Điểm danh những không gian văn hóa trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tọa lạc tại trung tâm thành phố Thái Nguyên. Là một trong 7 bảo tàng cấp quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi trưng bày, sưu tập hiện vật cũng như lưu giữ nhiều thông tin quý giá về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Cùng với các phòng trưng bày trong nhà, không gian văn hóa trưng bày ngoài trời đã góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách tham quan Bảo tàng, khiến Bảo tàng trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai ưa thích tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt.

Không gian văn hóa vùng thung lũng

Không gian văn hóa vùng thung lũng được trưng bày trên một không gian rộng lớn với diện tích 4.400m2. Những hiện vật tiêu biểu được lựa chọn trưng bày gồm ngôi nhà truyền thống của người Tày và người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, chiếc cọn quay, cối giã gạo bằng sức nước và cụm tượng thiếu nữ Thái, Mường vác nước. Sự kết hợp giữa những ngôi nhà truyền thống được phục chế nguyên mẫu với những vật dụng sinh hoạt thân thuộc và gần gũi (cọn quay, cối giã gạo) đã làm cho không gian văn hóa sinh hoạt và lao động của cư dân văn hóa vùng thung lũng hiện lên sống động, chân thực.

Ảnh 1. Ngôi nhà truyền thống của người Tày

Không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc

Với tổng diện tích 4.000m2, không gian vùng núi cao phía Bắc là nơi trưng bày  nhà truyền thống của người H’Mông, nương thổ canh hốc đá, ruộng bậc thang và hình tượng gia đình người H’Mông dắt dựa về chợ. Điểm nhấn nổi bật của không gian trưng bày là ngôi nhà được phục dựng nguyên mẫu theo ngôi nhà truyền thống của người H’Mông trắng ở Mèo Vạc, Hà Giang. Ngôi nhà được dựng trên nền một cấu trúc cảnh quan gắn liền với sân vườn, hàng rào, cổng nhà, ruộng bậc thang. Bên trong ngôi nhà truyền thống, các hiện vật được sưu tầm và trưng bày theo cách bài trí của cộng đồng dân tộc H’Mông: công cụ lao động, các dụng cụ sinh hoạt gắn liền với góc bếp và các dụng cụ chế biến mèn mén.

Không gian văn hoá vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ

Mặc dù không gian văn hóa vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ được trưng bày trên diện tích có nhỏ hẹp hơn (3.400m2) so với các không gian văn hóa khác nhưng đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng được những nét văn hóa đặc trưng nhất của vùng với cổng làng và ngôi nhà ngói truyền thống được phục chế nguyên mẫu. Cấu trúc cảnh quan xung quanh bao gồm có những lũy tre làng, bờ ao, giếng nước, con đường lát gạch nghiêng, sân rộng, những hàng cau dài thẳng tắp và những gốc trầu leo uốn lượn trên những thân cau.

Ảnh 2. Cổng làng truyền thống của người Kinh

Không gian văn hoá vùng Miền Trung – Ven biển

Trên diện tích đến 4.000m2, không gian văn hóa Miền Trung – Ven biển là nơi trưng bày những nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng với: ngôi Tháp Chăm độc đáo được phục dựng công phu với theo nguyên mẫu tháp Po Klong Grai nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận; Đền thờ Cá ông như một biểu tượng văn hóa gắn liền với tục thờ cá voi của các ngư dân miền biển; xưởng gốm của người Chăm; cụm thiếu nữ Chăm đội nước và những hàng cây xương rồng, phi lao như một biểu tượng cho sức sống quật cường của cộng đồng các dân tộc miền Trung giữa thiên nhiên đầy nắng và gió.

Ảnh 3. Đền thờ cá ông

Không gian văn hoá vùng Trường Sơn – Tây Nguyên

Trong khu trưng bày không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên (diện tích 4000m2), ngôi nhà Rông là một điểm nhấn thu hút du khách tham quan bởi sự phục chế nguyên mẫu ngôi nhà Rông truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na, Kon Tum. Chính sự phục chế nguyên mẫu này đã mang lại cho du khách những ấn tượng trực tiếp, mạnh mẽ và sống động về không gian văn hóa vùng được trưng bày tại Bảo tàngCấu trúc cảnh quan gồm: Cây Pơ lang, cây Kơ nia, và những dải đất các thác nước chảy để vận hành đàn gió, đàn nước và tượng voi mẹ, voi con…

Ảnh 4. Nhà Rông của dân tộc Ba Na

Không gian văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ

Không gian văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ thể hiện trên diện tích 4.000 m2, giới thiệu mô hình và cảnh quan ngoại thất ngôi chính điện chùa Phướng tại tỉnh Trà Vinh gồm: Kiến trúc cảnh quan xung quanh ngôi chùa, tháp đựng cốt của người Khơ Me ở chùa Diệp Thạch, tỉnh Trà Vinh, kiến trúc tháp đựng cốt, cổng chùa Chăm Ka ở tỉnh Trà Vinh; Không gian văn hoá Nam bộ dưới dạng miệt vườn với nhiều cây trái đặc trưng của vùng như: Nhãn, xoài, vú sữa, bưởi… Bên cạnh đó là hệ thống kênh rạch với chiếc cầu khỉ ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Ảnh 5. Chính điện chùa Phướng

                                                                                              Vũ Hà