Hoạt động “Cầu may, đoàn kết, xây dựng quê hương đất nước” phục vụ xuân Quý Tỵ năm 2013 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Trong dịp đầu Xuân Quý Tỵ – 2013, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ khách tham quan tất cả các ngày nghỉ tết. Đặc biệt trong 3 ngày, từ ngày 11- 13/2/2013 (tức ngày mồng 2 đến mồng 4 Tết âm lịch), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên – Ban trị sự chùa Phù Liễn, Trung tâm Văn hóa TT-TT thành phố Thái Nguyên, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cùng tổ chức các hoạt động “Cầu may, chung tay đoàn kết, xây dựng quê hương đất nước” tại khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Mở màn Chương trình là dàn trống hội cùng các bài múa Lân Sư do các nghệ sĩ, nhệ nhân đến từ Trung tâm Văn hóa TT-TT thành phố Thái Nguyên, với sức mạnh và âm vang trầm hùng, tiếng trống đại sẽ xua tan những nhọc nhằn, ảm đạm của một năm cũ, mở lòng đón nhận ánh  hào quang của mùa xuân năm mới.

Sức mạnh đoàn kết dân tộc, tôn giáo được chuyển tải qua nội dung văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian do Trung tâm văn hóa TT-TT thành phố Thái Nguyên với sự tham gia của 28 phường xã trên địa bàn thành phố đồng tổ chức thực hiện. Qua triển lãm “Cầu may hái lộc đầu năm”, với sự phối hợp giúp đỡ của Đại Đức Thích Nguyên Thành (Uỷ viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Trung Ương, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái nguyên – Chủ trì Chùa Phù Liễn) cùng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hy vọng sẽ đem đến cho khách tham quan những cảm nhận mới mẻ, thú vị; Tại đây du khách sẽ được thưởng thức, tìm hiểu văn hóa càu may, cầu tài, cầu lộc đầu xuân của các dân tộc ở khắp mọi miền tổ quốc. Thú vị hơn là phần trải nghiệm, mọi người sẽ tự tay dội nước thực hành  nghi thức tắm tượng Phật, lễ dội nước Linga – Yoni (tín ngưỡng phồn thực) dân tộc Chăm, du khách được hướng dẫn thực hành nghi lễ buộc chỉ cổ tay cầu an, cầu sức khỏe của người Thái, lễ xoa núm Bom gia bạk (một loại chiêng quý của các dân tộc Tây Nguyên), sách nước vào nhà, giữ lửa đầu năm, cùng với các tài liệu hình ảnh và câu chuyện về ứng xử giữa các cá nhân trong dòng họ, gia đình với ông bà, cha mẹ, con cháu, …. Điều quan trọng, sau mỗi không gian cầu may, có sự vươn tới của mỗi cộng đồng, cá nhân trong sự vươn lên để tu tâm, tích đức gắn với yêu đất nước, quê hương, làng xóm, cơ quan, dòng họ, gia đình, anh em, bè bạn và chính bản thân mình… bằng những hành động cụ thể. Chính tình yêu đất nước con người và thiên nhiên là sự cần hoàn thiện nhất trong mỗi con người nhân dịp năm mới. Các vật càu may như muối trắng, diêm, bật lửa, tranh tứ quý, các con giống, bỏng ngô, cây lộc, lì xì đầu năm, nặn tò he với 12 con giáp biểu trưng cho sự may mắn đầu năm trên nền tảng văn hóa dân gian Việt Nam sẽ đem đến cho du khách một niềm tin để vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các trò chơi tung còn, đánh yến, nhẩy dây, đi gậy cà kheo, kéo co, đi xe đạp thăng bằng đốt pháo sáng, bịt mắt đánh trống,  đánh cờ, du khách cũng không thể bỏ qua các vũ điệu sạp rộn rã nơi miền Tây Bắc, đi cầu khỉ, cầu cạn đặc trưng miền sông nước Nam Bộ, bắn nỏ, chọi gà, kéo co, đẩy gậy, võ thuật… của người vùng cao phía Bắc. Trong tiết trời đầu xuân ấm áp hòa quyện với không gian thoáng rộng, bằng phẳng, sạch sẽ, cùng các hoạt động văn hóa, thể thao của Trung tâm văn hóa TTTT, Ban trị sự chùa Phủ Liễn, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc cùng với 28 phường xã trong TP Thái Nguyên tổ chức sẽ giúp du khách khởi đầu một năm mới với tinh thần thoải mái, vui tươi lành mạnh, ấm áp tình người, tình yêu quê hương, đất nước.