Truyền dạy múa Chăm – Nét văn hóa độc đáo tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam

Để tiếp tục chương trình truyền dạy Văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc, phục vụ các hoạt động ngoài trời của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ ngày 11/11/2011 đến 30/11/2010, bảo tàng đã mời nhóm nghệ nhân dân tộc Chăm từ tỉnh Ninh Thuận ra hướng dẫn một số làn điệu múa, dân ca và biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm.

Trong đợt này, các nghệ nhân truyền dạy 03 điệu múa đặc trưng nhất: Múa quạt, múa đội nước, múa cung đình. Mỗi điệu múa đều có những ý nghĩa khác nhau mang đặc trưng riêng.

Múa quạt: là một loại hình múa dân gian, rất phổ biến trong các lễ hội. Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Chăm, mang ngôn ngữ dân tộc đặc sắc. Thông qua làn điệu này, các nghệ nhân biểu đạt được tình cảm, tính cách con người, khiến cho người xem hiểu rõ và thấy gần gũi hơn với người Chăm.

Múa đội nước: là loại hình múa phản ánh sinh hoạt cuộc sống đời thường của người Chăm xưa. Sau những buổi lao động mệt nhọc, các cô gái thường ra suối lấy nước về nhà. Từ những bến nước này, nhiều chàng trai cô gái gặp nhau và đã nên duyên chồng vợ. Hình ảnh cô gái vác nước buổi chiều và những tà áo dài thướt tha là hình ảnh hết sức quen thuộc đối với những làng quê Chăm được phản ánh vào nghệ thuật dân gian qua điệu múa.

Múa cung đình: là loại hình múa để phục vụ trong triều Nội của vương triều xưa. Vương triều Chăm Pa đã một thời thịnh vượng, ở vùng ven biển miền Trung xưa kia. Ngày nay, những điệu múa cung đình còn lưu lại trong nghệ thuật điêu khắc đền tháp như: Vũ nữ Trà Kiệu, Apsara Trà Kiệu, Vũ nữ tháp bạc… Hình tượng những cô gái Chăm mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng và sống động là nghệ thuật vô giá còn trường tồn mãi với thời gian.

Gắn với mỗi điệu múa trên là nhạc khí đệm không thể thiếu, đó là những chiếc Trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Saranai…hòa tấu đệm cho những nhịp múa. Với người Chăm, nhạc khí luôn gắn liền với tín ngưỡng của tộc người.

Việc truyền dạy múa Chăm của các nghệ nhân tại Bảo tàng hứa hẹn một hoạt động văn hóa các dân tộc Việt Nam thật sống động tại phần trưng bày ngoài trời của bảo tàng.