Trưng bày chuyên đề “Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”

Nhân kỉ niệm 63 năm ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1960-19/12/2023), thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2021-2025. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày ảnh và trải nghiệm chuyên đề: “Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”

Đến dự khai mạc có đ/c Trần Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch); đ/c Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, tỉnh Thái Nguyên; đ/c Ngô Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thái Nguyên; Đại biểu các cơ quan, ban ngành trong tỉnh: Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc; Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Nông Lâm; Trường Cao đẳng Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc; Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Thái Nguyên), Ban quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên,  Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch, … Sinh viên Lào, Campuchia, Đông Timor, Philippines đến từ các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cùng phóng viên, báo đài đến đưa tin.

Trưng bày ảnh chuyên đề “Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường” với gần 150 bức ảnh giới thiệu về nghề dệt vải, nghề thủ công đan lát cùng các hoạt động trải nghiệm: Vẽ Batic (Indonesia); in hoa văn trên vải bằng sáp ong  (Malaysia); thêu hoa văn trên vải; đan lát mũ rơm và làm các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày (Việt Nam)… Đây là những hoạt động thực tế, thiết thực nhất về truyên truyền, quảng bá ASEAN, giúp tăng cường sự hiểu biết của người dân và cộng đồng về bản sắc ASEAN.

Song hành cùng hoạt động trưng bày ảnh và trải nghiệm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thông qua khai trương ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động khu vực trong nhà và ngoài trời. Bà Tô Thị Thu Trang – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là bước đổi mới trong hoạt động của bảo tàng hiện nay khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển với sức ảnh hưởng mạnh mẽ toàn cầu. Phần mềm sẽ cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, tiên tiến, hiện đại và tiện dụng trong quá trình tìm hiểu và khám phá văn hóa các dân tộc trong lộ trình tham quan trong nhà và ngoài trời tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi khai mạc, đ/c Trần Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã nêu bật: Hoạt động này mang nhiều ý nghĩa, đề cao tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong quá trình sáng tạo, sản xuất nghề thủ công mỹ nghệ, và việc Bảo tàng vận hành ứng dụng thuyết minh số, đã cho thấy sự nỗ lực của Bảo tàng trong việc thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong việc cải thiện sự tham gia của công chúng tham quan, đây còn là nguồn lực hiệu quả để bảo vệ và lưu trữ các bộ sưu tập, mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng với Bảo tàng.

Một số hình ảnh tại buổi Khai mạc


Tiết mục văn nghệ chào mừng “Đất nước con người” do các bạn sinh viên Campuchia, trường Cao đẳng Thái Nguyên trình diễn.
Tiết mục văn nghệ chào mừng “Múa truyền thống Cali-cuku” do các bạn sinh viên Đông Timor, trường Đại học Nông Lâm trình diễn.
Đại biểu bấm nút khai trương Ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động khu vực trong nhà và ngoài trời Bảo tàng VHCDT Việt Nam.


Các bạn sinh viên Lào đến từ trường Đại học Thái Nguyên .tham gia trải nghiệm đan mũ rơm truyền thống dân tộc Kinh, tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam
Các bạn sinh viên Đông Timor đến từ trường Đại học Thái Nguyên tham gia trải nghiệm in Batic, vẽ hoa văn bằng sáp ong tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam.


Các bạn sinh viên Campuchia đến từ trường Đại học Thái Nguyên tham gia trải nghiệm thêu hoa văn trên vải tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam.

Bảo tàng VHCDT Việt Nam