Bảo tồn dệt, thêu truyền thống. Nguồn lực ứng dụng trong phát triển đương đại (Tham luận Hội thảo quốc tế tại Brunei 2017)

Việt Nam có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề dệt, thêu. Nguyên liệu chính cho sản phẩm dệt, thêu của các dân tộc Việt Nam là tơ tằm, sợi bông và sợi lanh.Sản phẩm dệt, thêu chủ yếu dùng để may trang phục, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, tranh treo và trao đổi hàng hoá.

Nghề dệt lụa ở Việt Nam có từ lâu đời, gắn liền với văn hóa của cư dân sinh sống ở các lưu vực sông như Kinh, Mường Tày, Lự, Lào, Thái, ….Đó là nơi có các bãi bồi, cát pha ven sông, suối, thích hợp cho việc trồng dâu, tạo nguồn nguyên liệu để ươm tơ, dệt vải. Ban đầu, dệt lụa mang tính gia đình, tự cung, tự cấp, về sau dần phát triển theo xu hướng làng nghề. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn duy trì nghề dệt cho đến ngày nay như: Vạn Phúc (Hà Nội), Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)…Quy trình dệt vải tơ tằm của các dân tộc cơ bản giống nhau, bao gồm trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, đánh ống, dàn sợi, lên go, mắc cửi, dệt vải. Sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống thường dùng cắt may trang phục. Nữ giới dân tộc Kinh mặcáo tứ thân, áo năm thân (xưa), sau năm 1930 là những chiếc áo dàicó 2 tà thướt tha, với nhiều mẫu mã, hoa văn dệt thêu đủ màu sắc. Cùng với áo dài mặc trong lễ hội, phụ nữ nông thôn Việt Nam điển hình mặc áo bà ba có 3 màu đại diện cho 3 vùng địa phương: màu tím xứ Huế ở Trung bộ, màu nâu đất ở Bắc bộ và màu đen kết hợp với khăn rằn ở Nam bộ. Trên nền chất liệu và kiểu dáng đặc trưng truyền thống, các nhà thiết kế đã phát triển nhiều loại trang phục, kèm theo đó là các tấm khăn thêu hiện đại, tô điểm cho áo dài thêm sang trọng.

Nghề dệt vải sợi bông phổ biến của hầu hết các dân tộc Việt Nam (Tày, Thái, Mường, Ba Na, Mạ, Khơ Me, Chăm, Ê Đê, Pà Thẻn, Mạ … ) Nguyên liệu Bông được gieo trồng  trên nương, rẫy từ tháng  12 năm trước đến  tháng 1 năm sau, thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 âm lịch. Quy trình dệt vải truyền thống bao gồm: Hái bông, phơi khô, bảo quản bôngtrong dậu, sọt, khi dùng đem cuốn cúi, quay sa kéo sợi, hồ sợi, đánh ống, lên go, dàn sợi, dệt vải trắng mộc,  nhuộm chàm (hoặc nhuộm sợi, dệt thổ cẩm. Sản phẩm dệt bông được sử dụng để may trang phục, làm chăn, gối, túi đeo, khăn …, biểu đạt giá trị văn hóa của mỗi tộc người, mỗi nhóm địa phương và vùng cư trú. Ví dụ, ở khu vực phía Bắc Việt Nam, trang phục các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay chủ yếu cắt may bằng vải bông, nhuộm chàm, đắp ghép thêm một số họa tiết bằng vải màu, tượng trưng cho cuộc sống và con người. Người Thái ở Việt Nam có 4 nhóm địa phương: Thái đen, Thái Trắng, Thái Mán Thanh, Thái Hàng Tổng. Sắc thái địa phương được biểu hiện qua nhiều yếu tố, đặc biệt chiếc áo xửa cỏm ngắn, bó sát người. Khác với  áo cổ đứng củaphụ nữ Thái đen, cổ áo phụ nữ Thái trắng có hình trái tim, liền với nẹp áo. Trên áo Thái đen cũng như Thái trắng có hàng cúc bằng bạc (nay là kim loại trắng) hình mai rùa hay hình con bướm, tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ. Mỗi áo có 11 hoặc 13 bộ cúc, số bộ cúc nhất thiết phải là số lẻ, vì người Thái quan niệm đó là số của sự sống. Khăn “piêu” có hai loại: Piêu xiếu và Piêu cút. Piêu xiếu là khăn của người già. Trên hai đầu khăn chỉ có các núm bông nhỏ, ít trang trí hoa văn. Piêu cút là khăn của thiếu nữ và phụ nữ trung niên. Trên hai đầu khăn có 2mảng thêu hình vuông tượng trưng cho đất, mép ngoài  trang trí những chùm cút piêu tròn, tượng trưng cho trời, các mô típ thêu hìnhđộng, thực vật, hình học bằng chỉ màu, quả trám, khau cút, con nhện, con cua…,tượng trưng cho sự sống. Khiyêu nhau, các cô gái Thái thường tặng cho chàng trai chiếc khăn piêu làm kỷ vật, tượng trưng cho sợi dây tình chung thuỷ. Chiếc khăn được giữ gìn cẩn thận, đến khi qua đời, sẽ cắt làm đôi, mỗi người chôn theo một nửa, với hy vọng có thể tìm lại nhau ở thế giới bên kia.Trang phục của dân tộc Phù Lá (nhóm Phù Lá Lão) may bằng vải sợi bông, nhuộm chàm, trang trí hoa văn thêu, nổi bật là nhữnghọa tiết hình răng trâu, lốt chân chó… để liên tưởng tới vật tổ (tô tem) của họ, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu có sức khỏe; kèm theo đó là các mô típ thập ngoặc (có nguồn gốc từ đất Phật) thể hiện mong muốn Đức Phật luôn phù hộ, che trở, mang lại điều lành, điều tốt cho chúng sinh. Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Nam bộ, hầu hết các dân tộc đều sử dụng trang phục từ vải bông. Màu sắc trang phục tuy không sặc sỡ, nhưng mỗi màu đều mang một ý nghĩa riêng. Màu đen, chàm, biểu hiện của đất, cây rừng. Màu đỏ,tượng trưng cho màu lửa, cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng. Màu vàng, biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Màu xanh, biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá, núi rừng. Thông qua những bộ trang phục, họa tiết được thiết kế trên vải bông, ta có thể thấy được quan niệm dân gian về vũ trụ (thiên – địa – nhân hòa đồng) và cả tập tục văn hóa trong cuộc sống. Ngày nay, các họa tiết trên khăn, y phục được kế thừa, để làm nên áo dài, khăn, túi, tranh thêu, khăn trải bàn, túi đựng bút, đựng điện thoại, ví…phục vụ cuộc sống và làm quà lưu niệm.

Dệt vải lanh phổ biến ở các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo…vùng miền núi cao phía Bắc Việt Nam. Đồng bào trồng lanh nguyên liệu trên các bãi bằng hoặc nương thổ canh hốc đá… Cây lanh được gieo trồng vào khoảng tháng 2 – 4, thu hoạch tháng 5 – 6 âm lịch. Khi cây lanh cao khoảng 120cm, họ cắt về róc hết lá, phơi dưới bóng râm từ 10-15 ngày, qua quy trình (tước vỏ, giã, xé nhỏ, nối sợi, kéo sợi, quay sợi, guồng sợi, luộc nước tro bếp ba lần tẩy trắng, phơi khô, nấu sợi với sáp ong, phơi khô, cuộn sợi, dàn sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu, in hoa vănbằng sáp ong hoặc ghép vải)thì đồng bào hoàn thiện tấm vải để có thể cắt may trang phục. Đặc biệt, người Mông, Phù Lá… có kỹ thuật thêu hoa văn không cần mẫu, chỉ dựa vào óc sáng tạo, trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo, họ thêu ở mặt trái, hoa văn sẽ hiện lên ở mặt phải. Người Lô Lô, Pu Péo có kỹ thuật đáp, ghép hoa văn lên vải, tạo các mô típ theo hàng lối,nhiều màu sắc. Người Mông, người Dao Tiền có kỹ thuật in Ba tikvới các dụng cụ đơn giản như bút vẽ gắn ngòi đồng, khung tạo hoa văn hình tam giác, ống tre tạo hoa văn hình tròn, nanh lợn rừng, phiến đálàm phẳng vải, sáp ong đun để vẽhoa văn…. Sản phẩm lanh được dùng để may áo, váy, làm khăn, túi…Hầu hết cư dân Mông, Dao Tiền đều mặc váy xếp nếp, in hoa văn batik kết hợp với các mảng thêu, đáp ghép vải, ngoại trừ váy của phụ nữ Mông trắng để vải trắng mộc. Mô típ hoa văn chủ yếu của người Mông là hình con ốc, của người Dao là con chó bàn vương, hình tròn, thập ngoặc, của người Phù Lá là cây thông…

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nghề dệt, thêu truyền thống của các dân tộc Việt Nam chịu sự tác động của nền kinh tế hàng hóa, sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm công nghiệp giá rẻ. Thêm nữa, đó là sự thay đổi về thị hiếu thẩm mĩ. Giới trẻ ngày nay thích model, kiểu dáng hiện đại làm tôn dáng, tôn vẻ đẹp, kiểu truyền thống vừa nặng, vừa không thuận tiện khi lao động, trong khi đó,các mẫu mã hoa văn, kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống chậm thay đổi. Vì thế, cho nên sản xuất làng nghề truyền thống chậm phát triển, mai một phần nào.

Trước thực trạng đó, nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống của nghề dệt Việt Nam, bảo tàng, hiệp hội làng nghề, một số làng nghề, những nhà thiết kế… đã cùng nhau sưu tầm, bảo tồn hàng chục ngàn các sản phẩm dệt truyền thống trong kho cơ sở của bảo tàng. Một số làng nghề như dệt lanh ở Lùng Tám của người Mông – Hà Giang, Làng nghề lụa của người Kinh ở Thanh Oai, Hà Tây, làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An…đã phục hồi, tự tìm cho mình hướng đi mới để bảo tồn nghề thủ công dệt, thêu, tiếp tục phát triển sản phẩm từ kỹ thuật thêu, dệt truyền thống. Những làng nghề hiếm hoi này ngày càng khẳng định vị thế trong xã hội hiện đại. Khoảng 20 năm trở lại đây, sản phẩm truyền thống từ kho cơ sở của bảo tàng, được các nghệ nhân làng nghề, các nhà thiết kế (Lan Hương, Minh Hạnh, Sỹ Hoàng….) tiếp cận, nghiên cứu, cải tiến mẫu mã trên áo, váy, khăn, túi đeo, túi bút, túi điện thoại, khăn trải bàn, ga trải giường, chăn, gối…sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật dệt, thêu truyền thống, vì thế, sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hiện nay, đồng bào các dân tộc đã chuyển hướng sử dụng sợi dệt công nghiệp thay thế cho sợi dệt truyền thống tự chế biến. Chất nhuộm truyền thống từ tự nhiên được thay sang chất liệu nhuộm công nghiệp. Mẫu hoa văn trên những tấm vải được cải tiến để phù hợp với việc cắt may những mặt hàng mới… Sự biến đổi này nhằm đạt được năng suất lao động cao hơn, rút ngắn được quy trình lao động thủ công và có thể tiêu thụ được sản phẩm dễ dàng hơn. Tại các cơ sở dệt, sản phẩm được đa dạng hóa với nhiều mục đích sử dụng như áo quần, ví, túi xách, khăn, gối hay những sản phẩm để trang trí, quà tặng … Trong chính sách phát triển du lịch địa phương, các cơ sở dệt đã đăng ký là một điểm đến trong hành trình du lịch để giới thiệu sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của địa phương với khách tham quan. Ngoài ra, các làng nghề, cơ sở, nhà thiết kế… tích cực tham gia các chương trình Festival,hội chợ hội thảo quốc tế, …để tôn vinh văn hóa nghề dệt truyền thống, kết nối giao lưu, học hỏi và tiếp cận với các thông tin về công nghệ, khoa học – kỹ thuật, thị trường, phát huy khả năng sáng tạo, đổi mới trong kỹ thuật dệt, thêu, tìm đầu ra cho thị trường sản phẩm, chủ động trong quá trình hội nhập, từng bước tiếp cận với các tổ chức và thị trường quốc tế.

Các sản phẩm dệt Việt Nam đang tiếp tục được các nhà thiết kế sáng tạo nhiều mẫu mã, họa tiết mới, đa mầu sắc, độ mềm, mịn, mát …tốt hơn, phù hợp với xu thế hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi và bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng địa phương, từng vùng cư trú. Song dù phát triển thế nào, các làng nghề truyền thống, các nhà thiết kế vẫn không bỏ qua vốn cổ và mẫu mã sản phẩm của nghề dệt, may, thêu truyền thống có trong kho cơ sở của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng như trong các làng nghề truyền thống, trong ký ức của các nghệ nhân. Đóvẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu, tạo tiền đề cho nghề dệt may phát triển bền vững và phù hợp với xu thế hiện đại. Thiết nghĩ, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tòan bộ các vốn cổ, các sản phẩm cổ truyền đã bị thất truyền, tiếp tục làm giàu cho nguồn lực phát triển dệt thêu tương lai. Các nhà thiết kế, các nghệ nhân, những người yêu nghề dệt, may thêu tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới có mang hồn tinh hoa văn hóa và những biểu trưng truyền thống vào hơi thở của cuộc sống đương đại./

TS: Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam