Tìm hiểu cách tính lịch của người Mường

Với dân số gần 1,5 triệu người, dân tộc Mường với những phong tục, tập quán độc đáo đã góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nền văn hóa đó, không thể không nhắc đến cách tính lịch, tính thời gian của người Mường. Chính vì vậy, khi nhắc đến văn hóa Mường, người ta thường nghĩ ngay đến câu ngạn ngữ “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Lịch của người Mường được gọi là sách Đoi hay Khách Đoi, vì lấy sự vận hành của sao Đoi và mặt trăng để tính lịch và nội dung  tính lịch được khắc trên các thẻ tre nên còn được gọi là “Lịch tre”.

 Lịch “Đoi” là bộ lịch gồm có 12 thẻ tre, trên đó khắc những vạch kí hiệu ngày, tháng và các hiện tượng tự nhiên. Những ký hiệu này ở mỗi khu vực có những quy ước riêng và lịch tre gồm 3 phần chính: phần tháng vạch ở phần đầu thẻ tre, mỗi tháng có kí hiệu tương ứng; phần ngày được khắc các khắc nhỏ bên sườn của thẻ; trong lòng thẻ ghi các kí hiệu ngày diễn ra các hiện tượng tự nhiên như ngày mưa, gió, bão, ngày hao lỗ (tránh buôn bán), ngày cá đi (có thể đi đánh bắt cá)…Ngày được chia thành 16 giờ, mỗi giờ tương ứng 1,5 giờ dương lịch, và không được đếm bằng đồng hồ mà được tính theo các hiện tượng tự nhiên như gà gáy, mặt trời mọc, mặt trời lặn, giữa ngày, mọi vật đi ngủ…Người Mường tính ngày bắt đầu từ thời điểm trước bình minh (gà gáy) (2h-4h). Mỗi thẻ tre khắc 30 khắc tương ứng với 30 ngày trong một tháng, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm, chia làm 3 đoạn tương ứng với 3 tuần trong một tháng: Thượng tuần-tuần Cây, Trung tuần-tuần Luồng, Hạ tuần-tuần Cối. 10 ngày đầu trong tháng gọi là ngày cây 1, ngày cây 2…ngày cây 10; 10 ngày giữa tháng gọi là ngày Lôồng 1, ngày Lôồng 2…10 ngày cuối tháng gọi là ngày cối 1, ngày cối 2…

Dựa vào bảng cấu trúc lịch trên, người Mường tính được ngày lành, tháng tốt để làm những việc quan trọng như tổ chức lễ khai hạ đầu năm, làm nhà, làm đám cưới…đồng thời áp dụng cách tính vào trong hoạt động canh tác nông nghiệp và trong cuộc sống hàng ngày như đánh cá, đi săn, kinh doanh, buôn bán…Thượng tuần – mười ngày đầu, gọi là ngày cây, người Mường thường tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới, được vạch khắc cùng chiều với 10 ngày cuối tháng – hạ tuần. Trung tuần – mười ngày giữa tháng được vạch khắc ngược sống tre, khác chiều với ngày cây và ngày hết trăng, được người Mường gọi là ngày lôồng – ngày có trăng, nếu đẻ vào ngày này trẻ con sẽ thông minh, lanh lợi. Hạ tuần là những ngày hết trăng, người Mường thường không làm việc gì  trong những ngày này, vì làm sẽ bị thua lỗ hoặc công việc sẽ không được suôn sẻ.

Hiện nay, dù người Mường sử dụng bộ lịch chung do Nhà nước phát hành nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc của họ, là “Ngày lui, tháng tiến”, nghĩa là ngày của người Mường chậm hơn lịch âm 1 ngày, cụ thể, ngày mùng 1 lịch Mường tương ứng với ngày mồng 2 lịch âm. Còn tháng của người Mường lại đi trước tháng âm lịch. Tùy từng vùng mà cách tính tháng ở mỗi vùng có sự khác nhau. Đối với lịch Mường Bi, tháng Giêng của người Mường tương ứng với tháng 10 âm lịch, họ tính đầu năm bắt đầu từ tháng 4.

Ngoài ra, trong bài nghiên cứu “Lịch tre của người Mường” của tác giả Chu Văn Khánh trong cuốn Các công trình nghiên cứu của bảo tàng dân tộc học (Quyển II), để tính ngày tốt, xấu, ngày mùa vụ, người Mường còn sử dụng phép bắt chừ đốt– sử dụng 3 ngón tay của bàn tay trái (ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn) để lập sơ đồ tính. Họ chia chín đốt ngón tay thành 8 cung, mỗi đốt một cung, trừ đốt giữa của ngón giữa tạo thành sơ đồ hình vuông, cung 1 là đốt dưới của ngón giữa, cung 2 là đốt dưới của ngón trỏ, cung 3 là đốt giữa của ngón trỏ, cung 4 là đốt trên của ngón trỏ, cung 5 là đốt trên của ngón giữa, cung 6 là đốt trên của ngón nhẫn, cung 7 là đốt giữa của ngón nhẫn và cung 8 là đốt dưới của ngón nhẫn. Sau đó họ kết hợp các tính thời gian, không gian và một số yếu tố khác trong cuộc sống. Cách bắt chừ đốt dựa theo nguyên tắc cân đối giữa các cặp đơn, cặp đôi, cao-thấp, trong-ngoài, nam (dương)-nữ (âm). Việc luận giải cách tính và độ chính xác các hiện tượng qua phép bắt chừ đốt phụ thuộc vào trình độ của các thầy Mo mường. Có lúc cùng một sự việc nhưng mỗi thầy Mo có cách hiểu riêng.

Là một sản phẩm ra đời từ quá trình quan sát lâu dài các quy luật của tự nhiên, dù chưa phát triển thành một hệ lịch pháp chặt chẽ nhưng với cách tính độc đáo, lịch tre dân tộc Mường Hòa Bình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chính yếu tố theo dõi sự vận hành của Mặt trăng và kết hợp khéo léo giữa yếu tố thời tiết vào chu kì vận hành của sao Đoi đã tạo nên sự khác biệt của lịch Mường so với các loại lịch khác, trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người Mường.

Ảnh: Lịch “Đoi”- Lịch khắc trên thẻ tre của dân tộc Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đoàn Thanh Huế – Bảo tàng VHCDT Việt Nam