Thăm quan Nhà mồ, nghĩ đến Hội Pơ-thi của dân tộc Bana

Đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, du khách khó có thể quên được công trình trưng bày Nhà mồ của dân tộc Ba Na (nằm trong không gian trưng bày vùng Trường Sơn – Tây Nguyên). Đối với người Ba Na, nhà mồ là một mã văn hóa quan trọng gắn liền với quan niệm nhân sinh cũng như nghi lễ tâm linh của dân tộc (Hội Pơ – thi).

Anh 1. Nhà mồ của dân tộc Ba Na tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Theo quan niệm của người Ba Na, trong mỗi con người tồn tại phần linh hồn và thể xác. Khi một người chết thì chỉ phần thể xác của họ bị mất đi, phần linh hồn của họ vẫn tồn tại, sống quẩn quanh nhà mồ. Với quan niệm như thế nên trong gia đình có người mất, trước mỗi bữa cơm, người nhà sẽ mang cơm, thức ăn, hoa quả đặt vào nhà mồ mời người đã khuất. Mỗi tháng họ cũng phải đến nhà mồ uống rượu cùng linh hồn của người quá cố.

Trung bình thời gian giữ nhà mồ của người Ba Na là 03 năm, có khi kéo dài đến 7 năm và tối đa là 10 năm. Ngày nay, thời gian giữ nhà mồ có ngắn hơn. Người Ba Na có thể tính thời gian giữ nhà mồ bằng cách trồng bên cạnh nhà mồ một cây ăn quả (cây đu đủ…) và khi nào cây ra quả thì có thể tiến hành lễ bỏ nhà mồ. Trong suốt khoảng thời gian giữ nhà mồ, gia đình người đã khuất thường phải tốn kém rất nhiều của cải, gia súc, thóc gạo để tổ chức lễ thăm viếng. Những người chịu tang cũng không được tham dự những cuộc vui chơi cộng đồng. Suốt thời gian này, người vợ/ chồng của người đã khuất cũng không được tái giá. Vi phạm điều cấm kỵ này, vợ/ chồng của người đã khuất sẽ phải trả một phần tài sản chung của hai vợ chồng cho gia đình của người quá cố đồng thời phải tự mình làm lễ pơ – thi cho người đã chết.

Để bỏ nhà mồ, gia đình người đã khuất phải tổ chức hội Pơ – thi. Người Ba Na quan niệm chỉ sau khi hội Pơ – thi được tiến hành thì hồn của người đã khuất mới sang thế giới khác để làm ăn, sinh sống. Có như vậy thì hồn mới không còn vương vấn, quấy rầy những người còn sống trên trần gian. Và chỉ sau khi tiến hành hội Pơ – thi thì vợ/ chồng của người quá cố mới được quyền tái giá.

Là một nghi lễ quan trọng trong vòng đời, hội Pơ – thi trước đây thường được tổ chức rất công phu và kéo dài trong 7 ngày. Ngày nay, hội Pơ – thi chỉ tổ chức trong 4 ngày: Ngày vào hội (mút) – ngày vỡ hội (powchanh) – ngày rửa nồi (sách gó) – ngày giải phóng cho người góa bụa (klei kơn lai).

Công tác chuẩn bị cho hội Pơ – thi được tiến hành trước ngày lễ chính khoảng 1 tháng. Gia đình người quá cố cùng với sự giúp đỡ của buôn làng sẽ đốn những cây to làm hàng rào xung quanh nhà mồ, đẽo các tượng dựng quanh nhà mồ và làm mái cho nhà mồ. Bên cạnh công tác làm nhà mồ, gia chủ còn phải chuẩn bị đủ gạo nếp, gạo tẻ để làm cơm lam; chuẩn bị trâu, bò, lợn, rượu cần đủ ăn uống cho cả buôn làng trong 4 ngày hội.

Hội Pơ thi thường tiến hành vào mùa khô, khi mùa màng đã thu hoạch xong (khoảng từ tháng 12 dương lịch đến tháng 4 năm sau). Đây là lễ hội đậm chất văn hóa Tây nguyên, lớn nhất, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn của dân tộc Bana. Bởi vậy, trong vòng đời của mỗi người, Pơ – thi là lễ hội đông vui nhất nhằm tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi sau một thời gian còn quấn quít, ràng buộc giữa người sống với người chết. Kể từ sau hội Pơ – thi, người đã chết sẽ được tái sinh ở một thế giới mới còn người còn sống thì được tự do tái giá.

Hà Vũ