Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khai mạc trưng bày, trải nghiệm chủ đề “Mảnh ghép thời gian”, Chương trình Hội thảo “Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc”

Ngày 17/12/2020, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (19/12/1960 – 19/12/2020), khai mạc hoạt động trưng bày, trải nghiệm chủ đề “Mảnh ghép thời gian”, tham dự Chương trình Hội thảo chủ đề “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc”.

Về dự lễ kỷ niệm và cắt băng khai mạc trưng bày có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng. Đại diện lãnh đạo UBND TP Thái Nguyên, ban Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên, Cục di sản Văn hóa (VHTTDL), Đại diện lãnh đạo các Bảo tàng, lãnh đạo QK I, các trường học trên địa bàn cùng các đơn vị truyền thông…

Lễ kỷ niệm đã ôn lại lịch sử qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ tiền thân là Bảo tàng Việt Bắc – bảo tàng khảo cứu địa phương với những trưng bày đầu tiên về Lịch sử cách mạng các dân tộc trên Chiến khu Việt Bắc,  đến khi được đổi tên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng lịch sử đi sâu vào chuyên ngành dân tộc học với quy mô toàn quốc, một trong số các Bảo tàng quốc gia của Việt Nam.

 Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị của mình, thực hiện sứ mệnh giáo dục truyền thống cách mạng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Là điểm đến văn hóa của các cộng đồng dân tộc 6 tỉnh vùng Việt Bắc Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà nói riêng và của cộng đồng 54 dân tộc nói chung.

Các cán bộ Bảo tàng đã kiên trì, miệt mài đi đến từng vùng của đất nước, trải dài từ đỉnh Đồng Văn đến mũi Cà Mau, nghiên cứu, sưu tầm, đưa về bảo quản, lưu giữ, trưng bày trên ngàn tài liệu, hiện vật về di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tiến hành hơn 54 đợt nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm ở cả trong nước, quốc tế, bổ sung cho kho cơ sở của Bảo tàng 13.873 tài liệu hiện vật về đời sống văn hóa 32 tộc người ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nâng tổng số tài liệu hiện vật bảo tàng từ 38.945 lên hơn 52.818 đơn vị.

Hoàn thiện về công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản. Bảo tàng cũng hoàn thiện hệ thống cảnh quan, hệ thống trưng bày trong nhà, ngoài trời, đổi mới phương thức hoạt động, phục vụ tốt công chúng tham quan và nhân dân. Từ năm 2000 đến năm 2020, các hoạt động trưng bày, giáo dục trong nhà, ngoài trời của Bảo tàng đã phục vụ gần 5.000.000 lượt công chúng tham quan và trải nghiệm, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc bảo tồn, phát vốn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.

Bảo tàng đã kết nối được hơn 1.000 đơn vị tổ chức, cá nhân và công chúng cùng chung sức bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc; thường xuyên chỉnh lý, đổi mới hoạt động từ một điểm trưng bày mang tính tĩnh sang động, từ nơi hiện vật chỉ có thể nhìn nay chuyển sang mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, có tâm hồn, có sự sống riêng gắn với từng đối tượng nông dân, thợ thủ công, bộ đội, công an, học sinh… gắn truyền thống với cuộc sống đương đại; ứng dụng kỹ thuật số để hoàn thiện hệ thống trưng bày, nhằm đáp ứng nhu cầu xem, nghe, nhìn và trải nghiệm của công chúng.

Đơn vị thường xuyên tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại, hợp tác trao đổi nghiệp vụ với các bảo tàng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế, thiết thực nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc Việt Nam, ASEAN. Nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa và thẩm thấu đến người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Công tác xây dựng cơ quan, Chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng đoàn kết, vững mạnh luôn được quan tâm, chú trọng.

Vị thế của Bảo tàng thay đổi qua từng thời kỳ xây dựng và phát triển, để ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bảo tàng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL giao phó, phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong cuộc sống đương đại.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước đang bước sang một giai đoạn mới với những mục tiêu, yêu cầu cao hơn; tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức trong quá trình hội nhập, phát triển, trong bối cảnh đó, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và hoạt động của Bảo tàng nói riêng giữ vai trò rất quan trọng. “Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu, sưu tầm, đa dạng hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, chú trọng đầu tư nghiên cứu để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân…”.

Bên cạnh chương trình kỷ niệm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã khai mạc hoạt động trưng bày, trải nghiệm mang chủ đề: “Mảnh ghép thời gian”. Đây là hoạt động dành cho đông đảo du khách đặc biệt là những người trẻ, học sinh, sinh viên tham quan, trải nghiệm, với 6 cụm trưng bày, 1.000 ảnh tư liệu và 25 hoạt động trải nghiệm văn hóa, đời sống lịch sử các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hình thức trải nghiệm này một lần nữa mang đến nhiều ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ.

Chương trình Hội thảo chủ đề “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc”, với tham luận về các nội dung như: Hoạt động giáo dục trải nghiệm – kết nối các trường học trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam; hoạt động học mà chơi, chơi mà học ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đồng hành cùng lực lượng vũ trang thực hiện tuyên truyền, giáo dục quốc phòng toàn dân…

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là cơ sở để Bảo tàng tiếp tục đa dạng hóa hoạt động, triển khai nhiều hơn nữa các chương trình giáo dục phù hợp với các lứa tuổi để Bảo tàng luôn là điểm đến hấp dẫn với công chúng, là trường học thứ 02 cũng như sân chơi văn hóa ý nghĩa cho các thế hệ học sinh, sinh viên./.

Các hình ảnh nổi bật tại lễ kỷ niệm:


Ảnh 1: Đoàn đại biểu về tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1960 – 19/12/2020)
Ảnh 2: Đồng chí Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1960 – 19/12/2020)
Ảnh 3: Đoàn đại biểu cắt băng khai mạc Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1960 – 19/12/2020), khai mạc hoạt động trưng bày, trải nghiệm chủ đề “Mảnh ghép thời gian”, tham dự Chương trình Hội thảo chủ đề “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc”.
Ảnh 4: Đoàn đại biểu làm lễ chào cờ, tham dự Chương trình Hội thảo chủ đề “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc”.
Ảnh 4.1, 4.2, 4.3: Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1960 – 19/12/2020), khai mạc hoạt động trưng bày, trải nghiệm chủ đề “Mảnh ghép thời gian”, tham dự Chương trình Hội thảo chủ đề “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc”.
Ảnh 5: Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bảo tàng.


Ảnh 6: Ban lãnh đạo Bảo tàng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lão thành, đã cống hiến tuổi trẻ, thanh xuân cho sự nghiệp phát triển Bảo tàng qua các thời kỳ.