Ma thuật của dân gian

Nhắc đến ma thuật, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ tới những mụ phù thủy kỳ quái, những yêu phép thần thông, những quân bài, lọ nước, vòng tròn ma mị. Nhưng kỳ thực, ma thuật đầy rẫy quanh ta với những phương cách đôi lúc thật hiền hòa…

Phép thiêng bảo hộ đời sống

Trong quá trình sinh tồn và phát triển của loài người, tự nhiên vừa là nguồn sống, vừa là nỗi đe dọa, thách thức. Tâm thế ứng phó với tự nhiên và nhiều tình huống không mong muốn của cuộc sống là sự kích thích để trí tuệ nhân loại được khai sáng, trong sự ra đời của hệ thống tri thức dân gian. Một trong những tri thức dân gian ấy, gọi là ma thuật. Theo các nhà nghiên cứu, ma thuật là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng kỳ bí thường được thực hiện bằng sự kết hợp giữa lời nói, động tác và vật thiêng (như mảnh bùa, sợi chỉ, con dao, đôi đũa, mảnh xương, nắm tóc…) để tác động đến thế giới tự nhiên nhằm đạt được kết quả mong muốn. Trong đời sống hàng ngày, người Việt vẫn gọi ma thuật bằng những cái tên đậm chất dân dã như làm mẹo, làm phép, chữa mẹo và truyền cho nhau, từ đời này sang đời khác

Dán giấy đỏ vào công cụ lao động là những phong tục có nguồn gốc ma thuật phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số

Nhìn xung quanh, từ quá khứ đến hiện tại, từ phương Đông đến phương Tây, từ các dân tộc thiểu số với đời sống tâm linh phong phú đến cộng đồng cư dân đô thị, ta vẫn thấy sự hiện diện của ma thuật trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần, sinh kế và tín ngưỡng. Ma thuật xuất hiện, khi con người muốn điều chỉnh thời tiết, khí hậu, phục vụ cho sản xuất, cầu bình an cho mỗi nếp nhà. Đó là thuật cầu mưa, trấn bão, thuật tránh sấm sét, ngăn trùng địch. Ma thuật phát huy vai trò trong mỗi thao tác của chu trình trồng trọt, chăn nuôi, như thuật giữ giống, gieo mạ, trồng ngô, diệt trừ chuột bọ, thuật chăm cho lợn mau lớn, gà đẻ sai, bò dê chăn thả không bị lạc đàn… Theo quan niệm của nhiều tộc người, trồng trọt, chăn nuôi phải “có tay”, nghĩa là có duyên, nếu không, dù chăm sóc cẩn thận, cây cối, vật nuôi vẫn không tốt. Người Mông có mẹo “đổi tay nuôi” từ mảnh vải đỏ trước nhà độc đáo. Vốn dĩ, đây là tấm vải thiêng gắn với huyền thoại về cuộc thiên di của tộc người này từ phương Bắc. Trên hành trình ấy, lần lượt từng nhóm người dừng lại để khai xóm mở làng. Để nhận ra nhau, đồng bào quy định, mỗi gia đình đều treo một tấm vải đỏ ngoài cổng, báo cho những người cơ nhỡ giữa đường, nếu là người Mông thì có thể vào nhà nương tựa. Với những gia đình làm ăn không thuận lợi, chăn nuôi khó khăn, gia chủ có thể làm mẹo bằng cách, nửa đêm chạy sang nhà hàng xóm (chọn gia đình mát tay chăn nuôi), xé trộm một miếng vải đỏ mang về nhà mình. Chủ nhà bên kia nếu biết cũng vờ như không, để giúp đỡ láng giềng, theo đúng ý nghĩa của miếng vải biểu tượng cho tình anh em gắn kết.

Dân gian tin rằng, con vật cũng có hồn vía như con người. Nếu chúng đang ở nhà khác mà bắt về nhà mình chăn nuôi, chúng dễ lạc vía mà sinh đau ốm. Vì thế, cần làm phép cho từng trường hợp. Ở miền núi, gia súc lớn như bò, trâu, dê thường được chăn thả tự do, dễ bị lạc đàn, mất trong rừng, trong núi. Vì thế, ngoài việc đeo mõ trâu, chuông cổ, đồng bào Tày, Nùng làm mẹo nhổ trên người con vật 3 sợi lông, bí mật chôn vào cột nhà. Để nuôi được con lợn hay ăn, nằm nhiều, người Nùng có mẹo: ngay sau khi mua lợn về thả, chủ nhà lên nhà nằm một lúc, trong đầu nghĩ đến hình ảnh chuồng lợn và máng ăn. Bên cạnh đó, bà con còn làm phép bằng cách giữ lại chiếc lồng vừa bắt lợn, đem treo lên cây chuối, để lợn phải vía mà lớn nhanh như chuối. Người Nùng treo tổ ong cũ vào chuồng gà, để gà bắt chước ong mà sai trứng. Tộc người này cũng có mẹo thuật độc đáo để tránh quạ diều làm hại gà con. Đó là sau khi gà vừa nở, chủ nhà phải lấy nón đội cho chúng với ý nghĩa che mắt diều hâu, giúp gà con không bị sa sẩy.

Đặc biệt, mẹo thuật phát huy hiệu quả, ít nhất là trên bình diện tâm lý, trong quá trình bảo vệ sức khỏe con người, nhất là những đối tượng nhạy cảm như sản phụ và trẻ sơ sinh… Dân gian cũng sáng tạo ra những phương thuật để điều hòa các mối quan hệ xã hội như vợ chồng, thông gia, xóm giềng, làng bản như thuật đổi thanh củi trên bếp khi có người cãi vã, thuật hù dọa át vía cô dâu, tránh sự mâu thuẫn với bố mẹ chồng, thuật cắt nút dây – gỡ mảnh sành giải lời nguyền độc…

Sự tổng hòa của trí tuệ và tín ngưỡng dân gian

Trong sự so sánh với những hiện tượng xã hội liên quan như nghi lễ, khoa học, y thuật, có thể thấy, bản chất của ma thuật chính là yếu tố “phép”, tạo bởi lối tư duy hồn nhiên, sinh động của dân gian theo hai hướng cơ bản là tiếp xúc lây lan và liên tưởng tương đồng.Ví dụ, khi thai phụ khó sinh, gia đình người Cờ Lao phải mời một cụ già trong bản tới rửa con thoi dệt vải và lấy nước cho sản phụ uống, mong đẻ dễ như thoi đưa. Người Hà Nhì đen ở Bát Xát, Lào Cai lấy ống nước ném xuống đất cho vỡ. Anh chồng người Kinh chèo lên cây cau tụt xuống, lên mái nhà tháo dây lạt cũng là sự mô phỏng sự chào đời của em bé. Sau khi tra lúa, người Dao đem gậy cất vào chỗ râm mát hoặc cắm thật sâu, biểu tượng cho nương rẫy tốt tươi, hoa màu vững chãi… Dưới góc nhìn tín ngưỡng, kỹ thuật xen canh được lý giải từ quan niệm giao hòa mang chất phồn thực. Người Mông, người Khơ Mú cho rằng khoai sọ, bầu bí là bạn tình của ngô lúa, khoai sọ là đực, lúa ngô là cái. Vì thế trên nương, người ta thường trồng xen ít khóm khoai sọ và bầu bí. Khi thu hoạch, bà chủ phải giả vờ vấp vào bí, khoai cho linh tinh kết vào hồn lúa, từ đó mà âm dương giao hòa, cây cối sinh sôi nảy nở.
Đạo sĩ, phù thủy sử dụng những công cụ màu nhiệm như đôi đũa, lọ nước thần, cái đầu lâu, mảnh xương, hình nhân, cây kim, trùng độc, lưỡi tầm sét, thanh kiếm… Nhìn chung, đều là những công cụ mang tính chất “nhà nghề” mà người ta phải tốn rất nhiều công sức để có được nó (như nuôi ngải, cổ trùng, khai quật hài cốt…). Theo tư liệu của GS. Phan Hữu Dật, Người Hrê ở Tây Quảng Ngãi, huyện An Lão (Bình Định), huyện Kon Plong (Kon Tum) dùng phép luyện độc, kiêng không ăn thịt tươi, không gần đàn bà, không tắm nước lạnh. Ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), người Hrê đi tìm râu hổ già, lấy 9 râu, ngâm lá ngón 3 tháng, dùng mủ cây hơnia tẩm râu, cắm râu xuống phân hổ trộn bùn đựng trong 2 ché. Hàng đêm cúng sâu độc (sau khi tiếng vượn hú lần hai), một tháng cho vào ché một con gà trống để sâu có thức ăn. Cứ 3- 4 năm như vậy, râu hổ bị phân rã, sinh loài cây có 5 lá, gọi cây bọ ghẹt. Sâu ăn lá bọ ghẹt là thuốc độc cực mạnh. Nếu bỏ vào đó đồ ăn uống, tư trang của người bị hại thì người ấy sẽ phát bệnh và bệnh tình không chữa được.

Khi xâm nhập vào đời sống dân gian, công cụ ma thuật trở nên giản đơn, gần gũi, dễ kiếm tìm và có dáng vẻ “hiền hòa”, như: que củi, hòn đá, cái váy của đàn bà, cọc buộc trâu, dây thừng, vại nước, cành cây, sợi chỉ, lạt buộc nhà, mảnh sành, đôi đũa cả, con ốc, con tôm… Ma thuật cũng đi kèm sự kiêng kị khắt khe. Theo nhà nghiên cứu Bế Viết Đẳng, đồng bào Dao ở Thái Nguyên không làm các việc thuộc về sản xuất nông nghiệp trong 24 ngày khí tiết trong năm. Đặc biệt, ngày 7/7 âm lịch được coi là ngày hợp hôn của lúa trai, lúa gái, nếu đi nương sẽ làm lúa hổ thẹn, không thể giao hòa. Khi tra lúa kiêng không huýt sáo, không bắt chước tiếng thú tiếng chim. Khi lúa bắt đầu lên bông không đốt củi tươi, sợ sau thóc lép nhiều; không đun củi từ đằng ngọn, không đứng ngồi ngay cửa ra vào để tránh ngô đổ, lúa không đẻ được…

Thực hành ma thuật tồn tại trong xã hội loài người từ thời nguyên thủy và để lại dấu ấn trong nhiều nền văn hóa. Người Trung Hoa cổ đại chủ yếu dùng ma thuật với mục đích đối phó, trong đó, đáng sợ nhất là các hình thức vu thuật, cổ trùng sử dụng trùng độc, hình nhân hãm hại… Đạo sĩ Bà la môn có thần chú Vecda để điều khiến thần linh. Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần bóng tối và địa ngục, đồng thời cũng là thần bảo trợ ma thuật. Sử thi Odyssey chứa yếu tố ma thuật với chi tiết đoàn thủy thủ bị làm phép biến thành lợn. Truyện cổ Grim với mụ phủ thủy trong Nàng Bạch Tuyết, cô công chúa dệt tầm ma cũng góp phần cho thấy, ma thuật có dấu ấn đặc biệt trong tâm thức dân gian và hầu hết, người ta nhìn nó với tất cả sự sợ hãi, ý muốn trừng phạt kẻ phù thủy.

Mặc dù từng bị coi là hiện thân của những tàn dư mông muội thời nguyên thủy, bị cho là sản phẩm của ma quỷ, song không thể phủ nhận sự tồn tại của ma thuật trong xã hội loài người. Văn hóa Việt Nam với đặc trưng nông nghiệp coi trọng tín ngưỡng, đề cao kinh nghiệm, là môi trường phù hợp cho ma thuật nảy nở, ăn sâu bám rễ và sinh tồn mạnh mẽ trong lòng tín ngưỡng dân gian.

Dán giấy vào nông cụ để vật dụng nghỉ ngơi và cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn

Tấm vải đỏ là vật thiêng trong ngôi nhà của người Mông

Suối Linh

(Theo Văn nghệ Thái Nguyên)