Bảo tồn, phát triển cùng những địa danh làm nên Gang Thép

Gang Thép không phải địa danh chính thức trong văn bản hành chính Nhà nước, cũng không phải cái tên dân gian “sinh ra từ làng” như Đông, Đoài, Chùa, Giếng…. Năm 1959, khu công nghiệp Gang Thép lớn nhất cả nước được xây dựng ở Thái Nguyên không chỉ kéo theo những biến đổi kinh tế, xã hội lớn lao mà còn đem đến những sắc diện văn hóa mới mẻ. Hơn nửa thể kỉ “trấn ải” phía nam thành phố Thái Nguyên, khu công nghiệp Gang Thép trở thành cái lõi để từ đó phát tỏa một không gian văn hóa đặc biệt, đủ để tạo dựng ý niệm về đất Gang Thép, người Gang Thép, tập quán, tính cách Gang Thép… Nhìn lại những địa danh gắn bó với Gang Thép hơn 50 năm qua, chúng ta có thể mường tượng phần nào không khí tấp nập của đại công trường ba vạn công nhân những năm đầu xây dựng XHCN, cũng như hành trình “sinh nghề tử nghiệp” đầy thăng trầm, suy vi của cuộc đời người công nhân Gang Thép.

  1. Chợ Khu Tây, dốc Nguy Hiểm, kho Ba Mái, dốc Bể Dầu

Mặc dù, tính từ phía Bắc, nhà máy cán thép Gia Sàng là địa danh đầu tiên trực thuộc khu công nghiệp Gang Thép nhưng trong ấn tượng của nhiều người, thì phải đi thên gần một km nữa, đến chợ Khu Tây, ta mới bắt đầu chạm vào không gian văn hóa Gang Thép. Khu Tây là tên gọi mang tính chất định vị: nhà máy được tính như trung tâm, xung quanh sẽ có khu Nam, khu Bắc, khu Đông, khu Tây, trong đó, Khu Tây và Khu Nam trở thành những địa danh quen thuộc đối với người Gang Thép. Chợ Khu Tây không lớn, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân khu vực ga Lưu Xá và phía nam Gia Sàng. Cách chợ không xa, có sân vận động Khu Tây. Thế hệ công nhân Gang Thép đầu tiên vẫn còn truyền nhau giai thoại về một lần Bác Hồ lên Gang Thép, nói chuyện với công nhân nhà máy tại sân vận động. Sau khi tham quan bếp ăn, phòng ở của công nhân, Bác hỏi: “Thằng Mỹ to hay con ruồi to?”, “Thằng Mỹ to, con ruồi nhỏ”- Hàng nghìn người hô to phía dưới. Bác Hồ điềm tĩnh và hài hước: “Thằng Mỹ to thế ta con đánh được, huống chi con ruồi bé thế kia. Bác đề nghị, các chú phải phát động phong trào diệt ruồi, mỗi người đi làm, nhớ mang theo chiếc vỉ ruồi, quyết tâm diệt ruồi như đánh Mỹ”. Từ đó, trong suốt một thời gian dài sau khi Bác về, nhà máy vẫn duy trì phong trào diệt ruồi phòng bệnh, thậm chí, còn có cả danh hiệu “Chiến sĩ diệt ruồi”!

Khi chưa có rạp chiếu bóng Phúc Lợi, sân vận động Khu Tây được coi như trung tâm văn hóa, thể thao. Có những buổi biểu diễn, công nhân từ nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn cũng “ôm ghế con” đi bộ xuống, xem xong lại vui vẻ cuốc bộ hơn chục cây số trở về.

Trong quần thể kiến trúc khu công nghiệp Gang Thép, kho Ba Mái là một công trình đặc biệt. Kho có chức năng cất giữ nguyên vật liệu, thiết bị cho toàn hệ thống nhà máy trước khi đi vào sản xuất. Sở dĩ có tên “Ba Mái” là vì công trình được xây dựng thành nhiều cụm nhà kho, mỗi cụm có 3 dãy nhà xếp sát nhau. Người đi đường chỉ nhìn thấy kho nguyên liệu sau lớp tường rào cao 4 mét với những cụm “ba mái” hình tam giác nối tiếp nhau dài mấy trăm mét. Kho Ba Mái xưa là một vùng thấp trũng dưới chân dốc Nguy Hiểm, vì thế, hễ có mưa là lụt lội. Người từ Gang Thép lên Thái (tên gọi tắt chỉ trung tâm thành phố) hoặc ngược lại, đều chuẩn bị tinh thần vượt qua khu vực này, nếu phải đi trong một ngày mưa lũ.

Qua “lòng chảo” Ba Mái là đến dốc Nguy Hiểm và dốc Bể Dầu. Gọi là dốc Nguy Hiểm bởi nó đổ đèo xoáy ốc từ đồi cao xuống kho Ba Mái, có đường tàu nối ga Lưu Xá với nhà máy Gang Thép chạy qua. Đường tàu giữa lưng chừng dốc, lại khuất do địa hình xoáy trôn ốc, không có gác chắn bảo vệ nên cái tên Nguy Hiểm ra đời như một sự cảnh báo. Vượt qua dốc Nguy Hiểm sẽ đến dốc Bể Dầu. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, thấy bốn về hoang vu lau sậy. Dốc Bể Dầu là nơi đặt bể lớn chứa dầu phục vụ cho luyện thép.

Con đường qua kho Ba Mái, dốc Nguy Hiểm, dốc Bể Dầu nay đã được nắn chỉnh. Nhà cửa mọc lên thay cho lau sậy, dốc Nguy Hiểm không còn nguy hiểm, dốc Bể Dầu cũng đã thẳng băng nữa nhưng những cái tên xưa vẫn lưu lại như minh chứng cho một thời Gang Thép còn là một vùng đất gò đồi hoang sơ (với một loạt những địa danh có yếu tố “đồi” và “dốc” như Đồi F, Đồi C1, Dốc Hanh, Đồi Độc Lập…). Để làm nên Gang Thép đại công trường có bàn tay bạt núi sang đồi của hàng vạn công nhân trong mấy thập kỷ.

  1. Lò cao Gang Thép

Những lò cao sừng sững giữa trời được coi là biểu tượng tiêu biểu nhất cho đất Thép. Đối với người Gang Thép, khi đi xa về, nhìn thấy chiếc lò cao là biết đã tới quê hương, giống như người làng ngóng cây đa vậy. Ba lò cao được xây dựng trong những thời điểm lịch sử khác nhau, đánh dấu từng chặng đường phát triển của Gang Thép. Lò cao số 1 khánh thành đầu tiên, đón mẻ gang “đầu lòng” vào ngày 29/11/1963 (ngày truyền thống của công tý Gang Thép). Ngày 1/1/1064, Hồ chủ tịch về thăm Gang Thép lần thứ 3. Đứng bên lò cao số 1, Bác đã dặn dò công nhân Gang Thép: “Để làm ra gang thép tốt, thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép như gang…”. Nay, lò cao số 1 không còn, trên nền di tích có gắn bia tưởng niệm để ghi dấu một địa danh lịch sử đặc biệt.

  1. Bách hóa Dốc Hanh, lò bánh mì Ba Lan, cửa hàng thực phẩm Số 4

Lịch sử hình thành và phát triển của Gang Thép đi qua thời kì bao cấp chật vật, khó khăn. Ngay từ tên gọi, những địa danh như bách hóa Dốc Hanh, lò bánh mì Ba Lan, cửa hàng thực phẩm Số 4 đã gợi nhớ đến hững năm tháng ấy. Cửa hàng thực phẩm số 4 (nằm gần nhà văn hóa hiện nay) chuyên phục vụ món phở “không người lái”, nghĩa là phở không thịt ít xương, chỉ có bánh phở và cà chua  nhưng không phải anh công nhân Gang Thép nào cũng mua được. Lò bánh mì Ba Lan nhắc về một thời kì các nước xã hội chủ nghĩa đồng tâm nhất chí, chia sẻ với nhau từng cái kim sợi chỉ, về hình ảnh những công nhân Gang Thép “hạng sang” sáng sáng đi làm vai đeo lỉnh kỉnh cặp lồng, đèn pin, và… một đôi bánh mì xỏ dây vắt cổ. Lò bánh mì Ba Lan nằm trên trục đường từ chợ Dốc Hanh (chợ lớn nhất Gang Thép) ra ngã ba Tích Lương (nhập với quốc lộ 3 về Hà Nội). Ngày nay, người Gang Thép vẫn gọi khu vực đó là khu Bánh mì Ba Lan dù không phải ai cũng biết rõ, xưởng bánh cũ nằm ở chính xác vị trí nào. Khác với cửa hàng lương thực và lò bánh mì, bách hóa Dốc Hanh nay vẫn tồn tại (mặc dù khó lòng cạnh tranh với siêu thị và cửa hàng lớn) và duy trì phong cách bày biện mang đậm đặc trưng thời “tem phiếu” với đồng hồ treo trên, phích nước, mâm nhôm, bóng đèn đặt dưới, cô mậu dịch đứng sau quầy…

Bách hóa Dốc Hanh, lò bánh mì Ba Lan, cửa hàng thực phẩm Số 4 và cả những quán kem tư nhân gia truyền mấy chục năm quanh đường tròn phản ánh phần nào đời sống vật chất của công nhân khu công nghiệp Gang Thép trong chiều dài lịch sử.

  1. Rạp chiếu bóng Phúc Lợi, hiệu sách Nhân Dân, hồ Thiên Nga, sân vận động Gang Thép

Có thể nói, sân vận động Gang Thép, rạp chiếu bóng Phúc Lợi, hồ Thiên Nga là bằng chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của lãnh đạo và các thế hệ công nhân trong sự nghiệp xây dựng Gang Thép trở thành một trung tâm văn hóa, phục vụ mọi nhu cầu của đời sống dân sinh.

Sân vận động Gang Thép từng là một trong nhưng sân vận động tầm cỡ của cả nước. Không chỉ phục vụ cho đội bóng Gang Thép, sân còn là nơi thi đấu nhiều giải lớn, trong đó, ấn tượng nhất là giải bóng đá quốc tế “Quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa” diễn ra cuối những năm 70 với sự góp mặt của các quốc gia như Cu-ba, Mô-dăm-bích, Ăng-go-la. Một thời gian dài, sân Gang Thép rất ít khách ghé thăm. Đường vào cổng chính bao phủ bởi những rừng keo âm u, rập rạp khiến nhiều người e ngại. Gần đây, sân vận động mới được sửa chữa, làm đường, lắp điện. Người dân bắt đầu tận dụng khuôn viên bên ngoài sân để đi bộ, uống trà đá và đạp xích lô buổi tối.

Trong khi nhiều tỉnh thành, mãi đến những thập niên cuối thế kỉ XX mới được lắp điện lưới thì thành phố Thái Nguyên sáng đèn từ rất sớm do có khu công nghiệp Gang Thép. Hơn thế nữa, công nhân nhà máy và nhân dân địa phương còn được xem chiếu bóng hàng ngày – điều không tưởng đối với những người ngoại tỉnh thời đó. Những cái tên Phúc Lợi, Nhân Dân nhấn mạnh đến tính tập thể trong bản chất công trình – một tính chất tiêu biểu trong phong trào xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Rạp Phúc Lợi, hồ Phúc Lợi (gọi chung là bãi Phúc Lợi) được làm nên từ công lao động xã hội chủ nghĩa, tức là lao động không công của công nhân và nhân dân địa phương. Trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, sự gắn bó giữa nhà máy Gang Thép và địa phương hết sức mật thiết. Nhà máy trở thành chỗ dựa vững chắc, khi cần, có thể điều động lực lượng giúp dân làm đường, dựng chợ không kể đến công cán, lãi lời. Ngày lễ tết, cô giáo phổ thông đạp xe đến “xin tiền” Gang Thép về tổ chức hoạt động cho các cháu, thậm chí, mỗi trường học lại nhận một đơn vị làm đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu…

Trên cơ sở lao động công ích, rạp chiếu bóng Phúc Lợi ra đời với sức chứa hàng vạn chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu tinh thần của công nhân Gang Thép và nhân dân địa phương, đồng thời cũng là không gian hoạt động của đoàn nghệ thuật Gang Thép (với một đội xiếc, một đoàn chèo và đoàn văn công hát mới). Phía trước rạp có hồ Phúc Lợi trong xanh hai bên bờ liễu rủ. Thời gian sau đó, người ta còn làm thêm mấy con thiên nga bằng tôn có thể bơi trên mặt hồ nên hồ Phúc Lợi có tên khác là hồ Thiên Nga. Chập tối, nhất là những đêm biểu diễn đặc biệt, rạp chiếu bóng chật ních khán giả. Người lớn nhắc trẻ nhỏ ăn cơm sớm, cắp áo mưa, ghế con đến xếp hàng mua vé vào rạp. Người Gang Thép có khách ở quê ra đều đưa đi xem chiếu bóng như một niềm tự hào mãnh liệt về mảnh đất lập nghiệp của mình.

Khi các gia đình có tivi, máy tính, rạp chiếu bóng cũng dần vắng khách. “Hollywood Gang Thép” một thời dường như trở thành phế tích. Nấp sau bênh viện, bể bơi, sân tennis, rạp chiếu bóng Phúc Lợi bị lãng quên trong cỏ lá um tùm. Thỉnh thoảng, vài cặp cô dâu, chủ rể tìm đến đây  chụp ảnh cưới bên bờ tường lỗ chỗ rêu phong. Hiệu sách Nhân dân Gang Thép trên đường Ba sáu, nơi người ta từng chen nhau mua báo chí, sách vở, đồ dùng cho con cái cũng được sửa chữa thành ngân hàng và siêu thị. Nhưng quãng ấy, nay vẫn tập trung nhiều hàng tạp hóa, sách vở, trong đó, có một cửa hàng hoàn toàn tư nhân mang tên: “Hiệu sách Nhân Dân Gang Thép” như một mẹo marketing bằng cách tác động đến tâm lý của những người hoài cổ còn bâng khuâng với những địa danh Gang Thép.

  1. Nhà văn hóa Công nhân Gang Thép, đường tròn Gang Thép, nhà khách Năm tầng, đường Ba sáu

Theo thời gian, Gang Thép dần đổi mới, mang diện mạo hiện đại với những công trình lớn án ngữ vị trí trung tâm. Nhà khách Năm tầng xây dựng khoảng những năm 1972 đến 1974. Thời đó, “tầng” là một khái niệm quý hiếm và sang trọng. Quanh Gang Thép, có những khu tập thể mang tên “Hai tầng”, “Ba tầng” và vẻ vang nhất là nhà khách Năm tầng. Nhà khách được sử dụng làm chỗ ăn nghỉ cho các đoàn chuyên gia và tiếp đón khách quý. Đối diện với nhà khách Năm tầng là quần thể kiến trúc Nhà văn hóa Công nhân Gang Thép Thái Nguyên. Đây là công trình công cộng lớn nhất Gang Thép, là trung tâm văn hóa, chính trị, thể dục thể thao của công nhân nhà máy và nhân dân địa phương. Trên khuôn viên Nhà văn hóa, bên cạnh cây cảnh, hồ nước, trò chơi trẻ em hiện đại vẫn còn lại những dấu tích 30 năm về trước. Đó là một vòng quay của những con thú gỗ đã bạc màu, nứt nẻ, 4 chiếc máy bay rỉ sét sau mấy chục năm phơi nắng phơi sương, một đồi thông bát ngát phía sau mà trên mặt đất vẫn còn những đường hầm địa đạo của một thời chiến tranh oanh tạc.

Đường tròn Gang Thép với tượng đài thạch cao trắng muốt tạc hình gia đình hạnh phúc của anh công nhân Gang Thép là một công trình nghệ thuật mang giá trị thẩm mĩ. Tượng đài hoàn thành năm 1993, nhân kỉ niệm 30 năm ngày truyền thống Gang Thép, thay cho cột bê tông đơn giản có gắn loa phát thanh thời bao cấp. Trước kia, vào buổi tối, những mẹt hàng rong với đèn dầu, kẹo lạc xếp tròn dưới chân tượng đài. Thời khó khăn, có cô giáo Gang Thép tranh thủ bán hàng buổi tối phụ thêm vào đồng lương giáo viên, gần nửa đêm trở về, mệt mỏi và buồn ngủ, cô giáo bán hàng ngã dúi dụi xuống rãnh sâu ven đường. Người ta tìm thấy cô nửa tiếng sau đó, không có chuyện chẳng lành bởi rãnh khô và chiếc xe đạp nhẹ, nhưng họ phải lay cô dậy vì cơn buồn ngủ kéo đến bất chấp hoàn cảnh oái oăm. Câu chuyện hài hước có thật mà rất nhiều người Gang Thép truyền tai nhau khắc vào lòng người những nhọc nhằn của gia đình hạt nhân Gang Thép với vợ giáo viên, chồng công xưởng.

Xương sống của khu Gang Thép là đường Ba sáu rộng 36 mét thênh thang, hai bên vỉa hè lát gạch cùng hàng xà cừ cổ thụ tỏa bóng khiến người đi đường có cảm giác như đang đứng giữa phố cổ thủ đô. Cũng như nhà văn hóa, tượng đài, đường Ba sáu thể hiện tầm nhìn xa rộng của các thế hệ lãnh đạo Gang Thép, tiêu biểu là Giám đốc Hồng Long – vị giám đốc thứ hai của công ty Gang Thép.

Trong những địa danh mà bài viết vừa nhắc đến, có những cái tên vẫn sừng sững tồn tại như một biểu tượng của Gang Thép, cũng có những địa danh đã hoang hóa, rêu phong; nhiều địa danh vẫn thuộc về Gang Thép và không ít địa danh đã được tư nhân hóa, chỉ còn là một cái tên mơ hồ mà “người Gang thép trẻ” không hiểu được… Dẫu vậy, tất cả những mảnh đất, công trình ấy đều đã gắn bó với cuộc đời người công nhân Gang Thép như một phần hồi ức quá khứ, tình yêu hiện tại và khát vọng hưng thịnh tương lai…


Nhà văn hóa Công nhân Gang Thép chứng kiến tuổi thơ của bao người Gang Thép

Rạp chiếu bóng Phúc Lợi nay đã phủ rêu phong


Tượng đài Gang Thép mang khát vọng hạnh phúc của một thế hệ công nhân nhà máy

                                                                         Suối Linh