Làng Đồng Mỗ

  1. Địa danh lịch sử – văn hóa

Tổ văn hóa số 8 phường Túc Duyên ngày nay vẫn được người Thái Nguyên gọi bằng cái tên thân thuộc: phố Đồng Mỗ. So với cái tên mới được mặc định theo số thứ tự đậm chất hành chính thì tên gọi xưa dường như lại được “sủng ái” hơn. Ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về đất Thái những thế kỷ trước, ta dễ dàng bắt gặp địa danh Đồng Mỗ trong nhiều tư liệu chính thống và dã sử.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép: mạn Đông Bắc, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, tại đầu mối của các dòng sông hình thành những trung tâm giao thương sầm uất, quanh năm trên bến dưới thuyền như: bến tuần Bạch Thông (thị xã Bắc Kạn), bến tuần Đồng Mỗ (thành phố Thái Nguyên), bến Thủy Cơ, bến Hanh (huyện Phú Bình), bến cảng Đại Phùng (nay là bến Chã, huyện Phổ Yên)… Hàng phiên, các thuyền lớn lại chở gạo, muối mắm, đồ gốm sứ, vải lụa, vôi… từ Bắc Ninh, Phả Lại lên bán, khi về họ lại chuyên chở các mặt hàng đặc sản từ Thái Nguyên về xuôi như cam quýt ở Thượng Đình, Phương Độ, bưởi Nga My (Phú Bình), trầu không các làng Đông Hạ, Nam Đô, Vân Trai (Phổ Yên), Hương Thịnh, Đại Mão (Hiệp Hòa), và đặc biệt là chè huyện Đại Từ, Tân Cương… Vì vậy đã hình thành nên địa danh Trà Thị (chợ Chè) từ lâu đời… Điều này cũng được ghi nhận trong cuốn sách nổi tiếng Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Từ Nghệ Tĩnh trở ra) của Dương Thị The [1].

 Trong thời nhà Nguyễn, huyện Đồng Hỷ gồm 9 tổng, 33 xã, thôn, trang, phường. Đồng Mỗ là một trong những đơn vị thuộc tổng Túc Duyên cùng 5 xã, 1 trang, 1 thôn, 1 phường khác là: Túc Duyên, Phù Liễn, Thịnh Đán, Sa Kiệt, Lu Xá, Mỗ Thượng, Xuân Quang, Đồng Hoà. Năm Gia Long thứ 12 (1813), thành trấn Thái Nguyên được đặt ở làng Đồng Mỗ huyện Đồng Hỷ; dinh tuần phủ Thái Nguyên cũng đặt ở đây. Huyện lỵ Đồng Hỷ ở xã Huống Thượng, đầu thế kỷ XX chuyển lên Đồng Mỗ. Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), thị xã Thái Nguyên chính thức trở thành một đơn vị hành chính, tách ra khỏi huyện Đồng Hỷ.

Như vậy, trong tiến trình lịch sử, Đồng Mỗ luôn là một địa danh quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ là đầu mối giao thương, trung tâm hành chính, Đồng Mỗ còn là một địa danh văn hóa.

Nhắc tới cái tên Đồng Mỗ, không ai là không biết đến Chùa Đồng Mỗ – một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở thành phố Thái Nguyên được vinh danh qua câu phương ngôn: “Khi Mỏ Bạch khi Xương Rồng, khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am”. Chùa có từ đầu thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá. Trong bài “Một số hiện vật quý ở các di tích thuộc thành phố Thái Nguyên” đăng trên báo Thái Nguyên năm 2008, tác giả Đình Hưng đã xếp bia và chuông của chùa Đồng vào vị trí thứ nhất trong các di tích ở thành phố Thái Nguyên. Hai tấm bia cổ ở chùa Đồng Mỗ đều dựng năm 1940, trong đó, tấm bia lớn hơn có 11 hàng chữ Hán, nội dung ghi việc công đức với lời văn hay, trong sáng ca ngợi thuần phong, mỹ tục của nhân dân địa phương. Chùa còn có 1 quả chuông cổ loại lớn được đúc vào thời Minh Mệnh thứ 12 (1833). Chuông của đền nhỏ hơn được đúc năm Khải Định thứ 2 (1917) có đề bài thơ của vị hòa thượng trụ trì bấy giờ:

Nhân chi vi thiện sự
Thiện sự nghĩa đương vi
Kim thạch do năng động
Quỷ thần kỳ khả khi 

(Người ta làm việc thiện / Việc thiện nghĩa diễn ra / Vàng đá còn năng động/ Quỷ thần cũng năng động).

  1. Làng hương nức tiếng một thời

Làng Đồng Mỗ gắn liền với nghề làm hương. Hương đen Đồng Mỗ quen thuộc với người Thái Nguyên, tỏa hương thơm ngát trên bàn thờ nhà nhà mỗi độ tết đến xuân về.

Bà Hoàng Mai, 75 tuổi, người sinh ra và lớn lên tại làng Đồng Mỗ chia sẻ: “Người làng Đồng Mỗ xưa sống bằng nghề làm hương. Cả làng vài chục gia đình làm nghề, ngày thường cũng như ngày lễ, trải dọc hai bên đường và sân nhà tràn ngập màu của bột hương. Tiếng chẻ tre lách cách suốt ngày. Gần đến Tết, người bán kẻ mua tấp nập đông như kẻ chợ. Xưa, không có những đại lý hay cửa hàng tạp hóa lớn, người làm hương trực tiếp đến các chợ quê để bán lẻ. Họ ngồi một góc chợ, lấy ông bơ đựng gạo mà cắm hương đốt. Người đi qua, ngửi thấy hương thơm, tàn đẹp sẽ ghé vào. Ngày giáp tết, cả một góc chợ ngào ngạt khói hương. Âu đó cũng là một sư vị ngày xuân đặc biệt mà bây giờ không còn nữa”.

“Bán mắm nằm giường không bằng bán hương nằm đất”, từ sâu thẳm, người Việt luôn đề cao nghề làm hương, cái nghề sạch sẽ, thanh tao, lại được cho là “có phúc” vì cây hương là phương tiện tín ngưỡng gần gũi nhất để tạo ra sự giao thông âm dương, thần trần. Đèn, hương, hoa, oản là những thứ hàng hóa đặc biệt. Ở đó, người bán không nói thách, người mua chẳng mặc cả bao giờ. Khách cẩn thận còn chọn người bán có nét mặt phúc hậu, nhân từ mới mua. Chủ hàng có tâm cũng trân trọng, gói hương bằng một tờ báo sạch sẽ rồi cẩn thận treo lên ghi đông xe đạp, xe máy. Không ai để hương ở sàn xe, cốp xe nếu không phải là người vô tâm, đuểnh đoảng.

Hiểu được sự đặc biệt ấy, người làng Đồng Mỗ xưa rất trân trọng nghề, ông bà cha mẹ truyền cho con cháu từ đời này sang đời khác. Hương đen Đồng Mỗ có mùi thơm dịu nhẹ, cháy chậm, đậu tàn nên được nhiều người lựa chọn. Nguyên liệu chính của loại hương này là nhựa cây trám và than hoa. Quá trình làm hương trải qua nhiều công đoạn thủ công như nghiền than, nấu nhựa, pha trộn, làm chân, se hương… Để có những cây hương dính chắc và tròn đều, người thợ phải thật khéo tay trong lúc se hương. Một công đoạn nữa quyết định đến tính thẩm mỹ của những cây hương cũng không kém phần quan trọng là làm chân hương. Chân hương được vót tỉ mỉ từ nứa đã ngâm nhiều tháng rồi phơi nắng kỹ. Quá trình làm nghề tỉ mỉ như vậy đòi hỏi người thợ phải thật sự khéo léo, nhẫn nại, mặt mũi lúc nào cũng nhem nhuốc trong bụi than, nhựa cây, đồ đạc trong cũng luôn ám màu hương.

Trải qua thời gian, nghề làm hương ở Đồng Mỗ dần mai một như nhiều làng nghề khác. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, tổ 8, phường Túc Duyên chia sẻ: “Làm nghề này vất vả, bụi bặm, thu nhập cũng không đáng là bao nhưng vì yêu nghề và muốn giữ gia truyền nên gia đình tôi vẫn tiếp tục. Còn hầu hết xóm làng đã chuyển sang kế sinh nhai khác”. Ngoài làm hương đen, ông Tỉnh còn nhập thêm một loại hương khác về bán đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng bởi ngày thường, không mấy khi các gia đình dùng hương đen. Điều làm ông Tỉnh trăn trở là hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại hương kém chất lượng, độc hại, nhưng mẫu mã bắt mắt và giá thành giá nên có sự cạnh tranh lớn. Chỉ lo, đến một ngày không xa, danh tiếng hương Đồng Mỗ sẽ mất đi cùng với những gia đình làm nghề ít ỏi còn sót lại, đem theo niềm tự hào một thời của đất và người Đồng Mỗ.

                                                                     Nguyễn Ly, Hiểu Mai

 

[1]: Theo Tạp chí Xưa & Nay số 357 tháng 6 năm 2010 (tr.16 và tr.26-27))