Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc

Ngày 12/2, tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022.

Cùng dự Ngày hội có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, một số địa phương và 200 người dân của 22 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền.

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự Ngày hội

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước. Bác nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước ta xác định văn hóa của đồng bào dân tộc là di sản quý báu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh bền vững, trường tồn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Cùng với việc ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách văn hóa, dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm, cho đầu tư xây dựng một mô hình đặc thù là Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với mục tiêu bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, là “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc tới nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Trong hơn 11 năm qua kể từ ngày mở cổng Làng, với quan điểm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, bằng các hoạt động đặc sắc, đặc biệt là 03 sự kiện lớn được tổ chức thường niên hàng năm gồm: Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thu hút và đón gần 4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tới thăm quan, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa du lịch xứng tầm quốc gia, khu vực với những nét độc đáo, riêng có; là biểu tượng của tình đoàn kết 54 dân tộc anh em; là địa chỉ đỏ giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 2.

Chủ tịch nước giao lưu cùng đồng bào các dân tộc tham gia Ngày hội

“Một năm khởi đầu từ Mùa Xuân và Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ Quốc” luôn khởi đầu cho khát khao, ước vọng của cộng đồng các dân tộc sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt nam. Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 sẽ được tổ chức trong hai ngày 12-13/2, với sự tham gia của hơn 200 đồng bào thuộc 24 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh/thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước; các chương trình Hội xuân, tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc sẽ diễn ra tại Khu các làng dân tộc. Đặc biệt, tại Ngày hội Sắc xuân, hưởng ứng lời phát động của Chủ tích nước, chúng ta tổ chức trồng cây thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Đây cũng là sự kiện hết sức ý nghĩa nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, là dịp để tôn vinh, biểu dương, động viên khích lệ những người có nhiều đóng góp và có uy tín trong cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các đại biểu, đồng bào dự Ngày hội và toàn thể đồng bào 54 dân tộc anh em, đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thương, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 3.

Chủ tịch nước nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Đồng thời Chủ tịch nước khẳng định: “Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ và phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quện với nhau tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng. Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của mình luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước”.

Chủ tịch nước tặng quà đồng bào các dân tộc và đánh cồng khai mạc Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc

Chủ tịch nước cũng cho biết, khi đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập) trong số 34 cán bộ chiến sỹ đầu tiên, 29 người là dân tộc thiểu số. Những đóng góp, cống hiến, hi sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số là hết sức oanh liệt, thầm lặng và sâu sắc trong thời chiến cũng như thời bình. Niềm tin, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn kiên định và bền bỉ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tất cả người Việt chúng ta đều rất tự hào về những tấm gương như Kim Đồng, anh hùng Núp và xa hơn nữa là những anh hùng vệ quốc như 3 anh em tù trưởng người Tày-Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Có rất nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo Đảng, Nhà Nước đã sống, chiến đấu và trưởng thành ở các vùng miền núi, coi bản làng là nhà, sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số như gia đình mình; và có những đồng chí lãnh đạo cấp cao là những người dân tộc thiểu số trong thời chiến cũng như thời bình trong suốt thời gian qua.

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam tiếp tục được tăng cường và củng cố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội và quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Với nhiều hoạt động hàng năm tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh, “ngôi nhà chung” này là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 5.

Chủ tịch nước trồng cây tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 6.

Chủ tịch nước bày tỏ: “Có một điều tôi vui mừng nhận thấy rằng: Những vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của 54 dân tộc không chỉ được hiển lộ tại nơi này, mà là nếp sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi dân tộc trên quê hương Việt Nam. Điều ấy đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa được lan tỏa trong cuộc sống chứ không phải chỉ nằm trong kho tàng. Những vẻ đẹp muôn màu đó đã và đang hòa quyện vào nhau làm nên vẻ đẹp lớn lao và thẳm sâu của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương có những giải pháp việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội. Để tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số”, “thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào” như Văn kiện Đại Hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Chúng ta, đặc biệt là chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của những nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam như dân tộc Ơ Đu, BRâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La. Mỗi dân tộc là một cành, trong cái cây vĩ đại mang tên Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho tất cả những cành, nhánh ấy đâm chồi nảy lộc, nở hoa, kết trái”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cho rằng, việc tổ chức Ngày hội văn hóa hàng năm cần một cách làm sáng tạo để giúp người dân tìm hiểu, bảo tồn một cách có chiều sâu những nét văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo ra sự giao lưu, sự tương tác làm nổi bật và làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, gìn giữ bản sắc của từng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước: Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc - Ảnh 7.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao lưu cùng bà con các dân tộc tại Lễ phát động Tết trồng cây

Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân sẽ tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Sau khi đánh cồng báo hiệu Ngày hội xuân, tặng quà đại diện cộng đồng các dân tộc và trồng cây tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước tới tham quan và chung vui với bà con tại không gian làng dân tộc Mường tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam./.

Hà An – Nam Nguyễn