Đan lát thủ công Asean gắn với bảo vệ môi trường

Nói đến giá trị văn hóa truyền thống ASEAN không thể không nhắc đến các nghề truyền thống. Các quốc gia Đông Nam Á phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống để phục vụ thiết thực cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đời sống của người dân. Được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đến nay, nghề đan lát thủ công truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy tại các quốc gia ASEAN.

 

 

Ảnh: Đồ đan từ cây mây của người dân sinh sống ở Sarawark, Malaysia

 

Theo chiều dài lịch sử phát triển của nghề đan lát thủ công truyền thống ASEAN, các nghệ nhân luôn quan tâm và chú trọng làm nổi bật nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, sẵn có tại địa phương để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm thủ công đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc và thân thiện với môi trường, kết hợp cùng cách tạo màu tự nhiên, không hóa chất, những nan tre, nan giang được chẻ nhỏ, những sợi mây, dây guột, dây song, lồ ô, lá dừa, cây lục bình, cỏ bàng …, qua bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, sự bền bỉ của nghệ nhân đã biến thành các sản phẩm đầy hữu ích như giỏ, nón, rương, … với hoa văn vô cùng đẹp mắt.

 

 Ảnh: Sản phẩm đan lát của làng nghề đan Phú Vinh, Việt Nam

Trước đây, sản phẩm đan lát chủ yếu là những dụng cụ dùng trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, rổ, rá. Qua quá trình phát triển, với sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, trước nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, nghề đan lát tại các quốc gia ASEAN đã phát triển thêm một bước mới khi được kết hợp giữa nghệ thuật hiện đại và nghề thủ công truyền thống, tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ vừa để trưng bày, vừa có tính ứng dụng cao, tinh tế và sắc bén trong từng chi tiết.


Hình 3: Sản phẩm đan lát, mĩ nghệ Thái Lan

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao thì các sản phẩm truyền thống vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Đây chính là xu hướng phát triển bền vững của nghề đan lát thủ công ASEAN.

Để khám phá những nét đẹp văn hóa và tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị về nghề truyền thống ASEAN, xin mời các bạn cùng đến với không gian Trưng bày chuyên đề: “Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường”.

Trưng bày mở cửa: từ thứ 3 đến Chủ nhật hàng tuần.
Thời gian diễn ra các hoạt động trải nghiệm: từ ngày 19/12/2023 đến ngày 19/12/2023.
Địa điểm: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Quý khách đăng ký tham quan và trải nghiệm vui lòng liên hệ: 02083.855781 – 02083. 857442 hoặc  Trịnh Minh Tú – Tổ trưởng Tổ Đối ngoại, phòng Trưng bày, Tuyên truyền. Email: minhtubtvh@gmail.com. Điện thoại: 0917 361 225.