Cây si trong tín ngưỡng dân gian của người Mường

Đối với người Việt nói chung và người Mường nói riêng, Đẻ đất đẻ nước là một bộ sử thi có giá trị văn hóa to lớn. Đây được coi là tác phẩm tiêu biểu nhất về nguồn gốc sự hình thành và phát triển của người Mường. Qua việc tìm hiểu nội dung của sử thi chúng ta có thể lý giải được vì sao cây si lại được xem như là vật tổ trong tín ngưỡng dân gian của người Mường.

Trong cuốn Mo, sử thi và thần thoại dân tộc Mường do Vương Anh chủ biên, có ghi rằng: “Sau khi trời hạn, mưa xuống, trong vũ trụ mọc ra một cây si um tùm. Những con sâu hóc sâu hà đục cây làm cho cây si bị ngã. Mỗi cành si rơi xuống tạo ra hai con kết duyên với hai nàng tiên đẻ ra mười người con, con út là trống chim Tùng, mái chim Tót, đẻ ra trứng chiếng, trứng nở thành người”. Khác với những loài cây quen thuộc từ bao đời, cây si đối với người Mường có một tầm quan trọng thật lớn lao. Nó là nguồn cội của sự hình thành và tạo nên vạn vật trên đất nước bằng chính thân xác của mình bởi khi mọi thứ chưa xuất hiện, thì cây si đã hiện diện – một mình đơn độc trải qua bao ngày tháng nắng mưa, nhích từng centimet để vươn lên cao giữa trời. Cho dù sống ở nơi đất đai khô cằn, cây si ấy vẫn sống, vẫn tiếp tục tồn tại, sinh tồn và phát triển.

Mở đầu Đẻ đất đẻ nước, cây si hiện lên trơ trọi vì khi đó trên trái đất chưa hề có sinh linh vạn vật. Mặc dù sự sống cằn cỗi nhưng bản năng sinh tồn của cây si thì không ai có thể phủ nhận được:

“Mọc lên núi chơi vơi,
Mọc ngay dốc thoai thoải…”

Và sau này, khi thời tiết quá khắc nghiệt, cây si ấy không còn chống đỡ được:

“Gió đánh lay đánh lắc
Đổ cây si xuống râm
Lộn cây si xuống rộc
Hết đời cây si vắng vẻ bơ vơ’’

Hay trong đoạn đẻ Đất, đẻ trứng Điếng:

“Sâu hà ăn trong
Nó moi lòng, móc lõi cây si
Rồi cây si đổ xuống rộc…”

Cây si đổ xuống rộc nhưng không vì thế mà cây si biến mất. Những cành lá, những thân cây lại tái sinh ra muôn vật, khai sinh ra đất Mường – một vùng đất với nhiều phong tục đa dạng, một nền văn hóa với nhiều đặc trưng riêng. Tất cả đã tạo nên một bản sắc riêng, độc đáo và hấp dẫn của người dân xứ Mường. Chính vì thế, từ xa xưa, trong tâm thức của mỗi người dân xứ Mường họ đã tin và coi cây si như một biểu tượng vật tổ, một loài cây thiêng liêng trong mọi đời sống văn hóa tinh thần.

Cây si có sức sống mãnh liệt và dẻo dai nên theo quan niệm của người Mường, cây si là biểu tượng tượng trưng cho sự trường tồn bất diệt. Trước hết, cây si gắn liền với các lễ thức quan trọng của vòng đời. Lễ nạ mụ – một nghi lễ rất điển hình cho sự liên quan mật thiết giữa con người với cây si là một ví dụ. Người Mường cho rằng, mỗi con người gắn với một cành si, khi người khỏe mạnh không bệnh tật thì cành si xanh tươi, nhưng khi người ốm chết thì cành si đó cũng sẽ khô héo. Người Mường cũng có quan niệm, mỗi đứa trẻ sinh ra có một bà mụ đỡ đầu, nếu là con gái thì ở cành si thứ 9, còn con trai thì ở cành si thứ 7. Bởi vậy, khi có một đứa trẻ được sinh ra, người Mường đều làm lễ nạ mụ và trong nghi lễ đó, lễ vật không thể thiếu một cành si (ngoài ra còn có một ngọn mía, hai ống cơm lam, hai đôi đũa bông, một lá đu đủ, một đến hai củ chuối, một đến củ khoai, một cái áo của con trẻ, một con gà (hay một con cá nướng), rượu, xôi, hai bát cơm tẻ có lá chuối cuốn thành nón úp lên bát cơm, một cái nạ (được đan từ những thanh tre nhỏ).

Không chỉ liên quan đến sự sinh tồn của con người, cây si còn mang những ý nghĩa truyền thống tốt đẹp trong các tập tục văn hóa dân gian tồn tại từ lâu đời. Trong lễ cưới của người Mường, cây si đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thế, trong những bài ca đám cưới, cây si được nhắc như một biểu tượng cho cuộc sống hôn nhân tốt lành:

“Si tốt muốn vươn cành
Senh tốt muốn vươn ngọn
…..
Cô dâu này đi làm cửa làm nhà
Đã xanh tươi như cành si, cành đa nảy lộc”

Si tốt thì đời sống vợ chồng hạnh phúc, sẽ tạo nên cuộc sống ấm no, yên vui dài lâu, nhưng khi đời sống vợ chồng bất hòa, nhiều mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ thì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc cây si xấu đi. Vì vậy, có thể nói cây si là một biểu tượng độc đáo cho quy luật hôn nhân của con người, là nét truyền thống tốt đẹp đầy ý nghĩa trong văn hóa của người Mường thể hiện qua những đám cưới dân gian.

Cây si còn gắn liền với nghi lễ kéo si. Khi trong nhà có người già ốm, người Mường hay làm lễ kéo si với mong muốn họ sống lâu hơn. Bởi theo quan niệm của đồng bào thì cây si sẽ truyền sức sống mạnh mẽ, kì diệu cho những người cao tuổi để họ luôn có sức khỏe, không gặp ốm đau, bệnh tật và sống lâu trăm tuổi. Để làm lễ kéo si, ngoài các đồ lễ như gạo, muối, trứng và vải thì không thể thiếu một cành si.

Tầm quan trọng của cây si đối với người dân Mường là vô cùng lớn lao, được thể hiện ở hầu hết các phương diện trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh. Cây si là cội nguồn khai sinh ra đất Mường, tượng trưng cho sự sống, những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống.

                                                                                              Hà Vũ