Bách hoa bách điểu trong văn hóa Tày

Bách hoa (trăm loại hoa), Bách điểu (trăm loại chim) là các chương trong bộ Then “tứ bách” của nội dung Then Kỳ yên trong hệ thống Then Tày. Tứ Bách gồm: bách cốc (trăm loài lương thực); bách thú (trăm loài thú vật cả hai chân và bốn chân); bách hoa (trăm loài hoa); bách điểu (trăm loài chim). Bách ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chỉ số nhiều. Bởi vì qua thực tế kiểm đếm thống kê các loài được đề cập trong bộ then tứ bách, không có loài nào đủ con số một trăm (bách). Tuy nhiên những thứ cụ thể được kể ra, được miêu tả trong “tứ bách” đều là những loài, những con vật hiện hữu hàng ngày, có trong cuộc sống, trong thiên nhiên xung quanh bản làng, địa vực cư trú nơi đồng bào Tày sinh sống, sản xuất; đều là những loài hoa, loài thú quen biết, gắn bó gần gũi, mật thiết với đồng bào, kể cả những loài nuôi trồng và những loài tự nhiên.

Trong Bách hoa, loài được nhắc đến đầu tiên là hoa lúa (đồng thời cũng là loài được nhắc đến đầu tiên trong Bách cốc). Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi cư dân Tày chủ yếu canh tác nông nghiệp, sản xuất lúa nước và lúa nương rẫy. Hạt thóc, hạt gạo là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống đồng bào, kể cả dùng để chăn nuôi các con vật cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho con người. Do vậy hoa lúa tuy không đẹp, không sặc sỡ, nhưng do vị trí thiết yếu của nó trong cuộc sống của đồng bào, nên nó vẫn được đứng đầu các loài hoa. Trong họ lúa lại có nhiều loại khác nhau như lúa tẻ, lúa nếp, lúa ruộng, lúa nương, lúa rẫy. Mỗi loại lại có nhiều thứ cụ thể khác nhau. Tương truyền từ thời xa xưa khởi thủy, hạt thóc to bằng quả dưa, quả bầu. Khi chín nó tự lăn về kho, về lẫm. Nhưng do tính lười nhác, vô đạo của chị dâu và em cô lấy đòn gánh đánh đuổi hạt thóc, không mở cửa kho, cửa lẫm cho hạt thóc lăn vào, hạt thóc bị vỡ vụn nhỏ bé như ngày nay. Lúa chín phải vất vả đi gặt, đi gánh về kho, về nhà. Từ đó mới xuất hiện nhiều loại lúa khác nhau, hạt to thành lúa nếp, hạt bé thành lúa tẻ, hạt văng xuống ruộng thành lúa nước, hạt văng lên đồi thành lúa nương, hạt văng lên núi thành lúa rẫy… đây cũng là loài hoa được tác giả Then miêu tả kỹ lưỡng, tường tận lai lịch kể từ khi xuất hiện loài người thuở hồng hoang đến khi Thần nông Bàn cổ cung cấp giống lúa, truyền dạy cho cách canh tác cấy trồng, lấy cây nhọn chọc lỗ tra hạt, đến cách làm ruộng nước:

Bàn cổ phân đặt cho hạ giới

Lấy bông lúa xuống vãi núi rừng

Lúa lạo cùng lúa nếp, lúa tình

Lúa gà cùng lúa ngựa lúa chiêm

Lúa lào vang bon chen nhau mọc

Lúa piên cùng lúa móoc lúa pài…

Đây cũng là chương Then dài và hấp dẫn trong then Bách hoa. Tiếp đến là các loài hoa:

– Hoa đào:                    Bước lên nụ hoa đào nở thắm

– Hoa mận:                   Lên đến chốn hoa mận trắng tươi

– Hoa chanh:                Vượt lên nụ hoa chanh hồng nở

– Hoa khảo quang:      Vượt lên hoa khảo quang nở bóng

– Hoa tử vi:                   Vượt lên hoa tử vi hồng nở

– Hoa bưởi:                   Vượt đến nơi hoa bưởi trắng ngần

– Hoa mướp:                 Vượt lên chốn bông vàng hoa mướp

– Hoa bọ mò:                Vượt lên hoa bọ mò nở trắng

– Hoa kim anh:                        Vượt lên hoa kim anh nở trắng…

Mỗi thứ hoa mỗi vẻ đẹp thanh tao, tinh khiết, dịu dàng, nền nã. Mỗi thứ hoa được đề cập đều có xuất xứ, có cuộc đời, có tính cách, có đặc điểm riêng, thậm chí còn được nhân cách hóa, có số phận riêng, khiến người thưởng thức chăm chú lắng nghe, đắm chìm, vui buồn cùng cuộc đời, số phận từng loại hoa.

Trong Bách hoa chỉ có duy nhất hoa ngón bị tẩy chay, chúa (chính là đại diện cho con người) không hái, bởi hoa ngón độc hại giết chết người.

Chúa hái hoa trong rừng lấy hết

Bỏ mặc cây hoa ngón không màng

Hoa ngón ở một mình trên núi

Mặc trâu bò giẫm đạp lại qua

Nó hại người yêu nhau trắc trở

Trong Bách điểu, đứng đầu là chim phượng hoàng. Phượng hoàng được Ngọc hoàng phong vua cai quản các loài chim. Bởi phượng hoàng vừa đẹp vừa to con, vừa khỏe bay cao, bay xa; sinh sống ở trên những ngọn núi cao, những ngọn cây to cổ thụ nơi rừng sâu núi thẳm. Tiếp đến là loài chim công, mặc dầu về hình thức thì công đẹp nhất trong các loài chim bởi bộ lông sặc sỡ, lại có tài nhảy múa, mê hoặc các loài:

Tài giỏi, đẹp, nhưng mày đầu bé

Bách điểu trong rừng không kính phục

Do vậy nên chim công đành ngậm ngùi xếp sau phượng hoàng. Tiếp đến là chim khảm khắc, loài này thường sống trên các ngọn cây cổ thụ nơi rừng thẳm núi cao, con người ít khi nhìn thấy, không biết to nhỏ, màu lông thế nào. Con người đặt tên cho chim theo tiếng kêu: “khắc khắc… khong khong”. Chim thường kêu vào đêm muộn, nghe buồn não như kẻ độc thân đang gọi bạn tình. Tương truyền chim là hiện thân của con gái Thái Tông hoàng đế bị bắt đi sứ Ngô Bang. Buồn chán nên đi vào rừng sâu chết hóa xác thành chim. Tiếp nữa là chim hoàng anh, chim chích, từ quy, niệc (tên một loài chim có thân hình to, lông màu xanh biếc, mỏ vàng), bìm bịp mặt đen, chim cuốc yếm trắng, chào mào, gõ kiến, trĩ, gà rừng, ri, diều hâu, gáy, ác là, gà gô, cun cút, vẹt, bồ chao, cáng lò (tên được đặt theo tiếng kêu, sống ở trên những ngọn núi cao, rừng sâu, hay kêu về đêm, gióng một, nghe rất não nùng, con người hầu như không nhìn thấy dung mạo bao giờ), rồi đến yểng, quạ đen, sẻ, bói cá… mỗi loài đều có hoàn cảnh xuất thân riêng, phần nhiều bố mẹ chúng có địa vị, chức quyền trong xã hội phong kiến ngày xưa. Kiếp trước Bách điểu của Then Kỳ yên đều là kiếp người, song do biến cố cuộc đời, nay thành kiếp chim. Hàng năm cứ mùa xuân đến Ngọc hoàng thượng đế lại cho gọi các loài chim lên chầu để ban phát bổng lộc và tước vị. Mỗi loài mỗi vẻ, tùy đặc điểm, tính cách, hình thức từng loài mà Ngọc hoàng ban phát chức tước to nhỏ khác nhau, mỗi loài mỗi việc. Ở đây thể hiện ước mơ địa vị xã hội của con người; khẳng định sự cần thiết và đóng góp công sức xây dựng một xã hội tươi đẹp.

Trong Bách điểu, các loài chim tuy không được miêu tả tỉ mỉ về dáng vẻ, nhưng lại được giới thiệu khá kỹ về thân phận, số phận liên quan đến đặc tính mỗi loài. Chính điều này đã chạm đến trái tim người thưởng thức Then. Người nghe Then như cảm thấy đâu đó bóng dáng, hình ảnh, hoàn cảnh của mình. Họ thương cảm cho nhân vật, họ thương cảm cho chính mình. Đây cũng là điều độc đáo, đặc sắc của Then, lý giải vì sao Then được đồng bào Tày chăm chú, say mê mỗi kh thưởng thức, dẫu có trải qua bao biến thiên lịch sử, lúc thăng lúc trầm nhưng Then vẫn mãi trường tồn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng tộc người Tày.

Xin dẫn ra đây vài ví dụ. Khi nói về chim Từ quy:

Từ quy liền đi vào trình chúa

Tôi là con thượng giới mồ côi

Bố mẹ đã về trời hết cả

Tông tộc còn bà bá lão thân

Xin ăn khắp hương lân xóm bản

Có bà cô nhưng bụng xấu xa

Cô bắt tôi về nhà hầu hạ

Ngày ngày làm vất vả, chăn trâu

Cay cực tôi vẫn thân chết xác

Nói về chim cu gáy:

Chim gáy liền vội vàng vào tới

Tôi là con hạ giới trần gian

Mẹ tôi đi Ngô Bang cống sứ

Thương mẹ, ngày ngày tự đi tìm

Đến ngã ba bỏ mình chết xác

Mẹ bụt thấy người đẹp có công

Hóa kiếp thành chim cu hạ giới

Hàng năm mùa lúa mới chín đồng

Tôi mới đi kiếm ăn nuôi miệng

Nói về diều hâu:

Diều hâu liền vào tranh trình tổ

Tôi xin được tâu rõ cùng quan

Tôi là con thế gian trần tục

Mẹ tôi chết, bỏ mặc con thơ

Bố tôi lấy vợ sau Nữ thị

Mẹ kế chẳng yêu quý con chồng

Giết chết tôi tháng năm cấy mạ

Tự nhiên hồn biến hóa trở về

Thành diều hâu sớm chiều bay liệng

Mỗi loài một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần là vất vả, lam lũ như chính cuộc sống của đồng bào trong xã hội xưa cũ.

Về sức hấp dẫn của Then đối với đồng bào Tày, đã có nhiều nhà nghiên cứu lý giải. Người viết bài này muốn nhắc đến hướng lý giải khác mang yếu tố khách quan hơn, đó là thủ pháp nghệ thuật của Then, sau màn hương khói mờ ảo cùng tiếng đàn tính lúc bổng lúc trầm, tiếng nhạc xóc réo rắt lúc nhanh lúc chậm. Ca từ Then dẫu ra đời cách ngày nay đã vài trăm năm, trình độ dân trí, văn hóa xã hội của tộc người Tày còn rất hạn chế, thấp kém, nhưng lời Then đã được gọt giũa, chọn lọc tinh tế, vừa xúc tích cô đọng, vừa giàu hình ảnh, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Cho nên khi thưởng thức Then họ rất chăm chú để nghe rõ từng chữ, từng câu. Dĩ nhiên người nghe Then phải thông thạo tiếng Tày, không biết tiếng mà chỉ thưởng thức qua giai điệu sẽ kém phần hấp dẫn. Then diễn ra càng về khuya, không gian càng vắng lặng, người nghe càng chăm chúc như nuốt từng lời

Một thủ pháp nghệ thuật được các tác giả Then quan tâm có chủ ý sử dụng xuyên suốt quá trình đặt ca từ Then, đó là nghệ thuật nhân cách hóa. Đồng bào Tày quan niệm vạn vật đều có linh hồn, luôn tồn tại phần xác và phần hồn, cỏ cây hoa lá, chim muông cầm thú, gốc cây, tảng đá, bến nước, mỏ nước, đến cây cột nhà, ông đầu rau… đâu đâu cũng có linh hồn, có ma, có vía. Các loài đều có cuộc sống, tính cách, số phận riêng như con người. Các chương các đoạn trong Then Kỳ yên, cụ thể hơn là trong bách hoa, bách điểu, bách cốc, bách thú đều ẩn hiện các thân phận, các số phận của cộng đồng người Tày trong xã hội phong kiến xưa kia còn nhiều bất công, oan trái. Điều này có thể cũng là một gợi ý giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về Then Tày xác định được thời điểm ra đời của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo và hấp dẫn này, mà hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ chưa có câu trả lời thỏa đáng mang tính khoa học thuyết phục.

Hai chương bách hoa, bách điểu trong bộ Tứ bách của then Kỳ yên thực sự đã đạt đỉnh cao về giá trị văn học, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nên nó sẽ mãi trường tồn trong cộng đồng dân tộc Tày, để mỗi khi tết đến xuân về trên các làng bản người Tày đồng bào lại háo hức tổ chức các đêm Then Kỳ yên.

                                                                               Lý Chiên