Kết nối giáo dục với bảo tàng – hướng đi sáng tạo hiệu quả bền vững của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

  1. Từ cảm niệm về bào tàng xưa…

Tôi xin được bắt đầu câu chuyện bằng những hoài niệm của mình về Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bảo tàng VHCDT Việt Nam). Trong muôn vàn ký ức xưa cũ của tuổi thơ, trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh Bảo tàng VHCDT Việt Nam với lâu đài thâm nghiêm, sừng sững hàng ngọc lan cổ thụ trầm mặc tỏa hương khắp mái vòm theo kiểu thiết kế phương Tây. Đi thăm Bảo tàng VHCDT Việt Nam, khi ấy, là việc xa xỉ đối với đám trẻ cùng trang lứa với chúng tôi. Nếu không phải nhân dịp Tết, Quốc khánh 2/9 cùng chúng bạn rồng rắn đi chơi thành phố, để được uống cốc siro xanh đỏ, nặn tò ho, thổi trái bóng bay đủ màu…và tranh thủ đi chơi Bảo tàng thì họa hoằn lắm, mới được đặt chân đến chốn đó.

Có lẽ, trong ý niệm một thuở của không ít người, bảo tàng là không gian tĩnh, hàn lâm, là nơi lưu giữ và trưng bày các sưu tập, bộ sưu tập hiện vật, cổ vật, tư liệu…, là thế giới chỉ dành cho những người nghiên cứu, học tập, hoặc hoài niệm. Vì thế, dường như, đã có thời Bảo tàng VHCDT Việt Nam trở nên xa lạ với khá nhiều người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thái Nguyên.

 Quá khứ đó không phải chỉ từng tồn tại đối với Bảo tàng VHCDT Việt Nam. Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ nằm rải rác từ Bắc vào Nam với hàng triệu hiện vật có giá trị. Đó là kho tàng vô giá cho nhiều mục đích thuộc nhiều lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, kinh tế, giải trí, du lịch… Tuy nhiên, nhiều bảo tàng để hoài phí nguồn tài nguyên đó bởi sự lệch chuẩn trong văn hoá tham quan bảo tàng của một bộ phận lớn du khách và còn bởi những mô hình hoạt động cũ mòn, nhàm chán. Hậu quả là, trong khi các khu vui chơi giải trí hiện đại luôn ồn ào, chật ních người thì các bảo tàng quy mô với bề sâu trầm tích văn hoá lại đìu hiu, lặng lẽ như chùa bà Đanh.

… đến nhận thức mới về bảo tàng theo xu hướng hiện đại 

Quan niệm xưa cũ, phiến diện về bảo tàng của một thời một thuở ấy đã dần thay đổi, bắt đầu từ sự kiện, năm 2005, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) đưa ra chủ đề “Bảo tàng – nhịp cầu văn hóa”,  như một cách nhìn nhận mới về chức năng của bảo tàng trong thời đại ngày nay. Bảo tàng được xem như một tổ hợp vui chơi – giải trí – thưởng ngoạn – học tập. Nghĩa là, bảo tàng không chỉ là điểm đến để giải trí, vui chơi mà còn là một trường học thứ hai của giáo dục, là nơi nghiên cứu học tập, thu hút và lưu giữ cảm xúc của du khách.

Trong xu hướng xã hội hoá toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống, các cơ quan sự nghiệp, trong đó có Bảo tàng đã và đang chọn cho mình những hướng đi phù hợp để có nguồn thu tự thân đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển, đồng thời, xây dựng đơn vị vững mạnh mà không phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của Nhà nước. Sự kết nối giữa bảo tàng với hoạt động du lịch, thương mại, truyền thông đã từng bước khẳng định hiệu quả tích cực. Và những năm gần đây, mô hình kết hợp giữa bảo tàng với giáo dục cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương với những sáng tạo vô tận, đáp ứng hai mục tiêu lớn: đưa văn hoá bảo tàng đến gần người dân và đa dạng hoá phương thức học tập, phát triển kỹ năng sống. Đương nhiên, khi ấy, bảo tàng sẽ còn không thuần túy là không gian tĩnh với trầm tích văn hóa phủ bụi thời gian, mà còn là thế giới sống động để học tập, khám phá, trải nghiệm, hóa thân với nhiều cảm xúc và cảm nhận thế giới.

  1. Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam – sự kết nối hiệu quả giữa hoạt động trưng bày với giáo dục, trải nghiệm

Bảo tàng VHCDT Việt Nam – một trong ba bảo tàng lớn trực thuộc Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch, trong gần chục năm trở lại đây, đã có những bước chuyển mình rõ rệt trong việc hợp tác với các đơn vị giáo dục. Với sự tâm huyết, đổi mới và không ngừng sáng tạo của Ban giám đốc và tập thể cán bộ viên chức đơn vị, kể từ năm 2010, Bảo tàng VHCDT Việt Nam đã có những liên kết rõ ràng hơn, thiết thực và hiệu quả hơn với các cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến đại học trên địa bàn tỉnh. Sự hợp tác này đa dạng, phong phú dựa trên mối quan hệ tương tác giữa bảo tàng với các đối tượng, độ tuổi và với nhiều loại hình học tập khác nhau.

Trước hết, bảo tàng được xem như một học đường. Đã nhiều lớp học, giờ học lịch sử, văn hóa, du lịch của các em học sinh trường THCS Nha Trang, Chu Văn An, của sinh viên ngành Cử nhân Văn học, Du lịch, Việt Nam học – trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên được tổ chức tại phòng trưng bày. Khác với giờ học trên giảng đường, lớp học nhà trường, người học được tiếp thu tri thức đa chiều một cách trực quan, sống động. Cảm xúc về ký ức lịch sử và cảm nhận về nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc, vùng miền… được hình thành một cách tự nhiên, phong phú hơn rất nhiều so với bài giảng của thầy cô trên lớp. Thậm chí, bài học đầu tiên đầy ấn tượng về thế giới thiên nhiên gần gũi thân thuộc như loài hoa, cây cỏ, con ong, con bướm… của các bé của Trường Mầm non DPA, Sao Mai, Hoa Hướng Dương, Hoa Trạng Nguyên… được hình thành ngay trong khuôn viên an lành, tươi đẹp của Bảo tàng. Với cách làm này, Bảo tàng VHCDT Việt Nam thực sự là một trung tâm thông tin, giáo dục tri thức khoa học về lịch sử, văn hóa có hiệu quả đối với học sinh sinh viên.

Song, có thể nói, hiệu quả đáng kể nhất trong hoạt động gắn kết của Bảo tàng VHCDT Việt Nam với giáo dục là sự sáng tạo các chương trình trải nghiệm. Đơn cử một vài dẫn chứng. Với chủ đề “Khám phá sắc màu văn hóa”, học sinh sẽ được chia thành nhiều nhóm, sinh hoạt trong các không gian văn hóa khác nhau như miền núi phía Bắc, châu thổ Sông Hồng, Trường Sơn – Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ… Tại đây, các em sẽ được khám phá trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ và phong tục tập quán của từng tộc người. Chủ đề “Kỹ năng sống” cho các du khách nhỏ tuổi có cơ hội quản lý tài chính thông qua việc đi chợ, lựa chọn rau quả, trả giá; cơ hội tổ chức cuộc sống thông qua việc nấu nướng, sắp xếp nhà cửa, tự lập sinh hoạt cá nhân…. Hấp dẫn hơn nữa là chủ đề “Lao động” khi mỗi trẻ đều phải tham gia canh tác nông nghiệp, làm đồ thủ công, chế biến và thưởng thức món ăn theo các dạng thức địa – văn hóa khác nhau. Trong một tuần trải nghiệm, trẻ được cấy lúa, trồng rau, thổ canh hốc đá, giã gạo, xay ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm cọn nước, đi cầu khỉ… với các nông cụ và kỹ thuật canh tác truyền thống… Bên cạnh đó là hàng loạt các chủ đề “Cảm thụ và biểu diễn nghệ thuật dân gian”, “Khám phá thiên nhiên”, “Giáo dục môi trường”, trải nghiệm cuộc sống người lính…

Với cách triển khai này, Bảo tàng VHCDT Việt Nam trở thành môi trường trường trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng thú vị, hấp dẫn và hiệu quả. Đã có một số trường đại  học thành viên trong Đại học Thái Nguyên đăng ký tham gia, hoặc đồng tổ chức chương trình trải nghiệm. Chẳng hạn, năm 2011, sinh viên trường Đại học Nông Lâm hưởng ứng triển lãm: “Chiếc cày và người nông dân”. Qua chương trình, các kỹ sư nông nghiệp tương lai không chỉ được sống trong không gian thấm đẫm sắc màu của nền văn minh lúa nước, mà còn có thêm kiến thức về ngành nghề, về chiều dài lịch sử canh nông, trồng cấy với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm phát triển kinh tế xã hội qua nghê nghiệp mình đã lựa chọn.

May mắn hơn cả, các bạn trẻ trường Đại học Khoa học có nhiều cơ hội trong tham gia việc tiếp cận, thụ hưởng sản phẩm văn hóa còn lưu truyền hội thảo và chương trình lớn như: Nghề dệt truyền thống của các nước ASEAN, Chợ quê, Hội thảo Giấy qua các thời kỳ lịch sử… Trong đó, không những được trải nghiệm trong những không gian văn hóa đậm sắc màu, hồn cốt của vùng miền, các bạn sinh viên còn được đồng sáng tạo. Đặc biệt, Bảo tàng VHCDT Việt Nam cũng là cơ quan thực tập lý tưởng cho sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn ở trường Đại học Khoa học. Có thể nói, đối với nhiều cơ sở giáo dục, Bảo tàng VHDT Việt Nam là đơn vị đồng đào tạo với những đóng góp đáng ghi nhận. Là một người hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục đại học, nhân đây tôi xin gửi lời tri ân chân thành đối với Ban lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng về điều đó.

Sức hút của Bảo tàng VHCDT Việt Nam đối với du khách ngày càng hấp dẫn. Người ta đến bảo tàng không phải chỉ lặng ngắm mà còn được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng với những trải nghiệm đặc thù của nhiều tộc người. Chẳng phải vượt ngàn dặm, trèo đèo lội suối, mà ngay tại Bảo tàng VHCDTVN tọa lạc giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, du khách có thể được thưởng thức bát thắng cố, mèm mén với chén rượu ngô cay nồng, được đắm chìm trong tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn, điệu sli lượn trao duyên tình tứ; có thể được tung còn, ném pao, đánh yến, tập giã gạo, thổi cơm… Sự gắn kết giáo dục của Bảo tàng VHCDT Việt Nam, vì thế, đã vượt qua phạm vi các nhà trường, hướng tới đối tượng đông đảo công chúng. Đó là cách giáo dục cộng đồng một cách tự nhiên, hiệu quả, để vươn tới giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống.

Sự thay đổi trong cách tư duy về quan niệm bảo tàng hiện đại, sự chỉ đạo tài ba và rất quyết liệt của Ban Giám đốc trong việc phát huy nội lực đơn vị cùng với những nỗ lực, say mê của tập thể cán bộ, Bảo tàng gần như là thay áo mới. Tính từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức hàng trăm chương trình trải nghiệm với quy mô lớn nhỏ với nội dung, chủ đề đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi. Điều đáng trân trọng, từ những bước đi ban đầu chập chững, dò dẫm, đến nay, các chương trình trải nghiệm được xây dựng và thực hiện ngày càng tiệm cận tính chuyên nghiệp. Không ngừng học hỏi, các nhân viên, cán bộ ngoài chuyên môn đảm trách, khi cần họ có thể hóa thân trong những vai diễn thành thục và “ngọt ngào”. Bà Giám đốc từ vai tổng chỉ huy chuyển sang biên kịch, đạo diễn, làm MC. Một nhân viên thợ điện, khi cần, sẵn sàng vào vị trí nghệ nhân điều khiển rối nước thành thục. Một chị công tác ở phòng trưng bày, có thể thành diễn viên múa khá điêu luyện. Một anh cán bộ quản lý, khi có khách tham quan trải nghiệm, sẽ không ngần ngại vào vị trí của đội cồng chiêng… Cho đến nay, Bảo tàng có thể trình diễn gần 50 tiết mục văn hóa, văn nghệ các dân tộc, tạo ra sự sống động và dấu ấn văn hóa ở không gian trưng bày 6 vùng văn hóa ngoài trời. Đó là các tiết mục thổi (sáo, khèn, saranai), múa (ô, sạp, quạt, giã gạo, lăm tơi, Apsara, cấp sắc, cầu tự, múa tắc sình, cầu mùa, đội nước, rối nước…), hòa tấu nhạc cụ (ngũ âm, trống paranưng, nhạc ngũ âm, cồng chiêng Tây Nguyên,  hát then đàn tính và các hoạt động trong cuộc sống đời thường như xay ngô, đồ mèn mén, xay thóc, giã gạo, in tranh dân gian, nặn tò he, nặn gốm, chằm nón, đan lát… Cá nhân tôi, rất ấn tượng với cách làm đáng học hỏi trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực của đơn vị. Đó là sự minh định cho một chân lý, “nếu không phải là chính bạn, thì không ai có thể làm bạn thay đổi được”. Sự thay đổi này, đã tạo ra lực hấp dẫn và sức lan tỏa đối với du khách ở mọi lứa tuổi. Bảo tàng VHCDTVN thực sự là một thư viện sống không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan thú vị mà còn tạo ra những cơ hội được trải nghiệm, đồng sáng tạo của du khách về địa lý, cảnh quan và phong tục tập quán của người dân Việt Nam từ xa xưa đến nay, theo đúng tinh thần Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) “Bảo tàng (ký ức – sáng tạo) = Biến đổi xã hội”.

Thay lời kết…

Tôi là công dân đã gắn bó gần 50 năm với thành phố Thái Nguyên. Thú thực, dù rất yêu mảnh đất này, nhưng tôi đã từng tìm cách né tránh, mỗi khi bạn bè ở tỉnh xa có nhã ý nhờ tư vấn một vài danh thắng của Thái Nguyên. Nhưng mấy năm trở lại đây, những câu hỏi kiểu đó không còn làm tôi lúng túng nhiều nữa. Bởi lẽ, có một địa chỉ khiến tôi tự tin giới thiệu trong danh sách kỳ quan của Thái Nguyên đó là Bảo tàng VHCDT Việt Nam.


Tham quan và trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam


Sinh viên, giảng viên trường ĐH Khoa học Thái Nguyên tham dự chương trình trải nghiệm Tết Việt tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN


Sinh viên Khoa Du lịch tham gia chương trình trải nghiệm văn hóa dân tộc tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam


Quý khách tham gia chương trình Tết Việt tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Trải nghiệm về nghề truyền thống tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thái Phương