Văn hóa – hội tụ và lan tỏa của những bản sắc nội sinh

Phong phú và đặc sắc những sắc màu văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hội tụ về tỉnh Kon Tum trong 4 ngày. Đó là Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III/2022, không chỉ giao lưu giữa các dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, mà còn góp phần chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Văn hóa - hội tụ và lan tỏa của những bản sắc nội sinh - Ảnh 1.

Tiết mục hát múa Đi săn (Linh leo – Pép tôr jùn) của Lâm Đồng đoạt giải A.

Quy tụ văn hóa đến từ ba miền

Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng, lần III/năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Liên hoan quy tụ 19 đoàn, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Tham dự Liên hoan khoảng 700 nghệ nhân, diễn viên, đại diện của các vùng và nền văn hóa, trải dài 3 miền Nam, Trung, Bắc. 

Bốn ngày Liên hoan với khoảng 100 tiết mục diễn xướng, dân ca, dân vũ, những tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được thể hiện bởi sự đam mê của hơn 700 nghệ nhân trình diễn. Khoảng 200 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ truyền thống các vùng, miền. Liên hoan còn được phô bày những gam màu và hoa văn đặc sắc của 19 bộ trang phục truyền thống. Cùng đó là 19 mâm cỗ hấp dẫn thực khách bởi văn hóa ẩm thực. Hàng chục ngàn lượt người địa phương và du khách cảm nhận được ở Liên hoan sự tri ân, nhiệt huyết và công phu. Mỗi bản sắc văn hóa là mỗi sắc màu đặc sắc, làm nên một đại cảnh nhiều chiều kích, cả không gian và thời gian… Sức hút và ấn tượng ngay đó, sức âm vang và dư ba từ đó…

 Nhu cầu nội sinh làm nên đặc sắc

Trong không gian đại ngàn Bắc Tây Nguyên, các nghệ nhân được dịp thể hiện những khát khao cống hiến, phô bày những tinh túy của nghệ thuật truyền thống. Rất nhiều tiết mục diễn xướng, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, mê hoặc người thưởng thức. Đó là: “Tục cưới hỏi người Thái” của đoàn Thanh Hóa; “Lễ cấp sắc” của đoàn Tuyên Quang; tiết mục “Ngày mùa” của đoàn Đồng Nai; “Mừng nhà mới” của đoàn Nghệ An… Tỉnh Hà Nam có hát giao duyên, hò đối, mời trầu, xẩm chợ, và đặc biệt hát dặm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn. Đoàn Thừa Thiên – Huế có “Rước cây nêu”; đoàn Hải Dương có “Đào lý một cành”; đoàn Bắc Ninh có “Lễ hội chạy gió”; đoàn Vĩnh Phúc có “Cô đôi thượng ngàn”; đoàn Quảng Trị có “Lễ cúng gọi hồn”… Và đó còn là, “Chimmohori và Chầm riêng chà Pay” của đoàn An Giang và “Chúc phúc Nguyên tiêu” của các dân tộc Hoa, Khme, Chơro đến từ Thành phố Hồ Chí Minh…

Văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể đan cài và hòa sắc, hòa âm trong những lễ hội, những hoạt động tín ngưỡng dân gian. Dân tộc Rơ Ngao, tỉnh Kon Tum có cồng chiêng, các nhạc cụ và xoang “mừng hội làng”, dân ca giữ rẫy, giao duyên hẹn ước; dân tộc Cơ Ho, tỉnh Lâm Đồng có “Mừng lúa mới”; dân tộc M’nông, tỉnh Đăk Nông có “Mừng mùa”; dân tộc Khmer, tỉnh An Giang có múa trống Chhay-dăm (điệu múa cổ, độc đáo, xuất hiện trong tết Chôl-Chnăm-Thmây, Oóc-om-boóc, Dolta); dân tộc Cor, tỉnh Quảng Ngãi có dân, ca, dân vũ hòa trong thanh âm cồng chiêng và càng ấn tượng với màn đấu chiêng đầy sức sống và khát vọng… Đó còn là những nghi lễ phức hợp đặc sắc với các chủ đề như “Giọt nước” của đoàn Kon Tum, “Cầu mưa” của đoàn Quảng Nam, “Kết nghĩa anh em” của đoàn Đăk Lăk…

Với văn hóa ẩm thực truyền thống, người Ba Na, Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum mang đến hội thi những món ăn chế biến từ sản vật rừng (gỏi chuối, súp bắp măng tằm, cà đắng và thịt gác bếp, gà nướng và cơm lam… Người Gia Rai, tỉnh Gia Lai cũng có cơm lam, gà nướng, rượu cần và đặc biệt, có lá mì xào cà đắng, thịt lợn nướng, ếch đùm lá chuối… Người Dao Tiền, tỉnh Tuyên Quang có các món gà luộc bóp lá chanh, cá chạch, các món nướng từ thịt trâu, heo, cá… Người Khmer, tỉnh An Giang mời thực khách các món ăn chế biến bằng nguyên liệu quả thốt nốt và bánh gừng, gỏi bò. Nghệ nhân tỉnh Hà Nam lại trình hội món hến sông Châu núi Đọi, canh cá chép sông đáy, xôi đậu biếc dừa mè, dừa xiêm hấp cốm, thịt lợn ba chỉ hấp hành kẹp mắm tép…

Bảo tồn và phát huy – Song hành và tương hợp

Điều lưu dấu ấn của Liên hoan là sự tri ân với tiền nhân, lòng khát khao những giá trị văn hóa. Người chứng kiến thực sự viên mãn, nhà tổ chức mừng thành công ngoài mong đợi. Tại lễ bế mạc, Phó Ban tổ chức Nguyễn Công Trung (Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận xét: “Với các tích trò miêu tả lại những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, tại Liên hoan này xuất hiện rất nhiều các tích trò hay, đảm bảo tính nguyên bản, chưa thấy tích trò nào có cải biên. Đặc biệt, nhiều loại hình nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn chế bởi các tập tục mà đồng bào ít khi tham gia trình diễn nhưng đợt liên hoan này đã thấy xuất hiện. Đó là điều rất mừng”.

Ông Nguyễn Công Trung cũng bày tỏ tâm huyết, niềm tin và sự kỳ vọng của một nhà quản lý về văn hóa: “Sao nỡ để kho tàng văn hóa dân gian dân tộc chỉ tồn tại trong ký ức người già hoặc nằm im trong những trang giấy cũ phủ bụi thời gian và thậm chí tệ hơn nữa là được tạo nên bởi những đơn đặt hàng phục vụ các sự kiện, hoặc các hoạt động giao lưu, quảng bá, đối ngoại. Những truyền nhân, nghệ nhân có tâm huyết hiện đang sinh sống tại các bản, làng canh cánh một nỗi lo về di sản văn hóa quý giá của dân tộc đang dần chìm vào quên lãng, tiềm ẩn một viễn cảnh: Rồi một mai, tiếng hát ru dần phai phôi trên môi người mẹ, thất lạc trong ký ức người con. Trẻ em lớn lên không biết đánh chiêng thổi kèn, hát lên câu hò điệu lý, không tròn vành rõ chữ khi phát âm tiếng dân tộc bản địa, không biết mặc trang phục do ông bà, cha mẹ làm ra”.

Vâng, muốn giữ được những đặc sắc của văn hóa cần tổ chức truyền dạy và phục dựng, thể hiện ngay trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. “Chúng ta không phải làm để phục vụ sự kiện văn hóa, phục vụ du lịch, hoạt động giao lưu”, ông Trung đã có lý. Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 là một trong các hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa lớn trong năm 2022 nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.

Theo Báo Lâm Đồng