(Cinet)- Với một triệu sáu trăm năm mươi ngàn buổi biểu diễn trong nước và gần 100 buổi biểu diễn tại nước ngoài, có thể nói năm 2015 là một năm thành công của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Những hoạt động của Nhà hát đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Vở rối “Vũ điệu hoa quỳnh” – giải Vàng Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 4 – Hà Nội 2015. |
Mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Có thể nói năm 2015 là một năm hoạt động thành công của Nhà hát Múa rối Việt Nam với nhiều chuyến công tác nước ngoài ở các quốc gia khác nhau như: Nhật Bản vào tháng 5 và tháng 10; Indonesia vào đầu tháng 8; Cộng hòa Séc vào cuối tháng 8; Australia vào cuối tháng 9; Hàn Quốc vào đầu tháng 10; Cộng hòa Pháp vào cuối tháng 10 và sắp tới là dự án biểu diễn Múa rối nước truyền thống dài hạn tại Mexico.
Mỗi lần biểu diễn tại nước ngoài, đoàn nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đều được đón nhận nồng nhiệt và để lại những ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế về con người và văn hóa Việt Nam. Nhiều khán giả tại Úc, sau khi xem chương trình đã phải thốt lên: “Sau khi xem Múa rối nước Việt Nam, chúng tôi thấy Việt Nam đã ở trong lòng chúng tôi”. Có thể nói đó là món quà lớn nhất đối với tập thể nghệ sĩ của Nhà hát sau mỗi chương trình biểu diễn.
Đặc biệt sau mỗi chuyến lưu diễn, Nhà hát đều nhận được thư cảm ơn của Đại sứ Việt Nam tại nước đoàn tham gia biểu diễn hay Ban tổ chức chương trình. Khi tham dự Liên hoan Múa rối Quốc tế Plzen tại Cộng hòa Séc hồi tháng 9, các buổi biểu diễn của Nhà hát đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho Ban tổ chức, khán giả Séc cũng như quốc tế về một nền nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới mà lâu nay chỉ được nghe kể, đọc trên sách báo hoặc xem truyền hình. Với sự chuyên nghiệp, thái độ trách nhiệm, nhiệt tình của các nghệ sĩ, diễn viên và đặc thù sân khấu rối nước đã làm cho người biểu diễn và khán giả không còn khoảng cách. Tất cả khán giả không chỉ mắt thấy tai nghe mà còn trực tiếp được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ, diễn viên, được tận tay tiếp xúc với con rối. Ngoài các suất diễn theo sắp xếp của Ban tổ chức Liên hoan, đoàn còn biểu diễn thêm suất đáp ứng sự mong mỏi, tận tình của bà con cộng đồng tại thành phố diễn ra Liên hoan rối Quốc tế. Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã đánh giá sự tham gia của Nhà hát Múa rối Việt Nam là điểm nhấn, thành công nhất từ trước đến nay chưa hề có.
“Việc tham dự Liên hoan rối Quốc tế của Nhà hát múa rối Việt Nam là một trong các sự kiện của Đề án Năm văn hóa Việt Nam 2015 tại Cộng hòa Séc nhân kỷ niệm 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa tuyên truyền nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nên càng có tầm quan trọng đặc biệt; tạo được hiệu ứng lan tỏa cao, được báo chí, dư luận Cộng hòa Séc, báo chí cộng đồng và bà con người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Cộng hòa Séc đánh giá cao và mong Nhà hát múa rối Việt Nam quay trở lại biểu diễn cho khán giả tại Séc” (thư cảm ơn của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc).
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 4 – Hà Nội 2015 vừa kết thúc tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế tham gia Liên hoan. Đạo diễn Ngô Quỳnh Giao – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá: “Điều nổi bật nhất của Liên hoan này, đó là các Nhà hát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Họ đầu tư về công sức cũng như thời gian cũng nhiều hơn cho chương trình tham gia. Chính vì vậy, sự bề thế cũng như thành công cũng lớn hơn. Bên cạnh đó, với Việt Nam, rối cạn thu được thành công, đó cũng là điều bất ngờ và rất đáng mừng”.
Vở diễn “Vũ điệu hoa Quỳnh” với sự sáng tạo mang tính đột phá, tạo sự thích thú và ấn tượng mạnh cho khán giả. |
Nhà hát Múa rối Việt Nam mang đến Liên hoan 3 vở: Tôn Ngộ Không (rối cạn), Chuyện tình Dạ Trạch (rối nước), Vũ điệu hoa quỳnh (rối dây). Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật về vở diễn Vũ điệu hoa Quỳnh – vở diễn có sự sáng tạo mang tính đột phá, tạo sự thích thú và ấn tượng mạnh cho khán giả. Có thể nói đây là tiết mục thành công, hay nhất trong Liên hoan khi sử dụng những con rối tre mộc mạc nhưng đẹp mắt và rất đáng yêu. Sân khấu cũng tràn đầy không khí lãng mạn và chất thơ. Vở rối đã giành giải Vàng – giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan múa rối Quốc tế.
Cần có cơ chế riêng cho nghệ thuật dân tộc
Nghệ thuật múa rối là một loại hình sân khấu dân gian, để hình thành nên nó là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: Âm nhạc, điêu khắc, văn học… Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối chính là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của nhiều loại hình hình nghệ thuật dân gian của dân tộc. Quảng bá nghệ thuật múa rối với bạn bè quốc tế chính là quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng để duy trì được việc đưa múa rối Việt Nam ra nước ngoài thì còn nhiều khó khăn.
Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam. |
Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Theo lộ trình tự chủ tại Nghị định 40, Nhà hát cùng Liên đoàn Xiếc và Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện năm 2015 cắt giảm 30% kinh phí. Chúng tôi bị cắt giảm rồi mà chúng tôi vẫn cố gắng bằng những nguồn thu của mình hỗ trợ vào tiền Bộ cấp cho và tiền đối tác nước ngoài xin được tài trợ, chúng tôi vẫn cố gắng quyết tâm đi quảng bá múa rối nước nhà. Chúng tôi vinh dự năm 2014 là quán quân của thế giới về múa rối cho nên mình đã được vinh danh như thế, trách nhiệm của mình phải đi quảng bá mặc dù phải lấy kinh phí từ nguồn thu của Nhà hát rất nhiều, tới gần 50%. Như chuyến đi Nhật đầu tiên chúng tôi phải lo tiền bồi dưỡng biểu diễn, chuyến đi Nhật tiếp theo mà Bộ Ngoại giao mời thì Nhà hát phải lo hầu như gần hết, từ tiền ăn, tiền biểu diễn, tiền visa… Hay như chuyến đi Séc, Ban tổ chức Liên hoan cũng chỉ lo được một nửa, mình cũng phải lấy nguồn thu Nhà hát. Đây cũng là một sự cố gắng rất lớn của Nhà hát.
Bà Thủy cho biết thêm: Trong lộ trình từ năm 2015 đến 2017 cắt giảm dần kinh phí và đến năm 2018 thì Nhà hát phải tự chủ 100%. Bị cắt giảm thế này thì liệu chúng tôi còn có khả năng để đi quảng bá nghệ thuật múa rối của Việt Nam ra thế giới nữa không vì lúc đó không còn điều kiện kinh phí nữa. Nếu tiếp tục cắt giảm thì doanh thu lúc ấy còn để lo trả lương, nuôi sống nhau thôi chứ không thể nào lại lấy doanh thu ấy, lại thêm vào để đi quảng bá nghệ thuật của mình ra nước ngoài được. Lúc ấy chúng tôi sẽ không có tiền trả lương cho anh em nữa.
“Để các đơn vị nghệ thuật dân tộc tiếp tục tồn tại và tiếp tục quảng bá nền nghệ thuật dân tộc với bạn bè quốc tế thì phải có riêng cơ chế cho chúng tôi để chúng tôi tiếp tục được cống hiến. Mỗi lần đi ra nước ngoài quảng bá, đó là cơ hội tốt, bởi văn hóa chính là nhịp cầu hướng tới ngoại giao”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nguyên Hà (ảnh: CTV Mạnh Hà)
Nguồn: http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=26067&sitepageid=541#sthash.Ij4QMg7e.dpuf