Nghiên cứu khoa học ứng dụng trong hoạt động thực tiễn của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng Dân tộc học

Chủ đề: Tham luận hội thảo Vụ Khoa học công nghệ, Bộ VHTT&DL; Tác giả: TS. Nguyễn Thị Ngân; Đơn vị: Bảo tàng Văn hóa CDT Việt Nam; E-mail: nganbtvhdt@gmail.com; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ra đời năm 1960, thời kỳ đầu, mang tên Bảo tàng Việt Bắc. Từ năm 1990 đến nay, mang tên Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các giá trị di sản văn hoá Việt Nam.

Trong 55 năm qua, bảo tàng đã kế thừa rất nhiều thành tựu của các khoa học để phát triển. Tuy nhiên, thực tế đặt ra những thách thức: văn hoá dân tộc đa dạng, trong khi các nghiên cứu chưa sâu; sự giao thoa văn hoá mạnh mẽ, nhiều sắc thái văn hoá tộc người, chúng ta chưa kịp nhận dạng đã bị mai một, cần phải nghiên cứu khoa học theo chiều sâu câu chuyện văn hóa và cải tiến phương pháp phục vụ công chúng theo hướng động.

Từ năm 1997 đến nay, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã nghiên cứu 90 đề tài về văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn. Trong số đó có 51 công trình nghiên cứu cấp viện, 39 công trình nghiên cứu cấp bộ,  90% công trình nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc, 10% đạt loại khá; 05 công trình được giải thưởng của Hội văn nghệ dân gian; 20 công trình đã xuất bản với số lượng hàng nghìn cuốn, 03 công trình được giải thưởng sáng tạo. Các công trình khác dù không được giải thưởng, nhưng đều thiết thực ứng dụng vào hoạt động.

Ban đầu, nghiên cứu mới đạt ở mức tổng hợp tài liệu, có thêm phân tích, đánh giá, chưa quan tâm đến sáng tạo, ứng dụng cho hoạt động của ngành và đơn vị.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Vụ Khoa học công nghệ môi trường chỉ đạo nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng thực tiễn, đột phá vào những khâu yếu nhất trong hoạt động của từng đơn vị.

Theo hướng đó, bảo tàng đã đánh giá lại những vấn đề đang thiếu, yếu: đó là nghiên cứu chung chung, ít thông tin câu chuyện, trưng bày chỉ có lát cắt không gian, không có chiều dài thời gian, phục vụ công chúng chủ yếu tĩnh tại, một chiều.v.v…, Thực tại đó, yêu cầu các cán bộ bảo tàng cần tập trung nghiên cứu đề tài về văn hóa các dân tộc: Giẻ Triêng, Rơ Măm, Brâu, Chứt, Bố Y, Kháng…gắn với các hoạt động bảo tàng; nghiên cứu xây dựng các chương trình giáo dục gắn với các đối tượng học sinh từ tiểu học đến phổ thông trung học, kết nối truyền thống với đương đại đại như: em làm chiến sỹ Điện Biên, một ngày làm bộ đội, em tập làm nông dân; thử làm chiến sỹ công an; tình yêu và thời gian…Mỗi đề tài hoàn thành hay đang trong quá trình nghiên cứu đã được đưa vào thực hành đề mô, sau đó thực thi trên diện rộng, làm thay đổi đồng bộ 6 khâu công tác và diện mạo đơn vị.

Đối với nghiên cứu, sưu tầm: kết quả nghiên cứu văn hóa các dân tộc giúp giảm được thời gian, kinh phí nghiên cứu khảo sát, nắm bắt chính xác các tài liệu, hiện vật cần sưu tầm, hiểu rõ các câu chuyện hiện vật, bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng đề cương, kế hoạch sưu tầm sát với thực tế địa phương, cung cấp cơ sở khách quan, lôgic để thẩm định giá trị hiện vật, xây dựng hồ sơ hiện vật đầy đủ thông tin.

Đối với kiểm kê khoa học, kết quả nghiên cứu giúp tư liệu hóa hiện vật của từng dân tộc dễ dàng hơn. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống biểu mẫu khoa học chính xác, hoàn thiện các sưu tập hiện vật, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác di sản văn hóa.

Đối với trưng bày, giáo dục, nghiên cứu khoa học đã giúp cho đơn vị nắm vững bản sắc văn hóa của từng dân tộc, lựa chọn các vấn đề trưng bày phù hợp với không gian vốn có, tạo các điểm nhấn, sống động cho mỗi tổ hợp văn hóa; kế thừa nguồn tư liệu hóa, thể hiện trưng bày, trải nghiệm với các chủ đề theo thời gian và không gian, điều mà từ trước đến nay chưa có ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu mở ra nhiều hoạt động trưng bày chuyên đề, giáo dục trải nghiệm như: “Cối xay theo năm tháng”, “Chiếc cày và người nông dân”, “Khung dệt, giấy xưa và nay”… “Cùng xay ngô, nấu mèn mén, ăn thắng cố”; “Thi nấu cơm niêu, nấu cơm bếp Hoàng Cầm”, “In tranh dân gian Đông Hồ”, “Tiếng rao của người gánh hàng rong”, “Điện Biên phủ 60 năm một bản hùng ca”, “Đồng hành cùng bước chân Bộ đội Cụ Hồ” dành cho mọi đối tượng: anh bộ đội, chú công an, cô thợ dệt, bác nông dân, chị tiểu thương hay các chương trình “Biểu diễn cồng chiêng, hòa tấu ngũ âm, paranưng, rối nước, múa khèn, múa lân sư, múa cầu mùa, múa tắc sình, thổi sáo…” của các dân tộc. Tất cả các hoạt động đó thực sự lôi cuốn các đối tượng tham quan hóa thân vào cuộc sống muôn màu, để rồi họ thêm yêu mến văn hóa dân tộc, yêu những người lao động, những chiến sỹ trên mọi mặt trận, giúp cho bảo tàng gần gũi với cuộc sống, con người.

Nghiên cứu khoa học đã đã thay đổi nhận thức của cán bộ bảo tàng, giúp hoạt động của Bảo tàng đi đúng hướng, tạo cho tất cả các khâu công tác của bảo tàng thêm sống động, sâu lắng, hấp dẫn công chúng, đánh dấu bước đổi mới toàn diện trong hoạt động bảo tàng, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước, quốc tế đến với Bảo tàng. Chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả, hấp dẫn hơn bởi sự động và gắn kết truyền thống với cuộc sống đương đại, biến bảo tàng tĩnh lặng xưa kia nay trở nên động, kết nối con người và văn hóa ở mỗi không gian địa lý, gắn với dòng chảy thời gian từ truyền thống đến đương đại, góp phần giáo dục văn hóa và  lịch sử. Chính vì vậy mà các đối tượng đến tham quan bảo tàng nhiều lượt, trở thành khách hàng thường xuyên của bảo tàng. Hiện nay, những người làm công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam khi nhìn thấy công chúng tham quan hóa thân vào các không gian trải nghiệm, sẽ thấy rất tự hào về thành quả nghiên cứu của mình, khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng thương hiệu của một điểm đến, để mỗi công chúng đến với bảo tàng với tinh thần hứng khởi, hưởng thụ trải nghiệm dần thẩm thấu, tự hào hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, yêu mến, sống và hoạt động hết mình vì tổ quốc.

Từ khóa: Nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới hoạt động, thay đổi nhận thức, hấp dẫn công chúng, giá trị truyền thống và cuộc sống đương đại./.

TS. Nguyễn Thị Ngân