp đặc biệt (nhà gái không có con trai, chú rể đông anh em…) mới có hiện tượng ở rể.

Dân tộc Ngái duy trì tục lệ cưới xin “kì lạ” trong suốt lịch sử sinh tồn và tiếp nối văn hóa truyền thống. Theo đó, bất cứ cô dâu nào trước khi về nhà chồng đều phải khóc bảy ngày bảy đêm, bao gồm các giai đoạn: Sau ngày ăn hỏi (sau khi đã nhận đủ những lễ vật của nhà trai), các cô gái Ngái thường lo lắng cho cuộc sống mới, cộng với tâm lý sắp phải xa bố mẹ, xa người thân nên không kìm nén được cảm xúc, nên cô nào cũng khóc. Khóc một giờ trong phòng riêng khoảng một tháng trước lễ cưới. Khoảng mười ngày trước hôn lễ, mẹ cô dâu sẽ vào phòng và hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Trước hôn lễ một ngày, các chị em gái, cô dì của cô dâu cũng vào phòng và cùng khóc lóc. Và những tiếng nỉ non cuối cùng phải được cất lên trong suốt cả ngày cưới.

 Theo ông Nguyễn Văn Thọ, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ thì: “Đây chính là phòng tục của người Ngái xưa kia nhưng người bây giờ thấy lạc hậu quá nên bỏ và theo phong tục tập quán mới của người Việt hết rồi.” Tục khóc cưới không còn phổ biến nữa, nhưng tin rằng, những tình cảm trong sáng, yêu thương của cô dâu Ngái hướng về bố mẹ đẻ và anh chị em ruột thịt sẽ vẫn còn mãi mãi.

                                                                                    Hoàng Lệ Quỳnh