Trưng bày “Di sản văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc” lần thứ IX, 2015

Hòa chung không khí hào hùng của cả dân tộc, kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Bảo tàng VHCDT Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cùng phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm “Di sản Văn hóa các dân tộc Vùng Đông bắc” trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX năm 2015, tại tỉnh Bắc Kạn, do Bảo tàng VHCDT Việt Nam thực hiện.

Vùng Đông Bắc Việt Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong quân sự, chính trị, được ghi dấu bởi các mốc son lịch sử hào hùng như: Đền Hùng, Chi Lăng, Bạch Đằng, Pác Pó, Tân Trào, ATK Định Hóa và các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, Tam Đảo, Hồ Ba Bể… Cùng với những di sản văn hóa thiên nhiên ấy, 25 dân tộc nơi đây sinh sống tập trung ở các vòng cung lớn: Ngân Sơn – Đông Triều, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc còn có kho tàng di sản văn hóa quý báu. Đó là kinh nghiệm canh tác nông nghiệp nương rẫy, lúa nước, trồng màu, cây công nghiệp, khai thác nguồn lợi từ đồi, rừng, biển đảo và phát triển nghề thủ công dệt, đan lát, thêu, làm giấy dó, đồ mộc, sáng tạo ra những chiếc cọn quay từ vật liệu thiên nhiên ban tặng… Trong cuộc sống mưu sinh và phát triển, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Sán Chay, Sán Dìu … còn sáng tạo nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mang bản sắc tộc người và vùng cư trú.

Các giá trị văn hóa được đúc kết trao truyền qua  hàng ngàn năm lịch sử, được thể hiện qua  hơn 400 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, đậm nét bản sắc văn hoá truyền thống được trưng bày trên diện tích 450 m2 chưa phải là nhiều, nhưng toàn bộ không gian văn hóa, đời sống tộc người, các nghề thủ công đan lát, dệt vải, làm gốm, làm giấy bản và nghi lễ chu kỳ đời người, phong tục, tập quán, các lễ hội của cư dân như: Nàng Hai, lồng tổng, cấp sắc, sinh nhật, cúng Mụ, hát dân ca, múa tắc sình… của các dân tộc từ đỉnh Đồng Văn, qua vùng thung lũng trù phú, tới miền biên giới, biển đảo, hơn lúc nào hết khoe sắc, tỏa hương với du khách trong nước, quốc tế và nhân dân địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc.

Trưng bày “Di sản văn hoá các dân tộc vùng Đông bắc” sẽ đưa giá trị văn hóa truyền thống của 25 dân tộc vùng Đông bắc đến với công chúng tham quan để kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống đương đại, giúp chúng ta hiểu, trân trọng, phát huy và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam.