Ý nghĩa của một số vật thiêng trong nghi lễ vòng đời của dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc

Đồ vật quanh ta bên cạnh giá trị sử dụng, còn có bao giá trị tâm linh huyền bí. Với tộc người đậm đà bản sắc dân gian như đồng bào Tày, Nùng thì thế giới vật thiêng ấy thật phong phú. Nếu đến thăm bản làng của họ, du khách đừng quên tìm hiểu trước về những vật linh ý nghĩa ấy.

Cắm cành cây kiêng kị

Thường là cành cây tươi, cắm ở cửa ra vào hoặc bên cầu thang nhà sàn khi trong nhà có người mới sinh. Nếu đứa bé là con trai thì cành cây được cắm theo hướng gốc lên trời, ngọn chúc xuống đất, nếu là con gái thì ngược lại. Cành cây (Bâu fật) có thể là cây hương nhu, bưởi, cây ráy, cây củi cháy dở… Việc cắm cành cây là dấu hiệu thông báo kiêng cữ, người lạ không được vào nhà, do trong nhà có người đang ở cữ.

Cái Địu (Đa)

– Là tặng phẩm của bà ngoại mừng cho cháu vào dịp lễ đầy tháng. Địu được may từ tấm vải “rằm khấu” (vải nửa khô nửa ướt), mà con rể đã dâng mẹ vợ để tạ ơn công sinh thành dưỡng dục nên vợ mình với ý nghĩa “Bưởng rằm mẹ dực – Bưởng khấu lục lòn” (Bên ướt mẹ giữ – Bên khô con nằm). Mẹ vợ sẽ dùng nó để khâu chiếc địu cho đứa cháu ngoại đầu tiên. Tham gia khâu địu còn có những người phụ nữ khác nữa được chọn mời, thường là gia đình đuề huề con cháu, ai được chọn là “mẻ ủm hoa” (bà đỡ phúc hạnh, bà mẹ nuôi) sẽ là người khâu trước tiên. Chiếc địu mang một ý nghĩa thiêng liêng, được giữ gìn cẩn thận và dùng lâu dài cho nhiều đứa con sau này. Người ta không cho mượn hoặc nhượng lại cho bất cứ ai

Khăn hồng (Khân đáo)

Tượng trưng cho phúc lộc một gia đình trong đám cưới của người Tày. Trong trường hợp anh trai chưa lấy vợ mà em gái đi lấy chồng trước thì trong gánh đồ ngày cưới của nhà gái “tháp piệc” – gánh đồ đại lễ, sẽ phải có 1 chiếc khăn hồng. Khi người em ra cửa về nhà chồng, người anh sẽ đứng sẵn ở cửa, người em cầm khăn quàng lên cổ anh và nói “Em đi lấy chồng đây, phúc lộc gia đình em vẫn để cho anh tất cả”

Tục khâu chăn (Nhặp slứt phà)

Cô gái khâu chăn màn cho nhà chồng. Bông làm lõi, vải làm vỏ, thổ cẩm làm mặt chăn, tơ làm màn. Ngày lành tháng tốt và đúng vào ngày cưới, nhà gái làm lễ, mổ lợn, mời họ hàng thân thích và hàng xóm tốt tới giúp và dự lễ, có khi đông tới vài chục người, như thế mới đủ nhân lực để làm đủ số chăn trong thời gian ngắn.  Người được mời phải khéo léo, có lòng nhân hậu bác ái, nhiều phúc đức

Chàm nước (ốt)

Là Chàm ở dạng nước nhuộm, dùng để nhuộm trang phục. Mùa nhuộm vải bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, các cô gái thể hiện sự chăm chỉ và tài hoa của mình. Những cô gái khéo léo chăm chỉ trong việc dệt và nhuộm vải chàm sẽ hãnh diện với sắc chàm bám trên đôi bàn tay khi đi chợ phiên. Với đôi bàn tay ánh sắc Chàm đó là dấu hiệu và tiêu chí để cha mẹ tìm chọn con dâu, khi đi chợ, di chuyển. Đó là những cô gái tay nhuộm chàm, áo mới thêu đẹp và mềm mại. Tục ngữ Tày có câu: “Chiêm slao chiêm bươn lạp – Chiêm báo chiêm rạp phưa” – Ngắm chọn gái làm con dâu thì ngắm chọn vào tháng chạp – Ngắm chọn trai làm con rể thì ngắm chọn vào tháng cày bừa.

Tấm vải đền ơn mẹ (Khân rằm khấư)

Tấm khăn nửa khô nửa ướt, là món quà chàng rể mới tặng mẹ vợ vào hôm cưới. Khăn tự dệt, rộng chừng 2 gang tay, một nửa nhộm màu hồng, tượng trưng cho bên ướt, một nửa màu trắng – tượng trưng cho bên khô. Chiếc khăn chàng rể tặng cho mẹ vợ là biểu trưng cho sự biết ơn người mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con, bên ướt mẹ nằm, bên khô dành con. Kèm với khăn khô- ướt còn có phong bao “tiền khô ướt”, cũng mang ý nghĩa tượng trung cho sự biết ơn đối với mẹ vợ.

Người dẫn đầu nhà trai (quan lang)

Người đại diện cao nhất của họ nhà trai, dẫn đầu đoàn đón dâu, có thẩm quyền giải quyết mọi việc, mọi nghi lễ trong quan hệ với nhà gái. Thường là người lớn tuổi, phúc đức, có tài ăn nói, am hiểu phong tục – tập quán và biết hát đối đáp.

Gánh lễ đón dâu (Tháp piệc)

Gồm các lễ vật, một đôi bánh giầy to rộng bằng cái mâm thau, phần giữa nhuộm phẩm hồng, vành ngoài màu trắng, gọi là “pẻng mẻ” (bánh mẹ) và vài chục bánh con, một đôi cây mía để cả ngọn, một đôi cá tươi hoặc hai cân thịt để nguyên miếng, một đôi gà thiến to đặt trên hai chiếc bánh, 2 chai rượu trắng, 1 hộp trầu cau, một hộp giống đỗ (đỗ tương, xanh, đỗ trắng), một túi khâu bằng vải hồng điều theo hình sừng bò, gọi là “pẻng coóc mò” (bên trong có bánh sừng bò, gạo, khăn hồng) và một phong bao tiền.

Cây tiền/bạc (Co xèn/ngần)

Là đồ vàng mã của con rể phúng viếng bố mẹ vợ trong đám tang, để bố mẹ vợ mang về thế giới bên kia chi tiêu. Thường cây tiền/bạc có chiều cao từ 3 – 4m, làm bằng gỗ/tre, bên ngoài được phủ kín bằng giấy đỏ, vàng, trắng…Nếu người quá cố có nhiều con rể, thì chiều cao và độ lớn của các cây sẽ được làm theo nguyên tắc: cây của con rể cả sẽ cao và lớn nhất, sau đó là lần lượt của các con rể thứ. Kèm theo là đồ cúng khác như lợn, vịt, gà, bánh dày.

Cây hoa làm bằng giấy ngũ sắc (Co Bjoóc)

Là vật nghi lễ của các con gái, cháu gái đã có chồng, làm và dâng lên khi bố mẹ hoặc ông bà nội ngoại qua đời. Cây hoa được làm công phu, các bông hoa được cắt uốn theo hình dạng một số loài hoa trong thiên nhiên như hồng, cúc, hình trăng sao. Cây hoa được xâu lại thành chuỗi dài khoảng 1m, mỗi cây có từ 16 đến 32 chuỗi.

Nhà táng (Co xèn/ngần)

Làm bằng giấy hoặc vải, được trang trí tỷ mỉ, sau đó úp lên trên quan tài người quá cố. Tùy điều kiện của tang chủ mà nhà táng lớn hay nhỏ. Là dịp để con cháu, tang chủ biểu thị sự giàu có. Có thể thuê thợ chuyên nghiệp làm 1 ngôi nhà tỷ mỷ, hoành tráng, nhiều màu sắc. Ngôi nhà sẽ trở thành ngôi nhà thực sự cho người chết ở thế giới bên kia, sau khi được hóa. Trong nghi thức cần có thủ tục mua bán nhà táng và những động tác múa thiêng của thày cúng

Thang đưa người chết ra khỏi nhà (Lát)

Là chiếc thang thô sơ để người khiêng quan tài từ sàn nhà xuống đất khi đưa đi an táng. Thang gồm 4 thanh dọc và 5 thanh ngang, các thanh được cố định lại với nhau nhờ lạt buộc. Bốn thanh dọc tượng trưng cho 4 mùa: Xuân – hạ – thu – đông. Năm thanh ngang tượng trưng cho ngũ hành.

                                                                         Hiểu Mai