Các hoạt động giáo dục gắn với trưng bày, trình diễn, trải nghiệm văn hóa dân tộc

“Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống các nước ASEAN lần thứ 4”

Nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế, trưng bày và trình diễn về nghề dêt truyền thống ASEAN lần thứ thứ 4 (từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 3 năm 2013) được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tiểu ban các hoạt động giáo dục đã xây dựng các chương trình.

 Hoạt động giáo dục được diễn ra từ chiều ngày 15/3 đến hết này 18/3/2013 với các địa điểm thực hiện theo tuyến tham quan từ cổng chính, khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày phía Tây sang khu trưng bày phía Đông và điểm kết thúc là tại sân Lễ hội.

– Vườn hoa phía trước, hai bên cổng chính và hành lang: Sau khi đi tham quan triển lãm từ trang phục gắn với thời kỳ hang động cho đến thời kỳ đương đại, tại đây, khách tham quan sẽ được trải nghiệm cách làm trang phục bằng vỏ cây, đun nước bằng vỏ cây, đánh lửa bằng bùi nhùi, kéo tơ, nhuộm, se lanh, thêu…

– Khu trưng bày vải sợi bông: khách tham quan sẽ được tìm hiểu về đồ vải truyền thống, cảm nhận sợi bông, cách phân biệt các loại bông tự nhiên và bông công nghiệp, cách cán-tách hạt bông theo phương pháp truyền thống, các mẫu vải dệt bằng sợi bông với các dạng hoa văn, tìm hiểu vải khô-ướt liên quan đến các lễ nghi trong chu kỳ đời người của người Tày-Nùng. Ngoài ra, khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm cùng với các nghệ nhân về hát quan làng trong đám cưới truyền thống của dân tộc Tày…..

– Khu vực đồi Chánh sứ và khu vực nhà dân tộc Mông, dân tộc Tày và dân tộc Nùng:

Trong quá trình tham quan dệt Lanh và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Mông, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn;  khách tham quan có thể tham gia các hoạt động tước lanh, se sợi, nối sợi, dệt lanh và dệt thổ cẩm….. Ngoài ra, ở khu vực nhà Mông, khách tham quan có thể tham gia các hoạt động: nấu thắng cố, ném pao, múa khèn, hát dân ca dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân dân tộc Mông và dân tộc Pà Thẻn.

Tại khu vực nhà sàn Tày: khách tham quan có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm về dệt truyền thống của dân tộc Tày và dân tộc Nùng, thi xay thóc, giã gạo – hát đối đáp và hò giã gạo Huế của dân tộc Kinh; thi nấu cơm niêu; trình diễn nghi lễ Lẩu then truyền thống của dân tộc Tày, múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái, hát Sli, Lượn; thi nấu cơm niêu, thi đánh yến, lày cỏ …

– Khu vực Hội trường lớn: Dệt thổ cẩm của dân tộc Tày, Nùng, Thái và Mường. Tại đây, khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động nhuộm vải nâu, se sợi, cuốn sợi và nhuộm màu truyền thống, tham gia thi dệt, thi tước lanh và quay sợi.

– Khu vực nhà Rông: Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Êđê, Mnông. Tại đây, khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động thi dệt và quay sợi, các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu sợi, se sợi và dệt của người Ê đê và Mnông.

– Khu vực Chùa Khơ Me và miệt vườn Nam Bộ: Dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm, dân tộc Khơ Me; Ngoài ra, khách tham quan có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như thi xách nước qua cầu khỉ; hát bả trạo, hò mái chèo, hát đối của dân tộc Kinh, thi đẩy gậy của dân tộc Kinh, thi dệt và quay sợi, tham gia dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm và Khơ Me dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân…

– Khu vực nhà người Việt: trình diễn múa rối nước truyền thống của dân tộc Kinh, trình diễn hát Trầu văn, hát chèo, hát quan họ; thi bắt trạch trong chum.

Các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trên đều gắn chặt chẽ với các hoạt động trưng bày, trình diễn văn hóa gắn nghề dệt, thêu, nhuộm từ truyền thống đến đương đại. Hoạt động giáo dục, trải nghiệm sẽ được tiến hành từ tham quan khu trưng bày → trải nghiệm hoạt động thực tế kết hợp với thi tìm hiểu kiến thức. Qua các hoạt động, khách tham quan  sẽ có được những trải nghiệm, kiến thức cơ bản về nghề dệt vải truyền thống của một số dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông, Mường, Kinh, Pà Thẻn, Chăm, Khơ me, Ê đê, M nông thông qua các hiện vật thực, không gian trưng bày về nguyên liệu dệt, khung dệt, các sản phẩm dệt, các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc.

Tất cả các hoạt động trình diễn và trải nghiệm trên do các cán bộ của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam kết hợp với Nghệ nhân dân gian các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Đắc Lắc, Hà Giang, Thái Nguyên; Công ty Cổ phần Thương mại Truyền thông và Đào tạo DPA, Khoa Văn Trường Đại học khoa học-Đại học Thái Nguyên; Khoa Bảo tàng, trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện.

Qua hoạt động giáo dục, trình diễn và trải nghiệm nói trên, Ban tổ chức của Hội thảo hi vọng các du khách quốc tế và trong nước đến tham quan sẽ được thưởng thức và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, cảm nhận về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.