Gìn giữ văn hóa các dân tộc thiểu số: Sự đầu tư không bao giờ lỗ

Sự hiệu quả trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian qua thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chính sách trong ngành VHTTDL.

Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các dân tộc thiểu số rất ít người.

Gìn giữ văn hóa các dân tộc thiểu số: Sự đầu tư không bao giờ lỗ - Ảnh 1.

Những buổi tái hiện nghi lễ truyền thống của các dân tộc nhận được sự chú ý của nhiều du khách

Đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng chú ý trên nhiều mặt. Trong đó, các hoạt động thông tin về cơ sở; xây dựng và phát triển đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ dân gian, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số đều cho thấy những tín hiệu tích cực.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong 4 ngày từ 16/4 – 19/4, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại đây. Trong đó, vào những ngày cao điểm, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đón khoảng 8.000 người lượt khách.

Điều này cho thấy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, các hoạt động tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ Kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái, Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer… cũng có sự góp mặt của nhiều cá nhân trẻ tuổi, số lượng người tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng ngày một nhiều hơn.

Gìn giữ văn hóa các dân tộc thiểu số: Sự đầu tư không bao giờ lỗ - Ảnh 2.

Rất nhiều người trẻ tuổi đã tham gia vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Thanh Bình (20 tuổi), tham gia đoàn diễn tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer cho biết: “Việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thông dân tộc với tôi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bản thân tôi hiện đang sống tại đây và tham gia thường xuyên vào các buổi tái hiện những ngày lễ quan trọng của người Khmer”.

Chàng trai người Khmer chia sẻ, ý nghĩ về việc gìn giữ bản sắc dân tộc đối với những người trẻ được chính những thành viên trong gia đình như cha mẹ, các bác giáo dục ngay từ khi còn bé thông qua các câu truyện, lời dạy…

Ông Thặc Tha, tham gia tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer (Chùa Dơi, Sóc Trăng) cho biết: “Đến những ngày lễ này, thường tất cả đồng bào dân tộc Khmer đều nói chuyện với nhau từ lớp này qua lớp khác để nối truyền không thể để bị lãng quên được, năm nào cũng thế”.

Sự thống nhất trong công tác gìn giữ văn hóa đã giúp không ít những người trẻ hình thành mong muốn phát triển hơn văn hóa dân tộc, đồng thời mong muốn các thế hệ kế tiếp sẽ không để mai một những giá trị quý báu này.

“Hiện tôi chưa lập gia đình, nhưng sau này khi lập gia đình và có con, tôi cũng muốn con mình sống ở đây, giữ gìn, phát triển bản sắc dân tộc” – Thanh Bình (20 tuổi, người Khmer) nói.

Đầu tư vào Văn hóa không lỗ

Sự hiệu quả trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian qua thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chính sách trong ngành VHTTDL. Tùy vào đặc điểm mỗi vùng, mỗi dân tộc, các các Sở VHTT, Sở VHTTDL và các phòng ban có liên quan đã có những cách làm riêng, thể hiện sự linh hoạt để đạt được mục tiêu cao nhất.

Ông Nguyễn Huy Dũng,Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ea H’Leo tỉnh Đắk Lắk, phụ trách màn biểu diễn tái hiện Nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai cho biết: “Muốn làm hiệu quả được vấn đề này phải gắng đi sâu với đời sống đồng bào, phải gắn với đời sống của người dân và đạt hiệu quả phát triển kinh tế xã hội. Cho nên khi chúng tôi xuống làm việc với đồng bào, chúng tôi nói rằng, hãy cùng làm, cùng với các cơ quan nhà nước để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc và dùng chính nét văn hóa đó để tăng thêm đời sống thu nhập đồng thời là cơ sở bền vững bảo tồn nét văn hóa dân tộc”.

Gìn giữ văn hóa các dân tộc thiểu số: Sự đầu tư không bao giờ lỗ - Ảnh 3.

Sự hiệu quả trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian qua thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chính sách trong ngành VHTTDL

Điều này đã tạo ra thuận lợi lớn khi nhận được sự đồng lòng từ đồng bào các dân tộc thiểu số. Đoàn diễn tỉnh Gia Rai với đội ngũ thành viên tương đối trẻ, là những người có đam mê về bảo tồn văn hóa đã tạo ra nhiều tiết mục đặc sắc và giành được nhiều giải thường lớn.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, để đạt được hiệu quả cao trong việc bảo tồn, phát huy các truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số, cần có sự phối hợp chặt chẽ, định hướng rõ ràng từ Trung ương, địa phương và đồng bào các dân tộc.

Ở thời điểm hiện tại, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea H’Leo tỉnh Đắk Lắk đã cùng đồng bào các dân tộc thiểu số tiến hành xây dựng các tiết mục đặc sắc, phục dựng từng phần văn hóa từ trang phục, lễ hội đến nhà cửa…

Ông Dũng cho rằng, phục dựng là điều cần thiết phải làm, mỗi đơn vị hàng năm nên làm 2,3 lần với 2,3 dân tộc và lưu lại làm tư liệu cho các thế hệ kế tiếp. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư hợp lý, giúp cho đồng bào người dân tộc thiểu số thấy được lợi ích thiết thực trong công tác bảo tồn. Từ đó, phát huy được hiệu quả cao nhất.

“Nói ví dụ như hiện nay bà con đang đến vụ mùa, người ta bỏ khoảng 1,2 tháng tập rồi lại ra đây biểu diễn. Hồi giờ người ta muốn đi lắm, nhưng đi 1,2 lần thì lại không muốn đi, rõ ràng phải có hiệu quả, phải mang lại lợi ích thiết thực thì mới có hiệu quả cao được. Đắk Lắk đã làm rồi nhưng tôi cho rằng phải làm thêm và cần phải có sự đồng lòng từ nhiều cấp vì đầu tư văn hóa là không thiệt nhưng để nhìn trước mắt thì chưa thấy, phải có một thời gian dài để giải quyết được vấn đề” – ông Dũng cho hay./.

Bạch Dương