Chợ quê ngày tết và nông lâm sản sạch tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam

 Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Vào những ngày cuối năm, các gia đình Việt lại háo hức sắm sửa chuẩn bị cho ba ngày Tết chính. 

Các thành viên trong gia đình lại tụ họp quây quần bên nhau sau một năm làm ăn vất vả. Từ thành thị đến nông thôn, không khí đón Tết của người Việt Nam tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Thế nhưng, chắc hẳn với những ai đã từng biết đến nếp sống của người nông thôn Việt Nam thì không thể quên những phiên chợ Tết nơi đây. Đó là một nét văn hóa của người nông dân.

Ngày nay, cùng với sự phát triển, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chợ quê dần nhường chỗ cho các siêu thị, trung tâm thương mại. Trước thách thức đó, việc tìm các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa nói chung, không gian văn hóa chợ nói riêng là vấn đề cần thiết. Để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông lâm sản sạch, theo tiêu chí là sạch từ “nông, trang trại đến bàn ăn” từ ngày  18/01/2014 Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam kết hợp với các nghệ nhân dân gian dân tộc đến từ  Cao Bằng, Thái Nguyên, Công ty TNHH Tân Đô (xã Tân Đô, Đồng Hỷ, Thái Nguyên), trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên,                                                     Công ty Cổ phần Truyền thông và tổ chức sự kiện DSC Thái Nguyên, các nghệ nhân hát văn, quan họ, TP Thái Nguyên tổ chức “Chợ quê ngày tết và nông lâm sản sạch” tại không gian vùng văn hóa ngoài trời, Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam.

Với mục tiêu là thu hút khách tham quan, để du khách có thể tham gia trải nghiệm văn hóa chợ truyền thống để hiểu thêm văn hóa chợ hôm nay và khuyến khích người nông dân và các cơ sở sản xuất luôn chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Chợ phiên văn hóa  sẽ mô phỏng lại các phiên chợ vùng núi cao phía Bắc, vùng thung lũng, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Trường Sơn Tây Nguyên, Nam Bộ và chợ hoa cây cảnh.

Với hơn 30 gian hàng, phục vụ các sản phẩm đặc trưng của dân tộc như:

Gian hàng bán các loại nấm tươi, trình diễn quy trình nuôi trồng, hướng dẫn cách chế biến các loại nấm của Công ty TNHH Tân Đô, Đồng Hỷ Thái Nguyên. Gian bán sản phẩm chè La Bằng, Trại Cài, Tân Cương, Tức Tranh của cơ sở kinh doanh Tuất Hà. Gian hàng khô có các sản phẩm: gạo bao thai, mật ong Định Hóa, gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, bánh đa nem; rượu men lá Võ Nhai, mật mía, đường phên (La Hiên), gừng, nghệ nếp (Cúc Đường), đỗ tương Núi lều (Tràng Xá), măng khô (nứa, mai), mộc nhĩ, nấm hương rừng, lạc, vừng, đậu… Các mặt hàng quà bánh dân tộc: Bánh khảo, bánh bỏng (khảu si), chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, lạp sườn… Lạng Sơn, Cao Bằng…Đậu phụ, thịt gà, trứng gà, vịt Bình Long… Lá dong, lạt giang… Các loại thuốc thảo dược quý như: tam thất, ý dĩ, cao ngựa, các vị thuốc hay của đồng bào dân tộc.

Trường đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên mang tới 6 gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm do chính những kỹ sư nông nghiệp tương lai làm ra như: trứng gà, thịt lợn, các loại rau củ quả sạch. Nông dân thành phố Thái Nguyên và các huyện trên địa bàn mang tới 10 gian hàng dành cho nông lâm sản sạch.

Chợ hoa – có lẽ đã trở thành niềm háo hức của mọi người mỗi khi tết đến xuân về. Một nhành mai mang nắng của phương nam, một cánh đào chào đón gió xuân về hay là những đóa cúc như những giọt nắng sớm … sẽ được bày bán tại phiên chợ tết tại Bảo tàng. Người ta đến chợ hoa không chỉ để mua hoa, ngắm hoa mà còn để cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang đến thật gần, tìm những phút giây thư thái trong tâm hồn, hi vọng về một mùa xuân đầm ấp, hạnh phúc và cùng nhau chào đón năm mới an khang, thịnh vượng.

Hoạt động trình diễn văn hóa chợ quê: Biểu diễn ca trù, hát trầu văn hát then, đàn tính, biểu diễn sáo ngang, sáo mèo, đàn bầu… (vào các ngày khai trương, và các ngày diễn ra chợ quê do các nghệ nhân dân tộc biểu diễn. Hát quan họ, nhảy dân vũ, các bài hát về tình yêu quê hương đất nước do các thành viên trong câu lạc bộ “Tôi yêu Bảo tàng” trình diễn. Bên cạnh đó còn múa cồng chiêng, ngũ âm, múa Tây Bắc.

Phiên chợ quê còn bày bán các sản phẩm thủ công của các vùng nghề nổi tiếng ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định, Cao Bằng như: các sản phẩm đúc, rèn, gò đồng, các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ, đồ gia dụng… Đến với hội chợ lần này, du khách còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, tự tay mình làm ra các sản phẩm thủ công đơn giản mang về tặng lại bạn bè, người thân trong gia đình như:  in tranh dân gian, viết câu đối, viết chữ thư pháp… hay tự nặn những con tò he đầy màu sắc dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cũng là một món quà đầy ý nghĩa cho các bé.