Đuốc lửa trong tín ngưỡng dân tộc Tày

Đuốc lửa có vị trí khá quan trọng trong đời thực cũng như trong đời sống tâm linh của người Tày. Đuốc được làm từ cây họ tre (vầu, tre, nứa…) dài khoảng hơn 1 mét. Một đầu và cả nguyên đoạn cây đó để làm tay cầm, còn một đoạn ngắn khoảng 1 đến 2 gang tay được đùng để bó làm ngọn đuốc, có cho thêm những chất dễ cháy và giữ lửa lâu, được lấy từ tự nhiên.

Ngày xưa khi chưa có điện và đèn dầu, để đi lại về đêm, cần có ánh sáng soi đường, thì đuốc chính là một chiếc đèn pin của con người. Một vật dụng không thể thiếu cho người hay đi đêm đường xa, mà lại là ở vùng rừng núi. Mỗi nhà đều phải có một bó đuốc sẵn, đuốc lựa chọn cho cuộc sống sinh hoạt thì không phải lựa chọn cầu kỳ, cứ khô cháy là được, chủ yếu đồng bào dùng đuốc là cây vầu, nứa, tre, trúc.

Ban ngày người Tày làm nương rẫy, còn ban đêm họ có thể đi săn bắt những loài dễ săn bắt về đêm, như soi cá, soi chim, đốt ong, để cải thiện cuộc sống. Trời tối, nhà có việc về đêm, đi chơi thăm người thân, bạn bè, nhà có người ốm đau phải đi tìm thầy lang quanh vùng, đều phải cần đến ngọn đuốc sáng. Khi đi nhiều người trong rừng hay trên nương rẫy về đêm mà bị lạc nhau, mọi người đốt đuốc để tìm ra nhau hoặc dễ nhận ra nhau. Đuốc cũng làm nhiệm vụ phát tín hiệu dẫn đường khi có đoàn đông đi trong đêm. Khi đó, người đi đầu hay trưởng đoàn sẽ cầm đuốc để mọi người cùng đi theo hướng đó.

Đuốc còn được dân bản dùng để xua đuổi chộm cướp hay kẻ ác đến đe dọa đến sự bình yên của bản làng. Khi có thú dữ đến quấy phá người và bắt vật nuôi, ngọn đuốc lửa cũng có tác dụng xua đuổi và làm cho chúng không dám quay lại.

Ngoài giá trị đời thường, đuốc lửa còn có giá trị tinh thần và vị trí tâm linh quan trọng:

          Đuốc lửa với việc vào nhà mới

Khi nhà sàn mới được hoàn thiện và bếp lửa trong nhà đã hoàn thiện thì tục đưa lửa vào nhà là yếu tố quan trọng vừa mang yếu tố tâm linh, vừa mang yếu tố văn hóa sinh hoạt thường ngày, bởi nó quyết định sự sống của cả ngôi nhà. Theo quan niệm của người Tày thì mọi thứ đều có linh hồn. Việc đưa lửa vào nhà như là việc rước một vị thần vào trong nhà để đem lại sự an yên xua đuổi tà ma, không cho tà ma trú ngụ. Lửa được rước vào nhà thì gia chủ cũng nấu luôn một bữa cơm đầu tiên để dâng cúng tổ tiên. Cũng từ bếp lửa này người Tày cũng châm hương để lên hương trên bàn thờ, thỉnh các cụ tổ tiên, các thần các thánh về nhà từ ban thờ trong nhà ra đến ngoài thổ công, như là một sự đánh dấu ngôi nhà đã có chủ quyền âm.

Người được chọn đưa lửa vào nhà thường là thầy tâm linh hoặc chủ nhà nhưng cũng có gia đình cẩn thận thì đi tìm những người cao tuổi trong làng con cháu đề huề, đủ gái trai, an gia tài lộc, với quan niệm là đem điều tốt theo thần lửa vào nhà. Khi đuốc được đưa vào nhà thì ở bếp cũng đã chất đủ ba loại củi củi gộc, củi nhỡ, đuốc nòm để lửa bén tránh bị tắt giữa chừng vì đuốc đưa vào nhà mà bị tắt giữa chừng là xui xẻo ở đấy có tà ma quấy quả.

Chọn làm đuốc phải chọn nơi sạch sẽ không chọn cây đuốc (vầu, mai, tre, nứa) ở nơi ô tạp, không chọn đuốc cụt ngọn, không chọn đuốc ở chuồng nuôi con vật. Bó đuốc chọn xong bó lại dựng ở nơi thông thoáng ít người qua lại, cấm kỵ không được bước qua đuốc.

Người được chọn đưa lửa vào nhà sẽ lấy lửa ngoài trời châm đuốc rồi đưa lửa vào nhà, xin trời đất, xin thần linh ba mường chứng cho ngọn lửa đưa vào nhà mới được tốt, được an lành. Khi đuốc lửa đã được rước vào nhà thì trong nhà không được to tiếng cãi nhau, không đánh mắng con trẻ chỉ nói cười vui vẻ, nói điều tốt.

Khi nổi lửa thì 3 năm đầu không để tắt lửa, không đun nấu thì ủ than lại. Từ năm thứ ba trở đi, trong nhà có người già trẻ em thì phải giữ lửa để chấn tà. Nếu không dùng đến lửa thì lúc nào cũng phải có ống đóm, bao diêm bật lửa cạnh bếp một hình thức giữ lửa để sử dụng lửa bất kể là lúc nào.

  Đuốc lửa trong ngày Tết Nguyên đán

Trong các gia đình người Tày luôn có thủ tục đuốc lửa trong ngày tết của năm mới. Giữa giờ ngọ (12 giờ trưa) chuyển giao thời khắc năm cũ sang năm mới, người Tày thường ra đình hoặc ra ngoài đốt một đống lửa rồi gia chủ ra ngoài xin ba mường trời đất rước lửa vào nhà với mong muốn là đem may mắn sự sống, màu đỏ, năng lượng khởi đầu cho sự no đủ.

 Đuốc lửa trong tang ma

Người Tày có tập tục địa táng đào sâu chôn chặt, nên sau khi thầy cúng đã làm xong các thủ tục, để chuẩn bị đưa người chết ra huyệt, gia chủ hay người đến giúp việc phải chuẩn bị một bó đuốc để đốt khi đi. Bó đuốc phải chọn khô, thẳng, dài đảm bảo đủ đoạn đường từ nhà ra huyệt không bị tắt. Người cầm đuốc không cần chọn kỹ, mà thường là người trung tuổi. Người cầm bó đuốc trong tang ma này là để dẫn đường cho người chết, nên trong đoàn đưa tiễn linh cữu người cầm đuốc lúc nào cũng phải đi đầu tiên, sau đó mới đến linh sa (kiệu vong), linh cữu, giàn trống kèn, con cháu và đoàn đưa tiễn. Khi hạ huyệt cũng là lúc thầy cúng, thầy phù thủy làm thủ tục yểm bùa chữ vào bó đuốc đây là thủ tục cấp lửa cho vong người chết ngoài phần mộ sau đó hóa cùng nhà táng.

Với cuộc sống hiện đại, và những chiếc đền pin rẻ tiền với đa chủng loại, lại rất sáng, tiện lợi, hầu như không còn ai sử dụng đuốc để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống như thắp sáng hay làm tín hiệu. Tuy nhiên ngọn đuốc lửa vẫn có giá trị tinh thần với niềm tin tín ngưỡng tâm linh vốn  có của người Tày. Người Tày vẫn đốt đuốc xin lửa khi vào nhà mới và vẫn đốt đuốc lửa khi đưa tiễn người đã khuất đi địa táng. Vào dịp năm mới, hầu hết các gia đình vẫn đốt đuốc đón lửa vào nhà để cầu mong sự may mắn ấm no.

Lý Chiên