Đèn dầu là quá trình phát triển của các loại đèn từ xa xưa trong lịch sử. Thời nguyên thủy, con người tìm thấy lửa, ánh sáng đã trở thành nguồn năng lượng sống vô tận cho con người. Ban đầu là những đống củi, bó đuốc làm đèn, giúp con người vượt qua đêm đen. Về sau, người ta biết lấy nhựa cây, dầu trẩu tẩm vào sợi bông để khêu đèn thắp sáng.
Thời kỳ phong kiến Việt Nam, chỉ có nam sinh mới được học chữ Hán Nôm. Họ khêu đèn, mài mực, viết chữ trên mai rùa, thẻ tre. Ngọn đèn cùng với sự hiếu học, giúp các sỹ tử lều chõng vượt qua kỳ thi hương, thi hội, thi đình, để làm nên bảng vàng, góp công xây dựng đất nước. Ngọn đèn đi cùng với các nhà lãnh đạo tài ba, chí sỹ yêu nước đã viết nên những bản anh hùng ca bất hủ như bản tuyên ngôn độc lập, động viên quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược nhà Tống trên sông Như Nguyệt (năm 1077); bài Hịch tướng sỹ kích động lòng yêu nước toàn dân tộc, đặc biệt là các tướng sỹ nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông giành lại độc lập dân tộc.
Đến đầu thế kỷ XX, đèn dầu xuất hiện thay thế cho các loại đèn cầy, đèn bằng nhựa cây và nến. Những năm 80, 90 đèn dầu phổ biến trong đời sống sinh hoạt, không chỉ sử dụng thắp sáng mà còn trở thành một vật dụng thiết yếu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong bóng tối, chiếc đèn dầu chiếu sáng giúp trẻ em học bài, giúp mẹ xay thóc, giã gạo, dệt vải đêm khuya. Mùa vụ đến, đèn dầu cùng nhà nông dập thóc đến nửa đêm. Chiếc đèn đưa đường cho dân chài ra khơi đánh bắt tôm, cá, câu mực… Chiếc đèn cùng với người lái đò trên thuyền đuôi én, thuyền độc mộc, ghe tắc răng, bè mảng qua sông, theo tiếng gà gáy xuôi dòng vận chuyển, đi lại trên sông nước, kênh rạch ở mọi miền đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây đèn dầu sử dụng làm ám hiệu bảo vệ bí mật cách mạng. Đèn dầu song hành với người nông dân áo vải, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác hồ tham gia lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Đèn dầu gắn với mỗi đứa trẻ khi sinh ra, rụng rốn, cuống rốn khô được buộc lên ngọn đèn dầu với mong ước đứa trẻ sau này lớn lên sẽ thông minh, học giỏi, luôn sáng láng như ánh đèn. Ngoài giá trị hiện thực, đèn dầu còn mang đậm yếu tố tâm linh, dùng để thắp sáng trên bàn thờ tổ tiên, hoặc đình chùa để lấy lửa thắp hương trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp, cưới xin, tang ma làm ấm thêm không gian sinh sống và thờ tự. Người Việt có câu: “Sống đèn dầu, chết kèn trống”, để thấy được sự gắn bó, tầm quan trọng của cây đèn với cuộc sống con người.
Từ những năm 50 thế kỷ XX, Việt Nam bắt đầu xuất hiện bóng đèn ở các đô thị lớn và các công sở, cơ sở sản xuất của chính quyền thực dân. Nhân dân ta chỉ được tiếp cận ánh sáng điện tử những năm 70 của thế kỷ XX.
Cùng với đèn điện, khoa học công nghệ phát triển, học sinh không phải nằm bò viết chữ dưới ngọn đèn dầu, bút bi, giấy trắng đã thay thế cho chiếc bút viết chấm mực thời bao cấp, các em có cơ hội tiếp cận với nhiều luồng văn hóa và tri thưc. Bóng đèn sợi đốt thay thế bằng đèn led, đèn cảm ứng, đèn năng lượng mặt trời, kèm theo đó là máy tính, điện thoại thông minh và các tiện ích khác như Internet, Facebook, Twister, Intergram, con chữ ngày càng đa chiều, giúp học sinh học tập, sáng tạo. Từng bước tiến tới nền tri thức mới, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, di sản văn hóa được tích hợp trên nền tảng số.
Với trên 100 tài liệu hiện vật thể khối và tài liệu khoa học phụ được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Kỉ vật – kí ức thời gian: Đèn dầu và con chữ”. Đây là dịp để công chúng hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống và văn hóa của các thế hệ đi trước, về những câu chuyện đèn dầu gắn với tuổi thơ của mỗi cá nhân trong các gia đình Việt Nam. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, vun đắp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân ta một thời gian khó khăn gian khổ.
Triển lãm mở cửa đón khách từ ngày 27/10/2021 đến hết tháng 11 năm 2021.
Một số hình ảnh về triển lãm chuyên đề “Kỉ vật – kí ức thời gian: Đèn dầu và con chữ” tại Bảo tàng
Một số hình ảnh về hoạt động trải nghiệm gắn với triển lãm chuyên đề “Kỉ vật – kí ức thời gian: Đèn dầu và con chữ” tại Bảo tàng
Minh Hằng