Hội nghị công chức, viên chức Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2014

Sáng ngày 6/1/2015, tại hội trường lớn Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã diễn ra hội nghị công chức, viên chức năm 2014

Về dự với hội nghị có đồng chí Hoàng Đức Hậu – Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Đỗ Hoàng Linh – Phó giáo đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch, đồng chí Lưu Công Sơn – Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên… Đến dự với hội nghị còn có đại biểu của Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc – Quân khu I, Công an tỉnh Thái Nguyên, Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên cùng các ban ngành, các đồng chí phóng viên Đài PTTH Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Cổng thông tin điên tử Thái Nguyên.

Năm 2014, kinh tế thế giới chưa ổn định, tình hình Biển Đông có nhiều biến động, kinh tế – xã hội trong nước còn nhiều khó khăn. Song được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác trưng bày, tuyên truyền văn hóa luôn được quan tâm và đẩy mạnh. Năm 2014, Bảo tàng Văn Hóa các dân tộc Việt Nam đón tiếp 183 nghìn lượt khách trong nước, quốc tế tham quan, Tổ chức 24 cuộc triển lãm trong đó 07 cuộc triển lãm lưu động với các chuyên đề “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu; “Chúng em với biển đảo quê hương” tại Trường THCS Nha Trang Thái Nguyên; “Văn hóa trong gia đình các dân tộc Việt Nam” tại Vân Hồ – Hà Nội, “Trang phục và nghề dệt truyền thống Việt Nam và ASEAN” tại Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội, “Đặc trưng văn hóa Khmer trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thời kỳ hội nhập và phát triển” tại tỉnh Hậu Giang, “Văn hóa Thái và câu chuyện gia đình” tại tỉnh Lai Châu… Các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề trong và ngoài đơn vị đều được gắn với các hoạt động giáo dục trải nghiệm làm cho các hiện vật trưng bày sinh động, hấp dẫn công chúng tham quan, đánh dấu bước đổi mới toàn diện trong hoạt động bảo tàng, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước, quốc tế đến với Bảo tàng. Chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả, hấp dẫn hơn bởi sự động và gắn kết truyền thống với cuộc sống đương đại. Công tác hướng dẫn khách tham quan đã thay đổi phương pháp, nội dung phù hợp với từng đối tượng khách tham quan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Kết nối, mở rộng các hoạt động bảo tàng ra ngoài biên giới, như tham gia trưng bày và khai trương Bảo tàng Dệt Châu Á tại Siem Riep – Campuchia. Thường xuyên trao đổi thư từ liên lạc với một số tổ chức quốc tế ICOM. Phối hợp với Trung tâm nghệ thuật Hàn Quốc tổ chức những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Thái Nguyên…

Đơn vị đã thực sự đổi mới trưng bày triển lãm gắn với các hoạt động chuyên đề “Phụ nữ xưa và nay”, “Điện Biên Phủ – 60 năm một bản hùng ca”… Đặc biệt là hoạt động “Đồng hành cùng bước chân Bộ đội Cụ Hồ” nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân với sự tham gia của Phòng Tuyên huấn, Cục chính trị Quân khu I và 24 đơn vị: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên; Bảo tàng Hậu Cần thuộc Tổng cục Hậu Cần; các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu I (Cục Hậu cần; Bộ tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên, các Lữ đoàn: Công binh 575, 382, 601, 210; Văn công quân khu I; Nhà văn hóa Quân khu); Trại giam Phú Sơn 4; Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Phòng giáo dục thành phố Thái Nguyên; Cựu chiến binh – CLB xe đạp phường Đồng Quang; CLB tôi yêu bảo tàng; các nghệ nhân CLB then, dệt (Cao Bằng, Bắc Kạn, Định Hóa, thành phố Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hòa Bình); Đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình; Trường Trung học cơ sở (Nha Trang, Chu Văn An); Trường tiểu học (Đội Cấn, 915); Tổng công ty Phát hành sách; sinh viên Trường đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc… đã góp phần vào thành công của hoạt động, có khoảng 20.000 lượt người tham quan, trải nghiệm, xem biểu diễn tái hiện những bước chân anh bộ đội cụ Hồ gắn với lịch sử hào hùng của QĐND Việt Nam, tại khuôn viên Bảo tàng.

Các chương trình giao lưu, trình diễn văn hóa phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em như: múa xòe, múa sạp, Lăm Vông, Tắc Xình, múa Khơ Mú, cồng chiêng Mường, cồng chiêng Thái vùng Tây Bắc, múa chăm, Áp Sa Ra, đội nước, cồng chiêng Tây Nguyên, biểu diễn ngũ âm, múa Lăm tơi Khơmer vùng Nam bộ… do các nghệ nhân, cán bộ Bảo tàng liên tục phục vụ các đoàn khách tham quan Bảo tàng tạo nên sự sinh động trong việc tái hiện những nét văn hóa riêng của các dân Việt Nam.

Ngoài công tác chuyên môn, Lãnh đạo Bảo tàng luôn chú trọng việc chăm lo đời sống cán bộ viên chức trong đơn vị, Tổ chức Công đoàn luôn thăm hỏi kịp động viên thời đến công nhân viên chức lao động. Thường xuyên tham gia ủng hộ các quỹ từ thiện “” Vì biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa”, “Tháng vì người nghèo”, ủng hộ các chiến sỹ và ngư dân bám biển… do Liên đoàn Lao động thành phố Thái Nguyên, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên phát động.

Trước những thành tích đạt được, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua xuất sắc. Bằng khen của UBND tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Lai Châu. Là cơ quan đạt chuẩn văn hóa năm 2014.

– Công đoàn đề nghị tặng Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên;

– 01 Giấy khen của Thành đoàn Thái Nguyên tặng cho Đoàn cơ sở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

– 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cá nhân.

– 06 kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc tặng cho cá nhân.

– Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tặng 26 Giấy khen,  Giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động văn hóa (Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…), hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng.

Danh hiệu thi đua

– 89,47% đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”

– 8,97% đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

– 61,90% tập thể phòng, tổ đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

* Công đoàn

– 36,14% đoàn viên công đoàn đạt danh hiệu “Đoàn viên tích cực xuất sắc”

– 63,86% đoàn viên công đoàn đạt danh hiệu “Đoàn viên tích cực”;

– 75% tập thể đạt danh hiệu “Tập thể vững mạnh xuất sắc”

– 25% tập thể đạt danh hiệu “Tập thể vững mạnh”.

– 84% chị em phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi”.

Năm 2015, Bảo tàng tiếp tục thực hiện đổi mới các hoạt động phục vụ khách tham quan và làm tốt công tác xã hội hóa, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khảo sát, sưu tầm hiện vật văn hóa, tiếp tục đẩy mạnh kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện tại bằng việc đẩy mạnh thực hiện các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề gắn với các hoạt động giáo dục trải nghiệm và trình diễn minh họa làm cho các tài liệu, hiện vật lịch sử có sức sống động, khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm thực tế… Đây là bước khởi đầu cho một hướng đi mới, tạo thương hiệu riêng của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng như hoạt động bảo tàng trên cả nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, bạn bè quốc tế đến văn hóa Việt Nam. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tham gia các phong trào thi đua do Bộ, tỉnh Thái nguyên và các khối thi đua phát động. Tiếp tục đổi mới, kết nối các hoạt động, triển khai và hoàn thiện các dự án để đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, hướng tới mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực và các nước trên thế giới.