Đền thờ cá Ông trong tổng thể không gian trưng bày văn hóa miền Trung – Ven biển tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Trên diện tích đến 4.000m2, không gian văn hóa Miền Trung – Ven biển là nơi trưng bày những nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng: ngôi tháp Chăm độc đáo được phục dựng công phu với theo nguyên mẫu tháp Po Klong Grai nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận; Đền thờ cá Ông như một biểu tượng văn hóa gắn liền với tục thờ cá voi của các ngư dân miền biển; xưởng gốm của người Chăm; cụm thiếu nữ Chăm đội nước và những hàng cây xương rồng, phi lao như một biểu tượng cho sức sống quật cường của cộng đồng các dân tộc miền Trung giữa thiên nhiên đầy nắng và gió.

Mặc dù là không gian trưng bày văn hóa, nhưng đến với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam du khách như được chiêm ngưỡng Đền thề cá Ông thực sự với vẻ tôn nghiêm, linh thiêng và trang trọng. Đền thờ cá Ông được phục chế thu nhỏ 50% đền thờ cá Ông tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có tuổi đời hơn một thế kỷ.

Ảnh 1. Đền thờ cá Ông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Dọc từ Bắc vào Nam, đặc biệt là đối với cư dân ven biển miền Trung, thờ cá Ông (cá voi) được coi là nét đặc trưng tiêu biểu trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng biển. Với cư dân vùng biển, cá Ông là một biểu tượng của sự linh thiêng, là vị cứu tinh luôn che trở, phù giúp người dân. Để thể hiện sự tôn kính của mình với vị thần linh thiêng đó, người dân vùng biển gọi cá Voi là cá Ông hay “ngài”, thần Nam Hải. Bởi vậy, hàng năm, cứ vào ngày 16 tháng 5 âm lạch, người dân lại tổ chức lễ hội Cầu ngư tại đền cờ cá Ông để cầu mong một năm mưa thuận khó hòa, trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền.

Không chỉ có lễ hội Cầu ngư được tổ chức trọng thể hàng năm, nhằm cầu mong sự cưu mang, che chở thì vào những ngày lễ sóc (mồng 1 hàng tháng) và ngày lễ vọng (ngày rằm – ngày15 hàng tháng), hoặc trước mỗi chuyến ra khơi, cư dân vùng biển cũng thường đến đền thờ cá Ông thắp nhang cầu nguyện sự bình an, được mùa, gia đình no đủ, làng xóm bình yên. Đặc biệt, vào ngày 26 tháng giêng hàng năm, dân làng sẽ cùng nhau tổ chức lễ dựng nêu tại lăng Ông. Mỗi khi trong vùng có cá Ông chết (lụy) thì ngư dân cũng tổ chức lễ tang cá Ông và thỉnh Ông về thờ trong Lăng.

Trong không gian trưng bày văn hóa vùng ven biển miền Trung, cùng với tháp Chăm, xưởng gốm, cụm thiếu nữ Chăm đội nước và những cảnh quan được tạo tác bởi những hàng cây xương rồng, phi lao tràn đầy sức sống, Đền thờ cá Ông đã góp thêm một biểu tượng văn hóa đặc trưng giúp du khách có thêm những trải nghiệm về văn hóa tâm linh, am hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân vùng ven biển. Từ đó, du khách sẽ thêm hiểu, thêm yêu về vùng đất dù nhiều khắc nhiệt nhưng cũng giàu truyền thống văn hóa này.

Ảnh 2. Tháp Chăm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Ảnh 3. Thiếu nữ Chăm đội nước tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

                                                                                               Vũ Hà