Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với công nghệ số thời dịch Covid 19

Trước diễn biến phức tạp của dịch CoVid – 19, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và theo sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai các giải pháp cấp bách, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra.

Để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan cũng như sức khỏe của cán bộ, viên chức và người lao động, Bảo tàng đã tiến hành tăng cường công tác vệ sinh dọn dẹp, tẩy rửa sàn nhà, tủ trưng bày hiện vật, vệ sinh cửa ra vào, hiện vật, đồ vật và bề mặt dễ tiếp xúc với vi khuẩn… bằng dung dịch sát trùng khử khuẩn. Bảo tàng trang bị khẩu trang miễn phí, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn ngay tại nơi ra vào phục vụ khách tham quan… nhằm giảm thiếu tối đa nguy cơ lây nhiễm lây lan dịch bệnh. Tuyên truyền nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa dịch bệnh bằng poster, tờ rơi,… theo đúng quy định của  Bộ Y tế để bảo vệ cho chính mình và cả những người xung quanh.

Cũng như  rất nhiều địa điểm du lịch và các bảo tàng khác, thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội từ 1/4 đến 15/4 và từ 15/4 đến 22/4, nhà trưng bày cũng trong tình trạng đóng cửa sau lệnh cấm của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Thế nhưng, trái với sự yên tĩnh trong thực tế, Bảo tàng đã áp dụng một số phương pháp du lịch trực tuyến thông qua mạng xã hội, tăng sự tương tác giữa Bảo tàng và công chúng. Bảo tàng đã thực hiện các video tuyên truyền, cổ động khuyến khích người dân chung tay phòng chống virut, video giới thiệu không gian trưng bày, video thuyết minh trưng bày chuyên đề với chủ đề: “45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” và “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam” nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020). Trên trang Facebook và Youtube của Bảo tàng,  một số video giới thiệu về không gian trưng bày và các hoạt động của Bảo tàng được update thường xuyên và đã thu hút một lượng công chúng theo dõi. Bảo tàng tiếp tục hoàn thiện cuốn sử 60 năm Bảo tàng, kết hợp với việc xây dựng đoạn phim gắn gắn với cuốn sử, quảng bá hình ảnh bảo tàng, lựa chọn hiện vật tiêu biểu để lồng ghép vào các bộ phim tư liệu. Nhìn từ bên ngoài, công chúng sẽ tưởng Bảo tàng đang nằm im, bất động và bó tay trước đại dịch Covid, nhưng thực tế không phải như vậy, Bảo tàng vẫn đang hoạt động, nhưng ở dạng thức mới: bảo tàng số, với sự năng động và sáng tạo theo nhiều phương thức hoạt động khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, số hóa là một xu hướng tất yếu. Bảo tàng đã thay đổi để thích ứng theo thời đại, đổi mới cách thức trưng bày để thu hút khách thăm quan online. Với các công nghệ số hóa, website3D, di động, thực tế ảo… các công nghệ mới nhất phù hợp thời đại internet sẽ giúp khán giả có những trải nghiệm thú vị.

Thực tế, xu hướng số hóa đã được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện từ cách đây nhiều năm, giờ đang phát huy tối đa hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Công nghệ thực tế ảo cho phép  bảo tàng vẫn có thể “mở cửa”, thực hiện thành công những buổi triển lãm trực tuyến hấp dẫn và sống động. Bên cạnh đó phòng chiếu phim hiện đaị đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng đón khách, đưa thêm lựa chọn cho khách tham quan khi đến với Bảo tàng.

Tuy nhiên, trước diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 như hiện nay, trong thời gian tới, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng cần phải xây dựng chiến lược hoạt động cho phù hợp với tình hình chung, cụ thể, Bảo tàng tập trung hoàn thành 2 cuộc triển lãm kết hợp với Trung tâm triển lãm Vân Hồ, tiếp tục thực hiện chủ đề ICOM 2020 với chủ đề: “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và Hòa nhập”, xây dựng những hoạt động cụ thể cho ngày 19/12: Ngày thành lập Bảo tàng. Và hướng tới phát triển những nội dung chính như sau:

Thứ nhất, nâng cấp các trang thiết bị, để thích nghi với thời đại công nghệ số nhằm triển khai các công cụ hiện đại, làm giàu các nội dung tương tác để khuyến khích các chuyến tham quan qua ứng dụng.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng nội dung giới thiệu sưu tập của bảo tàng, đa dạng cách thức giới thiệu các sưu tập này (phim ngắn, bài viết, hình ảnh đồ họa 3D, diễn giải di sản văn hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin).

Thứ ba, xây dựng các tuyến tham quan ảo trên nền tảng kỹ thuật số để giúp khách tham quan có được những trải nghiệm tốt nhất.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động truyền thông của bảo tàng; quan tâm tới nội dung truyền thông số trên ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội hoặc ứng dụng cho điện thoại thông minh.

Thứ năm, chủ động phối hợp với ngành giáo dục để giới thiệu di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể tới đối tượng công chúng là học sinh, sinh viên gắn với chương trình học tập của các trường.

Thứ năm, chủ động – tích cựchợp tác với các công ty du lịch lữ hành để thu hút du khách đến Bảo tàng tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc.

Do ảnh hưởng của dịch covid dự kiến sẽ còn kéo dài, Bảo tàng sẽ cần chuẩn bị thêm nhiều nội dung để đăng tải lên trang Website chính thức của mình. Mặc dù thời gian này các bảo tàng vắng khách thăm quan, nhưng đây cũng là cơ hội để chuẩn bị những nội dung, những sản phẩm hấp dẫn hơn để mang tới cho công chúng sau khi tất cả các hoạt động được trở lại bình thường.

Đoàn thị xã Phổ Yên đưa con em tham quan Bảo tàng VHCDT Việt Nam ngày 1.6 Đoàn thị xã Phổ Yên cùng các cháu thiếu niên, nhi đồng trải nghiệm xem phim tại phòng chiếu phim Bảo tàng.