Những nét đẹp trong văn hóa “Ăn Tết”

Trong giao tiếp hàng ngày, Người Việt Nam có xu hướng ghép thêm tiền tố “ăn” vào trước một loạt những từ chỉ nghi lễ, sự kiện: ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ, ăn đầy tháng, ăn tết, ăn rằm… Thói quen ngôn ngữ ấy một phần bắt nguồn từ đặc trưng của nền văn hóa gốc nông nghiệp – nơi sự ăn uống được coi trọng đặc biệt. Hầu hết các lễ lạt của người Việt đều hàm chứa thủ tục ăn uống, thậm chí đôi khi, ăn uống trở thành yếu tố cốt yếu. Ăn tết là một ví dụ. Đối với người Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc ở Thái  Nguyên nói riêng, ăn tết không chỉ là dịp thưởng thức sự ấm no với “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành” mà còn là nghi thức gắn với nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ….

  1. Ước vọng no ấm

Người xưa gửi gắm điều gì vào câu tục ngữ quen thuộc: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”? Theo phong tục cổ truyền ở nhiều địa phương, vào ngày giỗ ông bà cha mẹ, con cháu phải nhập phép “tịnh cốc”, nghĩa là không ăn mặn hay các loại ngũ cốc, chỉ uống nước lã đun sôi với ẩn ý sâu xa: nếu không có cha mẹ, con cái sẽ rơi vào cảnh đói khát cơ hàn. “Đói ngày giỗ cha” là một cách ghi ơn thập ân phụ mẫu. Ngược lại, trong ba ngày tết, dẫu gia cảnh có khốn khó chừng nào, cũng phải biện cho được mâm cỗ đàng hoàng, trước để thắp hương đất trời tiên tổ, sau dành cho trẻ nhỏ, người già thụ lộc mà đoàn tụ hàn huyên. Thế nên, mới có câu ca dao hài hước châm biếm vị thầy bói nói vo: Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà

Trải qua thời gian, tục nhịn ăn ngày giỗ dần phai nhạt nhưng tâm lý đón Tết với gà, thịt, mứt, xôi đã đi vào tiềm thức của người Việt như một lẽ hiển nhiên. Trân trọng hạt gạo, lấy sự ăn uống làm thú vui và bền bỉ một khát vọng no đủ, đó là những tập tính hồn hậu của người Việt. Ngay cả đến ngày nay, khi cái đói đã không còn là nỗi ám ảnh, chúng ta vẫn nuôi dưỡng một mong muốn giản dị được “gạo đầy bồ, thóc đầy kho”. Ngày Tết, khát vọng đó lại càng mãnh liệt. Người ta muốn ăn no không phải chỉ để bù lấp một năm còn vất vả thiếu thốn mà cốt để đem lại một khởi đầu no ấm. Sự ăn tết xét theo phương diện này còn bao hàm cả ý nghĩa tín ngưỡng. Cùng với việc chuẩn bị mâm cỗ ngày tết chu đáo, người Việt Nam duy trì tục gánh nước đầu năm, kiêng xin củi lửa… nhằm hướng tới ước mơ đủ đầy, viên mãn.

Các tộc người thiểu số ở Thái Nguyên như Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Ngái đều duy trì những lễ thức và kiêng kị nhằm tránh những đói kém rủi ro và cầu một năm mới người an vật thinh, nhà nhà no ấm. Theo quan niệm của nhiều tộc người, nước và lửa là những hình tượng thiêng liêng, tượng trưng cho sự sống và may mắn. Do vậy, ngày tết, người ta kiêng không sang nhà hàng xóm xin lửa (người Kinh, Tày, Nùng), không để bếp tắt lửa, kiêng không thổi lửa (người Mông). Đầu năm mùng một, cảnh một người phụ nữ đạp xe rao bán muối, diêm, bật lửa quen thuộc là hình ảnh quen thuộc trên nhiều ngõ phố Thái Nguyên hay trong những đường làng, góc bản. Tục gánh nước đầu năm có ở nhiều tộc người. Tuy nhiên, mỗi nơi, nghi thức này lại được duy trì theo một cách khác nhau. Người Tày ở nhiều địa phương có tục bỏ tiền mua “nước vàng nước bạc” như một sự đổi xui lấy hên và trả ơn thần nước. Người Cao Lan (Đồng Hỷ, Phú Lương) sau đêm giao thừa mang nước thiêng về cúng gia tiên, phần còn lại cho trẻ uống, khi uống nín hơi và ước một điều để cầu cho năm mới mọi sự hanh thông, tốt đẹp.

Từ tư duy liên tưởng, người Mông ở Võ Nhai, Đồng Hỷ kiêng chan canh vào ngày mồng Một Tết để tránh lụt lội, kiêng ăn bánh dày nướng trong 3 ngày Tết vì lo màu đen và sự cháy đem đến vận xui hạn hán, hỏa hoạn. Người Sán Dìu lại có phong tục đặc biệt, đó là ăn cháo trắng, đồ chay trong sáng sớm mùng Một để giữ một cơ thể thành lành khởi đầu năm mới, ăn bánh trôi (đồng bào gọi là bánh con) với hy vọng mọi việc đều được tròn trịa, trọn vẹn. Với người Kinh, rau bí, ngọn cần, thịt chó, thịt vịt cũng là những thức ăn cấm kị trong dịp Tết với hy vọng một năm không bí bách, thiếu thốn, đen đủi.

  1. Ý thức ghi ơn

Tết Nguyên Đán – tết Cả – là dịp để người người, nhà nhà tỏ lòng thành kính, trân trọng đối với bậc siêu nhiên, tổ tiên ông bà và những người có ân nghĩa đối với mình (như thầy giáo, ân nhân, cha mẹ, thông gia…). Vì thế mà hình thành phong tục cúng tết, lễ tết và đi sêu ngày tết.

Không một tộc người nào ở Thái Nguyên và trên đất nước ta lại không dành tình cảm hướng về tổ tiên trong những ngày năm hết tết đến. Khi việc đồng áng đã xong, trẻ con nghỉ học, người công sở “niêm phong, hạp ấn”, việc đầu tiên người ta nghĩ tới là sửa sang bàn thờ, biện mâm cỗ để ra đồng mời tổ tiên về ăn tết. Người ta dành những món ăn ngon nhất, tinh khiết nhất để dâng cúng thần linh, gia tiên trong những ngày tết.

 Tết Nguyên Đán được tính từ 23 tháng Chạp, ngày ông Táo chầu trời cho đến hết mùng Bảy tháng Giêng với lễ Hạ nêu khai hạ. Trong chuỗi ngày nhộn nhịp đó, hầu hết các nghi thức đều gắn với cỗ bàn, ăn uống. Tiễn ông Táo lên thiên giới, ngoài việc cúng cá và quần áo mũa hia, nhất thiết phải có mâm cơm cẩn cáo. Rồi ngày tạ mộ đón các cụ về nhà ăn tết, bữa tất niên, phút giao thừa, sáng mùng Một, chiều mùng Ba, mùng Bốn hóa vàng “tiễn các cụ ra đồng”… lúc nào, trên bàn thờ tổ tiên cũng đầm ấm khói nhang và thơm mùi cơm ngon canh ngọt. Có thể nói, thông qua tục cúng cơm ngày tết, người Việt đã tạo ra được sợi dây tâm linh kết nối thế giới âm dương, thần trần.

Đối với các dân tộc thiểu số, ngoài bàn thờ gia tiên, bếp lửa là nơi thiêng liêng nhất trong ngôi nhà. Phong tục vào nhà mới của nhiều dân tộc (như Mông, Dao) đều có nghi thức nhóm lửa cho bếp. Ngày thường, họ không bao giờ vứt rác vào bếp, không động đến hòn đá thiêng trên bếp bởi đó chính là biểu tượng của vị thần quyết định phúc họa trong nội bộ gia đình. Ngày Tết, nguyên tắc quan trọng nhất là không để bếp giữa sàn tắt lửa. Dù không có nhà sàn với bếp lửa chính giữa nhưng đối với người Kinh, bếp cũng hết sức quan trọng. Sự đầm ấm của mỗi ra đình thể hiện qua làn khói bếp. Ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà bảo nhau dậy sớm đổ tro quét bếp. Ấy là động thái tín ngưỡng thể hiện sự biết ơn dành cho gia đình ông vua Bếp, cũng là sự mở màn cho chuỗi ngày “giáp Tết” nhộn nhịp sửa sang, dọn dẹp.

Không chỉ hướng đến thần linh và tổ tiên, các dân tộc ở Việt Nam còn có tục lễ tết để thể hiện sự nhớ ơn đối với những người mà gia đình mình có nhiều ân nghĩa như thân sinh phụ mẫu, thầy giáo, ân nhân, thông gia… Người Tày, Nùng, Cao Lan, Mông, Dao ở Thái Nguyên đều phổ biến tục nhận con nuôi, do vậy, ngày tết việc con cái lễ lạt cha mẹ nuôi là điều tất yếu. Không như các dịp khác trong năm, lễ tết bao giờ cũng là “đồ ăn thức uống” như con gà, chai rượu, cân gạo nếp, cặp bánh chưng… Con rể sêu tết bố mẹ vợ để tỏ lòng nhớ ơn người đã sinh thành ra vợ mình. Ngày nay, dẫu cuộc sống đã phần nào no đủ, không mấy gia đình phải băn khoăn để có “thịt treo trong nhà” khi tết đến nhưng người Việt Nam vẫn giữ tục “ đi tết” mỗi độ xuân về. Ở, giá trị vật chất không quan trọng bằng giá trị tinh thần với đạo lý dùng chính những sản phẩm nông nghiệp – thành quả lao động của một năm để tỏ lòng thơm thảo.

Đặc biệt, ý thức ghi ơn không chỉ hướng về thần linh hay con người mà còn dành cho cả đồ vật xung quanh. Các dân tộc ít người ở Thái Nguyên như người Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ… đều giữ lệ dán giấy đỏ, cho đồ vật ngơi nghỉ vào dịp tết. Gần hết ngày 30, khi cỗ bàn đã xong, người ta rửa sạch nông cụ, xếp vào nơi sạch sẽ, dán giấy đỏ lên cuốc, xẻng, cày bừa… để cho chúng nghỉ ngơi ăn tết sau một năm lao động vất vả, cùng con người một nắng hai sương tạo ra thóc gạo. Phong túc ấy không chỉ nói lên tư duy tín ngưỡng hồn nhiên “vạn vật hữu linh” mà còn thể hiện triết lý nhận sinh đẹp đẽ, dẫu đối tượng hướng đến có là vật vô tri.
3. Tinh thần cố kết cộng đồng

Ăn tết không phải chỉ cốt để bụng no, miệng thỏa. Ăn tết còn hướng tới mục đích lớn hơn, đó là sự tạo dựng những giá trị văn hóa hóa cộng đồng.

Tinh thần cố kết cộng đồng, hẹp thì trong gia đình dòng họ, rộng thì ngoài làng xã, xóm thôn là một trong những phẩm chất quý giá nhất của người Việt. Bốn mùa gắn bó với nhau trên mảnh vườn, khoảnh ruộng, cuối năm, người làng lại tụ họp để cùng tống cựu nghênh xuân. Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân, thế nên, chẳng ai muốn ăn tết một mình. Năm hết tết đến, anh em, hàng xóm nếu có tiếng bấc tiếng chì, cũng mượn cớ chung nồi bánh chưng, đụng cùng con lợn mà giảng hòa để cái tết được trọn vẹn.

Khoảng 20 tháng Chạp trở ra, đi từ đầu làng đến cuối thôn đâu đâu cũng thấy cảnh các bà rửa lá, đồ xôi, các ông xắn quần bắt lợn. Ở nhiều vùng quê quanh thành phố như Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ…, bà con vẫn giữ tục “vào tết”. Vào tết là bữa cỗ mở đầu cho dịp tết, có thể kéo dài từ 20 đến 29. Bữa cơm vào tết không gói gọn trong gia đình mà mở rộng ra họ mạc, xóm làng. Hết nhà này đến nhà kia, họ trông nhau mà đặt lịch vào tết, xong một vòng quanh xóm thì cũng vừa 30 tết.

Về quê ăn tết, khách thành phố không quen có thể xem sự cỗ bàn là nhiêu khê, bởi hầu như cả ngày, chỉ có việc nấu cơm, sắp mâm, rửa bát. Thế nhưng không vậy không thành tết. Ba ngày tết, người làng tránh việc đóng cửa im ỉm. Mở cửa là mở lòng đón bà con hàng xóm. Khách quý khi đến chúc tết cũng không ngại gì mà từ chối lời mời vào mâm uống rượu. Có người bảo, thời buổi ngày nay, quanh năm no đủ, còn thèm gì thịt mỡ bánh chưng nữa đâu mà khấp khởi chờ ăn tết, chơi tết mới là quan trọng. Nhưng xem ra, với đặc trưng văn hóa cộng đồng như trên thì sự ăn tết truyền thống đã bao hàm phần nào ý nghĩa chơi tết rồi. Tất bật đi chợ sắm măng, miến, lá dong; í ới gọi nhau đi bắt gà, đụng lợn; nướng xiên cá, rang mẻ hạt dưa bên bồi bánh chưng; thử bánh, nếm giò hết nhà này đến nhà khác. Sự chơi tết ấy đủ làm thỏa lòng tất cả mà chưa phải bước quá cổng làng.

  1. Trở thành khí vị ngày xuân

Năm nào cũng vậy, qua tiết Đông chí, người ta lại rậm rạp nhắc nhau sắm Tết. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, cùng với việc sửa sang nhà cửa, trang trải nợ nần, ai ai cũng lo bắt gà, vỗ lợn. Hơi tết đến cùng những lời hỏi han, chuyện trò về gạo, gà, mắm, muối…  Thi sĩ thấy tết trong màu xanh cành lá, doanh nhân thấy tết trong giá cả xuống lên, học trò, viên chức thấy tết trong những tất bật thu vén bài vở, giấy tờ những mong tân niên không còn vương nợ … Mùi tết, vị tết, thanh âm, hình ảnh ngày tết đan cài từ những phong vị khác nhau, trong đó, thời trân là một nét thần sắc.

Đôi khi, bận bịu với tết mà có người nói dỗi, rằng chán tết, tết thật mệt. Nhưng cứ thử xem, hễ năm nào nhuận một tháng, tức thì ai nấy ra ngóng vào trông, như đợi người thân về muộn, năm nào oái oăm thiếu ngày 30 Chạp, hẳn lắm kẻ tiếc ngẩn tiếc ngơ, như bị ai đó cắt bớt đi một thứ gì quý lắm. Dẫu cuộc sống hiện đại có đổi thay với bao nhiều thú vui và thói quen mới mẻ, dẫu chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ bắt kịp tiêu chuẩn của một quốc gia công nghiệp, thì niềm vui thôn dã mang tên “ăn tết” từ hàng ngàn năm nay có lẽ vẫn chẳng bao giờ thay đổi…

                                                                          Suối Linh