Tháp Chăm – nét đặc sắc trong không gian văn hóa vùng miền Trung – Ven biển

Nằm giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn khám phá những nét đẹp truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đến với không gian văn hóa vùng miền Trung – Ven biển, du khách sẽ thực sự ấn tượng với vẻ đẹp độc đáo của Tháp Chăm. Dưới sự phục dựng công phu theo nguyên mẫu tháp Po Klong Grai nổi tiếng, Tháp Chăm không chỉ hiện lên với vẻ đẹp tinh tế, sắc sảo mà còn trở thành biểu tượng cho những nét đẹp độc đáo và riêng biệt trong văn hóa của đồng bào Chăm. 

Trên diện tích đến 4.000m2, không gian văn hóa Miền Trung – Ven biển là nơi trưng bày những nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng: ngôi tháp Chăm độc đáo được phục dựng công phu với theo nguyên mẫu tháp Po Klong Grai nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận; Đền thờ Cá ông như một biểu tượng văn hóa gắn liền với tục thờ cá voi của các ngư dân miền biển; xưởng gốm của người Chăm; cụm thiếu nữ Chăm đội nước và những hàng cây xương rồng, phi lao như một biểu tượng cho sức sống quật cường của cộng đồng các dân tộc miền Trung giữa thiên nhiên đầy nắng và gió.

Ảnh 1. Tháp Chăm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nhìn một cách tổng thể, ở Việt Nam hiện nay chỉ còn lại khoảng 50 tháp Chăm nằm rải ở các tỉnh ven biển miền Trung. Trong đó, có những ngôi tháp đã hàng nghìn năm tuổi, có những ngôi tháp ít nhất cũng đã 5 đến 6 trăm năm tuổi.

Tháp Chăm là công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Việt Nam – nơi ghi dấu sự tồn tại của vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Kiến thúc tháp Chăm được xây dựng dựa theo phong cách kiến trúc Ấn Độ giáo. Vật liệu chủ yếu được sử dụng để làm nên tháp Chăm là gạch đỏ nhưng nhờ có kỹ thuật xây gạch liền sát bậc thầy mà trải qua mưa gió thời gian, những công trình kiến trúc tháp Chăm hiện nay vẫn còn tồn tại và giữ được màu đỏ trầm cổ kính. Trên chất liệu này, những nghệ nhân làm tháp Chăm đã chạm khắc, gọt đẽo các hoa văn tinh sảo hình hoa lá, vũ nữ, chim muông…

Ảnh 2. Hoa văn vũ nữ, chim muông được chạm khắc tinh sảo trên tháp Chăm

Trải qua hàng nghìn năm tuổi, dưới sức tàn phá của những cơm mưa xối xả hay những cái nắng gay gắt của miền Trung, thậm chí cả sự bào mòn khó cưỡng của thời gian đối với các công trình kiến trúc, nhưng tháp Chăm vẫn đứng sừng sững như một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị. Trên những bức tường tháp, màu gạch đỏ vẫn còn giữ nguyên sắc màu cổ kính. Bởi vậy, tháp Chăm không chỉ mê mẩn du khách bởi kỹ thuật chạm khắc tinh tế mà còn ẩn chứa trong mình những bí ẩn thu hút sự quan tâm của du khách cũng như các nhà khoa học.

Tháp Chăm gắn liền với những tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng dân tộc. Như đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào ngày 30 tháng 6 và ngày 1 tháng bảy âm lịch sẽ diễn ra lễ Katê. Đây được coi là một lễ hội lớn nhất của người Chăm. Vào chiều 30 tháng 6 sẽ diễn ra nghi thức hoàn trả lại trang phục cho Pô Inư Nưgar do người Raglai cất giữ hộ. Đoàn người Raglai rước quần áo và tư trang của Pô Nưga từ trên núi xuống. Xuống núi, đoàn người Chăm đã chờ sẵn và nhập thành đoàn rước tới các đền thờ để tổ chức lễ Katê.

Sau lễ rước trang phục, lễ tắm tượng và mặc trang phục cho tượng vua, tại tháp Chăm sẽ diễn ra nghi thức múa và tấu nhạc dân gian do người Chăm thực hiện để dâng lên vua. Bấy giờ chung quanh tháp là cả ngàn mâm lễ vật hoa quả, bánh trái, thịt gà, dê, rượu, trầu cau của các chủ gia đình người Chăm dâng cúng Thánh Thần, vua và hoàng hậu… Họ dâng lễ, thỉnh cầu các thần linh về dự lễ và ban hạnh phúc, quốc thái dân an.

Hà Vũ