Gặp lại cánh cổng làng giữa ồn ào phố thị!

Sau bao năm cùng gia đình rời chốn Kinh Bắc lên định cư ở thành phố Thái Nguyên, tôi hiếm khi trở lại quê nhà. Gặp lại cánh cổng làng được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bao nhiêu kí ức tuổi thơ sau lũy tre làng bỗng chợt hiện về sống động trong biết bao gần gũi thân thương.

Ảnh 1. Cổng làng người Kinh, tỉnh Bắc Ninh được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Mặc dù sống ở Thái Nguyên bao năm nhưng chưa một lần tôi đặt chân đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Với một người dân lao động chân tay, những cơ hội đặt chân đến Bảo tàng quả là một điều hiếm hoi. Tự đi thăm Bảo tàng dường như cũng chưa từng hiện lên trong suy nghĩ của tôi. Cho đến một ngày, khi được cùng con tham gia một hoạt động trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng, tôi mới thực sự ngỡ ngàng khi biết Bảo tàng là nơi trưng bày hiện vật có giá trị về di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Với diện tích các khu trưng bày ngoài trời lên tới 40.000m2, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện đang trưng bày không gian của 6 vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước: vùng núi cao phía Bắc, vùng thung lũng, vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ, vùng miền Trung – ven biển; vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng đồng bằng Nam Bộ.

Sau khi tham quan nhiều nơi, không gian văn hóa vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ đã níu giữ chân tôi trước cánh cổng làng và ngôi nhà ngói truyền thống được phục chế nguyên mẫu. Xung quanh là cấu trúc cảnh quan với bờ ao, giếng nước, những lũy tre làng và con đường lát gạch nghiêng, cái sân rộng cùng hàng cau dài thẳng tắp với những thân trầu uốn lượn xung quanh… Tất cả như hòa quện vào nhau, làm cho không gian văn hóa Kinh Bắc dường như hiện lên nguyên vẹn – sống động và gần gũi. Trước không gian được trưng bày, tôi như được trở về với làng quê thân thuộc nơi tôi đã sinh ra và gắn liền một phần tuổi thơ của mình ở nơi đó – đó là làng Cổ Mễ, Vũ Ninh, Bắc Ninh.

Ảnh 2. Ngôi nhà truyền thống của người Kinh, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được trưng bày tại Bảo tàng

Ảnh 3. Ngôi nhà truyền thống của người Kinh và những cảnh quan xung quanh được trưng bày tại Bảo tàng

Dù đã bao năm xa cách, làng Cổ Mễ bên dòng sông Cầu nơi tôi sinh ra vẫn luôn in đậm trong tâm trí. Dù đã lên phường, lên phố, một số nơi trong làng đã thay đổi hình hài, mang trên mình dáng dấp phố phường nhưng đâu đó, Cổ Mễ vẫn còn đó những ngõ nhỏ quanh co, những nếp nhà lợp ngói đông dương cổ kính, những lũy tre làng, những bóng cây cổ thụ đổ bóng um tum trên những con đường làng. Đặc biệt, Cổ Mễ ngày nay vẫn tôn tạo và giữ gìn cánh cổng làng như giữ gìn những tinh hoa văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm lịch sử được in dấu trên từng viên gạch, từng nét chạm khắc và những truyền thuyết lịch sử.

Ảnh 4. Đường làng lát gạch nghiêng được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Với những con dân của vùng Kinh Bắc, cổng làng là biểu tượng của văn hóa làng quê, là nét đẹp văn hóa truyền thống. Mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều diễn ra sau những cánh cổng làng.

Cảm ơn Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam! Tới đây, tôi như được sống lại một phần kí ức tuổi thơ tươi đẹp gắn liền với làng quê yêu dấu. Cho dù Cổ Mễ ngày nay đã mang một phần dáng dấp phố thị, nhưng ở đây, giữa những ồn ào, tôi vẫn tìm lại được những dáng vẻ cổ kính nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

                                                                                               Hạnh Hà