Bếp lửa trong đời sống dân tộc Tày

Dẫu người ta có gọi là góc bếp hay xó bếp, thì bếp lửa vẫn có những ý nghĩa thật thiết thực và thiêng liêng trong đời sống cộng đồng. Và người Tày cũng vậy…

  1. Ý nghĩa thực tiễn

Đối với người Tày, cũng như nhiều dân tộc khác, vai trò đầu tiên của bếp là để nấu thức ăn cho bữa com gia đình. Vì ở gần rừng núi nên nhiên liệu để đun nấu là củi. Bếp ở trên nhà nên không đun bằng rơm rạ vì không tiện lợi và có nguy cơ cháy nổ cao. Trên bếp lửa, người tày nấu cơm, nấu nước, nấu thức ăn, và có thể nấu rượu.

Vì ở vùng cao phía bắc lạnh giá, nên bếp lửa còn có tác dụng như một chiếc lò sưởi để sưởi ấm. Khi trời lạnh giá, mọi người trong gia đình, ngồi xung quanh bếp lửa, vừa đun nấu, vừa sưởi ấm. Thậm chí, không đun nấu gì, mọi người vẫn đốt lửa lên để sưởi ấm. Khói bếp khi đun nên sẽ bay khắp nhà, tạo thành những lớp bồ hóng bám vào tre, gỗ, lá, giúp xua đuổi côn trùng, chống mối mọt. Bồ hóng vừa có tính chống mối mọt, vừa tạo ra một “lớp sơn” bảo vệ vật liệu nhà sàn trước ảnh hưởng của thời tiết, nhất là độ ẩm.

Sa (gác bếp) vừa là chiếc giá chứa đồ, vừa như chiếc “tủ lạnh” của người Tày để dự trữ thịt cá nhiều để ăn dần mà không sợ bị hỏng. Thậm chí, có khi đồng bào Tày còn mổ cả con lợn, sau khi bỏ nội tạng, sẽ bỏ lên gác bếp để ăn dần. Lớp bồ hóng khói bếp sẽ ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập làm hỏng thịt

2. Tính khoa học của bếp lửa

Người Tày với tư duy và kinh nghiệm truyền đời qua các thế hệ đã thể hiện tính khoa học của bình qua những bếp lửa nhà sàn.

– Thứ nhất, là việc chống cháy nổ: Việc chọn lọc sử dụng đất sét hoặc đất tổ mối nện chặt để làm nền bếp có tác dụng cách nhiệt tốt, chống lửa bén ra sàn nhà. Sa (giàn bếp) ken dầy có tác dụng ngăn tàn lửa bay lên mái nhà để gây cháy.

– Thứ hai, là bảo vệ nhà sàn: Việc đun bếp hàng ngày, khói bếp sẽ giúp xua đuổi côn trùng bay vào nhà. Khói bếp tạo ra lớp bọ hóng, ngăn cản mối mọt ăn gỗ, tre, lá, làm phá hỏng nhà sàn. Lớp bồ hóng còn như lớp sơn bảo vệ cho các vật liệu tự nhiên của ngôi nhà.

– Thứ ba, là sự tiện dụng: Sa bếp có thể chứa đựng được nhiều vật dụng, tăng độ bền cho các vật dụng tre nứa khi chưa dùng đến. Đồng thời sa bếp cũng như chiếc tủ lạnh để chứa và bảo quản dự trữ thức ăn (thịt, cá) khi nhiều chưa dùng hết.

– Thứ tư, là sự hợp lý về bố cục không gian: Việc bố trí bếp ngay lối cửa vào, sẽ tiện lợi cho việc nấu nướng khi mang củi vào hay lấy nước từ bên ngoài vào để nấu nướng. Khi cần hót tro bếp sẽ rất vệ sinh, không bị rơi vãi ra sàn nhà nếu bị sơ sẩy vương vãi ra, vì bếp ngay của nhà. Bếp bố trí ngày đầu hồi cửa nhà sẽ không làm mất diện tích nhà so với để ở giữa nhà, vì như vậy sẽ làm mất khoảng rộng ở khu chính giữa nhà khi có việc lớn với nhiều người tham dự.

  1. Ý nghĩa văn hóa

Bếp lửa nhà sàn của người Tày còn là nơi phân chia vị trí, vai vế của các thành viên trong gia đình. Từ bếp lửa nhà sàn tỏa ra các mối quan hệ ứng xử tạo thành một hệ thống giao tiếp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, thoải mái và được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành sinh hoạt văn hóa vô cùng phong phú, sinh động trong kho tàng văn hóa tộc người của mình.

Theo phong tục của người Tày, bếp lửa là cái mốc, là trung tâm của sự phân định các mối quan hệ trong gia đình. Từ bếp lửa toả ra các mối quan hệ, ứng xử có sắp đặt sẵn theo khuôn mẫu mà các thành viên trong gia đình phải tuân thủ.

Xung quanh bếp được phân định rõ ràng theo bốn phía: Nà tấư (phía dưới), tính từ của đi vào la vị trí của con dâu, con gái, cũng là nơi để ngồi nấu nướng, bếp núc. Nà nưa (phía trên) luôn luôn được chải chiếu hoa lịch sự là vị trí dành cho chủ gia đình, đàn ông, con trai, khách quý là đàn ông. Hai bên gọi là Nà khoang, gồm có Nà khoang đâng (phía trong) dành cho bà, mẹ và khách là đàn bà; Nà khoang noóc (phía ngoài) dành cho đàn ông ít tuổi, con rể. Con rể, đàn bà kể cả khách là đàn bà muốn đi vào trong nhà đều phải đi qua Nà tấư. Vào một gia đình người Tày, gặp những lúc cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, ta sẽ dễ dàng nhận ra từng thành viên trong gia đình, bởi vị trí ngồi của họ.

Vào những lúc nghỉ ngơi như buổi tối hay nông nhàn, các thành viên trong gia đình người Tày thường quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm hoặc chuyện trò. Đó là lúc ông bà, bố mẹ dạy bảo con cháu những kỹ năng cuộc sống và cách ứng xử với mọi người qua những lời tâm tình. Họ cũng có thể trò chuyện về công việc nương rẫy mùa vụ. Bên bếp lửa mọi người cũng có thể ngồi thưởng thức các món ăn hoặc cùng uống nước. Đôi khi họ cùng nhau hát then, đàn tính bên bếp lửa, với các thành viên gia đình hoặc những người khác của bản làng. Do đó, bếp lửa còn là nơi kết nối sự đầm ấm gia đình và đoàn kết cộng đồng, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Phụ nữ Tày là người cai quản việc bếp núc và biểu tượng cho nó chính là bếp lửa. Bếp lửa lúc nào cũng được duy trì cháy hoặc ấm hơi lửa, tuyệt đối không để tắt hẳn, trừ khi tất cả mọi người trong nhà đi vắng. Bếp lửa ấm tượng trưng cho gia đình ấm áp, hòa thuận, người phụ nữ cũng được đánh giá khả năng quán xuyến gia đình, bếp núc qua việc giữa hơi ấm cho bếp hàng ngày.

  1. Ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh

Với người Tày, Bếp lửa luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của họ. Bếp lửa mang hơi thở cuộc sống sinh hoạt, nét đẹp văn hóa truyền thống và là không gian văn hóa thiêng liêng của người Tày.

Người Tày coi trọng bếp nên có cả nơi thờ thần bếp nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, no đủ cho cả gia đình. Người Tày có nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn ngự trị trong đầu, trong đó bếp lửa là trung tâm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình.

Người Tày coi bếp lửa là vị thần, chính vì vậy, bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh. Gia chủ phải chọn được ngày lành, tháng tốt để làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ, tháng chẵn và ngày chẵn, tháng lẻ âm lịch đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa. Tuy nhiên ngày đẹp nhất chính là ngày 30 Tết khi thần bếp về trời báo cáo chuyện trần gian với Ngọc hoàng. Khi làm bếp cẩn thận sẽ dùng được lâu dài, không tốn củi, và mới được thần bếp phù hộ, và như thế gia đình mới khỏe mạnh, ấm no.  Những người đàn bà trong gia đình, đặc biệt là con dâu, không kể trưởng hay thứ phải là người có trách nhiệm giữ cho bếp lửa cũng như ngọn lửa hạnh phúc của gia đình luôn cháy rực và ấm áp. Đàn bà ở cữ không được ngồi bếp lửa trong vòng 40 ngày.

Người Tày có rất nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn ngự trị trong đầu óc con người, tạo nên những mối giao cảm đặc biệt giữa con người với thần linh được thể hiện bằng một hệ thống những nghi thức ứng xử với thần linh rất mạch lạc, trong đó bếp lửa là trung tâm. Người Tày coi bếp lửa cũng là một vị thần, những gia đình có người làm mo, làm Then đều phải lập bàn thờ cúng thần lửa (thần bếp). Bếp lửa mang đến sự ấm áp, hạnh phúc, sự làm ăn may mắn, phát đạt, nên bếp lửa không bào giờ tắt.

Việc đun bếp cũng có những quy tắc nhất định. Đun củi không được cho ngọn vào trước, sợ cây trồng sẽ không mọc được, đàn bà sẽ đẻ ngược. Không được cho lá tươi vào bếp, vì làm vậy thì sau này mặt mũi dễ bị héo úa Nhà có tang không được đun củi lấy từ những cây mà họ cho rằng có thần linh trú ngụ như cây Si, cây Móc; không được đun rơm, rạ sợ đốt mất hồn lúa.

Khác với người Kinh, người Tày lại lấy ngày Tết Nguyên đán là ngày ông Táo về chầu Trời. Ngày 30 tết, sau khi cúng lễ tất niên song, bếp lửa được nghỉ đến 3 giờ sáng ngày mùng Một , không ai được đun nấu gì trong thời gian đó, để vua bếp lên Thiên đình báo cáo công việc của gia đình. Người ta cho một cái kiềng ba chân đặt ngược ở dưới bàn thờ cúng Thổ Công (người Tày cúng Thổ Công ở góc nhà). Sáng mùng một tết, gia đình phải làm lễ khai bếp. Người đàn ông chủ gia đình (ông bố hoặc con trai trưởng) duy nhất một lần trong năm dậy sớm đi lấy nước thiêng ở đầu nguồn hoặc giếng thần về nhóm bếp, đun nước lá thơm cúng tổ tiên và cho cả gia đình rửa mặt, chúc cho cả gia đình một năm mới mạnh khoẻ, bình an. Còn lại quanh năm người con dâu hoặc con gái lớn có trách nhiệm dậy sớm hơn mọi người, nhóm bếp đun nước ấm để cả nhà rửa mặt, đồng thời giữ cho bếp đỏ lửa đến khi kết thúc một ngày làm việc

Người con dâu khi về nhà chồng, việc đầu tiên là đi qua bếp lửa chất một que củi vào bếp mới được đi vào buồng. Con gái lớn lên, khi đi lấy chồng hải vái lạy tổ tiên, lạy Nà táng (cửa sổ) và lạy bếp lửa mới được bước ra khỏi cửa. Tục lệ này rèn luyện, giáo dục cho người phụ  nữ Tày phẩm chất chăm chỉ, chu đáo, đảm đang. Mặt khác, cũng thể hiện sự phân công rõ ràng trong gia đình và khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn, chăm lo bếp lửa luôn được cháy sáng, cũng như việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình luôn được thắm đượm.

Ở ngay cạnh bếp chính bao giờ cũng đặt một ống tre để thờ Thần bếp lửa. Đây là nơi trú ngụ của vị Thần bếp lửa trong nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng một, rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng Thần bếp lửa. Đêm 30 và sáng mùng một tết, các gia đình thường cúng Thần bếp thịt, bánh, rượu. Có gia đình cúng thêm cá để cầu mong vị Thần bếp lửa sẽ giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Người Tày có nhiều tục lệ, trong đó sự sùng bái thần linh và tổ tiên luôn ngự trị trong đầu, trong đó bếp lửa là trung tâm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Người Tày cũng có quy định riêng trong việc bố trí vị trí của bếp lửa. Theo đó, bếp lửa không cùng hướng bàn thờ tổ tiên mà thường đặt ngang gian bếp.

Người Tày có truyền thống từ xa xưa, ông bà, bố mẹ đã luôn nhắc nhở con cháu là khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp hoặc xê dịch ống tre cắm que hương vì theo quan niệm, đây là nơi trú ngụ của Thần lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi xuống nền mạnh, không được bổ củi trong bếp; không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần bếp. Đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của bếp, vì chỉ gia đình có người chết mới đặt chiều ngang. Cửa bếp lửa, nơi đưa củi vào phải hướng về phía sau, chứ không được quay về hướng cửa ra vào. Và đã thành quy tắc, mà bất cứ người Tày nào cũng nằm biết là phụ nữ bao giờ cũng ngồi ở phía sau. Nhà chưa thôi tang, cô dâu mới của hàng xóm, người chửa đẻ còn ở cữ, họ tự biết là không được vào gian bếp.

Nấu cám lợn trên bếp chính là điều mà người Tày rất kiêng. Thậm chí thịt trâu, thịt bò thì không được xào ở bếp chính, mà phải xào ở ngoài sân, ngoài vườn. Người nhà nếu có ăn thì về nhà cũng không được nói là đã ăn thịt trâu, thịt bò.

Người Tày coi bếp lửa cũng là một vị thần, những gia đình có người làm Mo, làm Then đều phải lập bàn thờ cúng thần lửa (thần bếp). Bếp lửa mang đến sự ấm áp, hạnh phúc, sự làm ăn may mắn, phát đạt, nên bếp lửa không bào giờ tắt. Nếu trong đời sống sinh hoạt, lửa dùng để phục vụ cho những hoạt động thường nhật của người Tày như nấu ăn, đun nước, sắc thuốc uống, nấu nước thuốc tắm cho trẻ em, phụ nữ khi sinh nở, thì trong đời sống tinh thần, lửa mang một ý nghĩa vô cùng tinh tế, sâu sắc. Văn hóa tinh thần về lửa gắn liền với ngôi nhà sàn của họ và rộng ra nữa. Căn nhà sàn của người Tày như một biểu tượng cho người đàn ông trong gia đình, vững chãi, chắc chắn, bao dung, khoáng đạt, còn bếp lửa trong ngôi nhà sàn ấy chính là hiện thân của người phụ nữ. Bếp lửa ủ ấm cả ngày đêm mang lại sự ấm áp và xua đi rủi ro bệnh tật. Giữ ấm lửa bếp chính là giữ ấm phần hồn của ngôi nhà và nuôi dưỡng sinh khí, năng lượng cho cả gia đình.


Một góc bếp của người Tày tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải
Khách trải nghiệm bên bếp lửa nhà sàn Tày tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

                                               Lý Chiên