Gìn giữ tính thuần Việt của di sản

Cùng với di sản đến từ các nước trên thế giới, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được Ủy ban Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các thành viên trong Ủy ban nói trên đều đi đến thống nhất: bên cạnh những tiêu chí quan trọng về sự trường tồn theo thời gian và sự tham gia tích cực từ cộng đồng, điểm độc đáo và cũng là hấp dẫn nhất chính bởi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất “thuần Việt”.

1. 16 di sản văn hóa phi vật thể đăng quang cùng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lần này bao gồm: Nghệ thuật ngâm thơ của Vương quốc Oman; Ca khúc dân gian Arirang (Hàn Quốc); hoạt động diễu hành ở Entre-Sambre-et-Meuse – một yếu tố chính trong bản sắc văn hóa Entre-Sambre-et-Meuse ở vùng Wallonia (Bỉ); Lễ hội Ichapekene Piesta ở Bolivia; Nghệ thuật trình diễn Frevo kết hợp âm nhạc và các điệu nhảy ở Brazil; Lễ hội Thánh Francis ở Assisi; Hát Klapa ở Dalmatia; Truyền thống đan mũ sợi toquilla (Ecuador); Lễ hội Fest-Noz ở vùng Brittany (Pháp); Nghệ thuật dân gian và nghề thêu ở Matyo (Hunggary); Các bài cầu kinh Phật giáo ở Ladakh của Ấn Độ; Nghi lễ Qalisuyan ở Kasan (Iran); Nghệ thuật chế tác đàn violin ở Cremona (Italia); Nghệ thuật trình diễn tôn giáo Nachi no Dengaku ở Nhật Bản; Lễ hội anh đào ở Sefrou (Morocco);  Đàn phiến gỗ balafon của các cộng đồng dân cư Senufo sống rải rác ở Mali, Burkina Faso và Bờ biển Ngà.
Trong số 37 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu để trở thành di sản  văn hóa phi vật thể của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO, Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao, và nhận được số phiếu gần như tuyệt đối của Hội đồng chuyên gia.
Cồng chiêng Tây Nguyên
2. Tính đến thời điểm này, thế giới có khoảng 200 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Trong đó Việt Nam có tới 7 di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế (công nhận 2003); Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (công nhận năm 2005); Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh (công nhận năm 2009); Ca trù (công nhận năm 2009); Hội Gióng ở Phù Đổng và Đền Sóc (công nhận năm 2010); Hát Xoan Phú Thọ (công nhận năm 2011). Và tới nay, năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tiếp tục được vinh danh. Điều này đã khẳng định: di sản văn hóa Việt Nam đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Để được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tất cả những di sản của Việt Nam đều đáp ứng được những tiêu chí của UNESCO: Kiệt tác có giá trị đặc biệt do nhân loại sáng tạo nên; Có sức ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng và sự độc đáo của bản sắc văn hóa; Tính ứng dụng, các chất lượng kỹ thuật và các khả năng mang lại hiệu quả; Mang giá trị như một chứng nhân độc đáo cho truyền thống văn hóa; Có nguy cơ biến mất do thiếu phương tiện bảo vệ và do quá trình đô thị hóa hay do tiếp biến văn hóa. “Bám” vào vào tiêu chí thứ 5 này, Hát Xoan và Ca trù của Việt Nam được vinh danh ở thể loại di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nhã nhạc cung đình Huế
3. Yếu tố “thuần Việt” trong Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam chính là sức nặng để thuyết phục Hội đồng chuyên gia. Theo các chuyên gia văn hóa của Việt Nam thì tục thờ cúng những cá nhân sáng lập ra quốc gia vốn phổ biến ở các nước Đông Á. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô để toàn bộ cộng đồng tham gia vào nghi lễ này lại là điều không dễ gặp, không phổ biến.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, người đang trăn trở với tín ngưỡng thờ Mẫu thì cho rằng: Trải qua hàng ngàn năm biến thiên của lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, qua gần nghìn năm Bắc thuộc, cũng như kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho dù có sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, nhưng đến hôm nay Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn không bị lai căng. Và chắc chắn không ở đâu trên trái đất này có một dân tộc tin rằng họ có một  vị “cha chung”,  một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để ngày 10-3 AL hằng năm, cho dù có ở phương trời nào cũng hành hương về đất tổ Vua Hùng.

Yếu tố “thuần Việt” ấy là niềm tự hào, nhưng gìn giữ cho được sự “thuần Việt” cũng là một sự thách thức với văn hóa Việt Nam trong hội nhập và phát triển nói chung, trong bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, thì điều ông trăn trở nhất là làm sao để việc vinh danh di sản không trở thành hình thức. Trước khi được thế giới vinh danh, những giá trị văn hóa của người Việt phải có chỗ đứng trong tâm hồn và trái tim của mỗi người Việt Nam. Và mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ tinh hoa của người Việt.

Nguồn: http://daidoanket.vn