Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục học sinh – sinh viên tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Là một trong 7 bảo tàng Quốc gia Việt Nam, ngoài chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn có nhiệm vụ giáo dục và phát huy giá trị sưu tập, hiện vật về di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Để thực hiện chức năng nhiệm vụ đó, trong những năm gần đây, Bảo tàng đã đa dạng hóa các hoạt động giáo dục hướng đến nhiều đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục cho các đối tượng học sinh – sinh viên.

Ảnh 1. Trưng bày chuyên đề “45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam

Học sinh, sinh viên là lứa tuổi đang diễn ra mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện của ý thức và nhân cách. Đây cũng là độ tuổi ham hiểu biết và khao khát được mở rộng khám phá những chân trời tri thức mới. Bởi vậy, ở độ tuổi này, học sinh và sinh viên cần được bồi dưỡng, giáo dục ý thức để hình thành thái độ chủ động, tinh thần tự ý thức, khơi dậy tình yêu, sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ảnh 2. Không khí Lễ hội Thơ Nguyên tiêu 2019

Để phát triển hoạt động giáo dục học sinh – sinh viên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn mở cửa chào đón đoàn học sinh và sinh viên đến thăm quan Bảo tàng với giá vé ưu đãi (với các đối tượng khác mức phí là 30.000 VNĐ nhưng đối với học sinh và sinh viên thì tùy từng độ tuổi, mức vé vào thăm quan Bảo tàng chỉ từ 10.000VNĐ đến 20.000VNĐ).  Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động trưng bày với 05 phòng trưng bày trong nhà và 06 không gian văn hóa trưng bày ngoài trời, Bảo tàng còn phát triển các hoạt động trưng bày theo chủ đề nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh – sinh viên như trưng bày chủ đề Mảnh ghép thời gian nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày chuyên đề Đảng là niềm tin tất thắng; trưng bày “Gia đình trong truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam”; “45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”; “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam”…).

Bên cạnh công tác trưng bày, Bảo tàng cũng đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác thuyết minh gắn liền với đối tượng giáo dục cụ thể. Với học sinh và sinh viên, người hướng dẫn thăm quan luôn có ý thức gắn công tác thuyết minh hiện vật với chương trình học tập của người học trong nhà trường (lồng ghép những câu văn, thơ, tục ngữ, ca dao phù hợp với chương trình học tập của nhóm đối tượng, gắn hiện vật với bối cảnh văn hóa lịch sử và đặc trưng văn hóa vùng miền để nâng cao hiệu quả giáo dục, thu hút đối tượng tham gia).

Bên cạnh công tác trưng bày và thuyết minh, Bảo tàng cũng tăng cường các hoạt động triển lãm và trải nghiệm theo chủ đề nhằm thu hút đối tượng học sinh và sinh viên tham gia. Đối với các hoạt động triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng, ngoài không gian trưng bày còn có sự kết hợp với các phần thi tìm hiểu kiến thức gắn liền với nội dung trưng bày triển lãm và thi thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa. Một số hoạt động triển lãm và trải nghiệm có thể kể đến như: tuần triển lãm văn hóa “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam”; triển lãm Giấy, xưa và nay; hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ…

Ảnh 3. Tiết mục trình diễn thơ do giảng viên Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học thể hiện

Ảnh 4. Sinh viên Khoa Văn – Xã hội tham gia trải nghiệm văn hóa Tày tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Việt Nam

Bảo tàng cũng là nơi diễn ra các lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên. Đã thành thông lệ, hàng năm, Bảo tàng luôn phối hợp với Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên và các trường THPT, đại học trên địa bàn tổ chức lễ hội thơ nguyên tiêu với sự tham gia của đông đảo học sinh và sinh viên.Trong các lễ hội này, bằng những hoạt động trưng bày, triển lãm, các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian và các hoạt động sáng tạo văn hóa văn nghệ, Bảo tàng đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành cho học sinh sinh viên những tình cảm, thái độ trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hà Quỳnh