Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, điểm kết nối di sản Văn hóa – Du lịch và Giáo dục

Tiềm năng và lợi thế

Nằm giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội 80 km về phía Bắc, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam không chỉ được du khách trong và ngoài nước ấn tượng bởi một công trình kiến trúc bề thế, to đẹp được giải thưởng Hồ Chí Minh, toạ lạc giữa trung tâm Tp. Thái Nguyên, cạnh dòng sông Cầu thơ mộng mà bảo tàng còn được biết đến là một trung tâm văn hoá lớn với chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa h

Với diện tích 40.000m2 sử dụng cho trưng bày, kho bảo quản hiện vật, trưng bày trong nhà, ngoài trời và các hoạt động khác. Trong đó, hệ thống trưng bày cố định gồm 5 phòng được đầu tư xây dựng ổn định, trên cơ sở nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hoá vùng. Hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian trưng bày 6 vùng văn hoá: Núi cao phía Bắc, thung lũng, đồng bằng trung du Bắc bộ, miền Trung – ven biển, Trường ­Sơn – Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Mỗi vùng văn hoá có không gian tổ chức lễ hội với cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể làm điểm nhấn giới thiệu giá trị văn hoá các dân tộc Việt Nam tới du khách.

Phát huy những lợi thế sẵn có, hơn nửa thế kỷ qua, Bảo tàng đã tiến hành hàng trăm cuộc nghiên cứu sưu tầm trên địa bàn cả nước. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ, bảo tồn trên 36.000 tài liệu hiện vật gốc có giá trị về lịch sử văn hóa dân tộc. Đó chính là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà, ngoài trời, phục vụ tốt công chúng tham quan trong nước và quốc tế.

 Tăng cường kết nối, đổi mới hoạt động

Trong xu thế hội nhập, các hoạt động bảo tàng tăng cường đổi mới hoạt động, thường xuyên kết nối trong nước, quốc tế và tổ chức nhiều chủ đề phục vụ công chúng đến tham quan tại bảo tàng. Năm 2013, Bảo tàng đã tổ chức 16 cuộc triển lãm và hoạt động sự kiện, trong đó có 6 sự kiện quốc tế với sự tham gia của 13 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào, Nhật Bản, Singapor, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều hoạt động diễn ra đã tạo nên sự giao lưu văn hóa đặc sắc và sinh động giữa các quốc gia tham dự như hội thảo, trưng bày, trình diễn dệt, trình diễn thời trang, trình diễn văn hóa văn nghệ dân gian các làng nghề đã thu hút đông đảo du khách đến bảo tàng. Các cuộc triển lãm chuyên đề luôn đổi mới, kết hợp hài hòa giữa trưng bày tĩnh với các trải nghiệm, trình diễn mang tính động bổ trợ cho các gian trưng bày.

Năm 2014, Bảo tàng Văn Hóa các dân tộc Việt Nam đón tiếp 183 nghìn lượt khách trong nước, quốc tế tham quan, Tổ chức 24 cuộc triển lãm trong đó 07 cuộc triển lãm lưu động với các chuyên đề “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu; “Chúng em với biển đảo quê hương” tại Trường THCS Nha Trang Thái Nguyên; “Văn hóa trong gia đình các dân tộc Việt Nam” tại Vân Hồ – Hà Nội, “Trang phục và nghề dệt truyền thống Việt Nam và ASEAN” tại Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội, “Đặc trưng văn hóa Khmer trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thời kỳ hội nhập và phát triển” tại tỉnh Hậu Giang, “Câu chuyện gia đình dân tộc Thái” tại tỉnh Lai Châu.

Các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề trong và ngoài đơn vị đều được gắn với các hoạt động giáo dục trải nghiệm làm cho các hiện vật trưng bày sinh động, hấp dẫn công chúng tham quan, đánh dấu bước đổi mới toàn diện trong hoạt động bảo tàng, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước, quốc tế đến với Bảo tàng. Chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả, hấp dẫn hơn bởi sự động và gắn kết truyền thống với cuộc sống đương đại. Công tác hướng dẫn khách tham quan đã thay đổi phương pháp, nội dung phù hợp với từng đối tượng khách tham quan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Kết nối, mở rộng các hoạt động bảo tàng ra ngoài biên giới, như tham gia trưng bày và khai trương Bảo tàng Dệt Châu Á tại Siem Riep – Campuchia. Thường xuyên trao đổi thư từ liên lạc với một số tổ chức quốc tế ICOM. Phối hợp với Trung tâm nghệ thuật Hàn Quốc tổ chức những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Thái Nguyên…

Các chương trình giao lưu, trình diễn văn hóa phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em như: múa xòe, múa sạp, Lăm Vông, Tắc Xình, múa Khơ Mú, cồng chiêng Mường, cồng chiêng Thái vùng Tây Bắc, múa chăm, Áp Sa Ra, đội nước, cồng chiêng Tây Nguyên, biểu diễn ngũ âm, múa Lăm tơi Khơmer vùng Nam bộ…phục vụ các đoàn khách tham quan Bảo tàng tạo nên sự sinh động trong việc tái hiện những nét văn hóa riêng của các dân Việt Nam.

Bằng những đổi mới trong các hoạt động phục vụ khách tham quan và làm tốt công tác xã hội hóa, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khảo sát, sưu tầm hiện vật văn hóa, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang làm tốt việc kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện tại bằng việc đẩy mạnh thực hiện các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề gắn với các hoạt động giáo dục trải nghiệm và trình diễn minh họa làm cho các tài liệu, hiện vật lịch sử có sức sống, sinh động, khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm thực tế…

Chương trình “Bước chân bộ đội Cụ Hồ” hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức (tháng 12 năm 2014)

Đây là bước khởi đầu cho một hướng đi mới, tạo thương hiệu riêng của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng như hoạt động bảo tàng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, bạn bè quốc tế đến văn hóa Việt Nam./.

Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần (thứ 2 nghỉ).