Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Hà Quảng, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hà Quảng và UBND xã Ngọc Đào Tổ chức Chương trình “Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng , năm 2023”.
Nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được công nhận là 1 trong 12 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023. Tuy nhiên, đến nay nhưng người biết dệt thổ cẩm đều đã lớn tuổi, các bạn trẻ dân tộc Tày ở xã hầu như không còn đam mê với nghề dệt cũng như có ý thức học dệt để duy trì nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình.
Lớp học truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày được tổ chức ở xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng với mục đích để bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống. Tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày có 5 nghệ nhân là những người am hiểu, đam mê, tâm huyết với nghề dệt truyền thống thực hiện công việc truyền dạy cho 50 học viên xã Ngọc Đào trong thời gian từ ngày 13/12/2023 đến ngày 18/12/2023. Các nghệ nhân đã chia sẽ những bí quyết của nghề dệt thổ cẩm truyền thống: từ bước chọn nguyên liệu, bí quyết tạo màu sợi, quy trình mắc sợi lên khung dệt, cách thức dệt, kỹ thuật dệt tạo hoa văn trên vải…. cũng như cách tạo lên một sản phẩm hoàn chỉnh: quần áo, mặt địu, vỏ chăn, vỏ gối…
Ông Hoàng Văn Quân, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Đào cho biết: Trong xóm hiện còn lưu giữ được một số khung cửi dệt nhưng nhiều năm gần đây hầu như ít sử dụng do nguồn nguyên liệu sợi bông trên địa bàn không còn trồng được. Người dân trong xóm đã rất cố gắng để duy trì nghề dệt truyền thống bằng sợi bông mua trên thị trường những vẫn hầu như đều để trống, không được thường xuyên vận hành. Do vậy nhiều năm qua cán bộ xóm vẫn luôn tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, đồng thời giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương.
Thông qua chương trình lần này, Bảo tàng VHCDT Việt Nam đã gửi tặng đồng bào dân tộc Tày xóm Luống Nọi hai chiếc khung dệt để trợ giúp bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây, hướng tới mục tiêu đưa giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống đương đại.
Bà con học viên xóm Luống Nọi vừa học vừa chia sẻ với cán bộ Bảo tàng VHCDT Việt Nam về lịch sử của nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Tày.
Nghệ nhân Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng hướng dẫn các học viên quy trình dàn sợi, chải sợi, lên go..
Nghệ nhân Nông Thị Iu, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng hướng dẫn học viên cách dệt thổ cẩm từ sợi bông và sợi len tạo mặt chăn, mặt túi, mặt gối.
Lớp học truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng , năm 2023.
Bảo tàng VHCDT Việt Nam