TUẦN VĂN HÓA MALAYSIA, INDONESIA VÀ VIỆT NAM TẠI BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM, THÁI NGUYÊN

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Tuần văn hóa Malaysia, Indonesia và Việt Nam”, tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 12/2016.

Tham dự Tuần văn hóa có 2 đoàn quốc tế đến: Đoàn Malaysia do công chúa Bang Terengganu dẫn đầu, với 25 thành viên, gồm các nghệ nhân, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Teknologi Mara. Đoàn Indonesia do bà  Venny Afwany Alamsyah, giám đốc, chuyên gia Batik làm trưởng đoàn và 2 nghệ nhân vẽ batik truyền thống. Đoàn chủ nhà Việt Nam có 30 nghệ nhân dệt thuộc 6 dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Thái, Chăm, Tày, Pà Thẻn) cùng với nhóm nghệ nhân khuyết tật Kym Việt,nghệ nhân thêu áo dài Lan Hương và học sinh sinh viên trên địa bànThái Nguyên.

“Tuần văn hóa Malaysia, Indonesia, Việt Nam” sẽ diễn ra nhiều hoạt động, gồm:Trưng bày đặc trưng văn hóa Malaysia, Indonesia, Việt Nam; áo dài Lan Hương; “Slam khẩu và hành trình con nước sông Cầu”; mặt nạ truyền thống ASEAN. Các hoạt động  trình diễn có:Hướng dẫn vẽ, nhuộm Batik Indonesia, thêu Việt Nam;trình diễn làm đồ mỹ nghệ; thi nấu món ăn Hồi giáo và mâm cơm chay;quay phim, dựng phim, chiếu phim về văn hóa mỗi quốc gia; thi pha trà, hái trà, sao trà, thưởng trà; giao lưu văn hóa văn nghệ; tổ chức các hoạt động giáo dục, khám phá văn hóa ASEAN, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. “Tuần văn hóa Malaysia, Indonesia, Việt Nam” sẽ khai mạc vào 19h30 tối 8/12, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PTTH Thái Nguyên; chương trình gala 19h30 tối 9/12, lễ bế mạc vào tối 10/12.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bắt đầu đón học sinh,sinh viên đến tham gia các hoạt động từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 12 năm 2016. Nội dung hoạt động tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên gồm:

1.Tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu môi trường văn hóa, nhân văn dọc sông Cầu từ đầu nguồn Slam Khẩu (Bắc Kạn), theo hành trình con nước qua Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh đến Hải Dương.

2.Cùng với nhóm nghệ nhân khuyết tật thực hành làm thú nhồi bông, khâu hoàn thiện sản phẩm trong vòng 10-15 phút.

3.Tìm hiểu, khám phá thông tin về văn hóa,mặt nạ ASEAN trên vòng quay số 10.

4.Khám phá “Sắc màu văn hóa Việt Nam”, hành trang bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo để làm ra sản phẩm thêu Việt; làm sáo, học thổi sáo; in tranh dân gian Đông Hồ, vẽ tranh về biển đảo quê hương; đánh đống rơm, làm nộm rơm, con cúi.

5.Khám phá văn hóa Malaysia cùng sinh viên Đại học Công nghệ Mara.

6.Thi làm ẩm thực Hanal, ẩm thực chay, ẩm thực sông nước, thi pha trà trà xanh, trà mạn, trà chén, trà nghệ thuật.

7.Thực hành in Batik, nhuộm vải theo kỹ thuật Indonesia và kỹ thuật của người Mông Việt Nam.

8.Khám phá văn hóa Khơmer vùng đồng bằng Nam Bộ, trải nghiệm chợ nổi, đeo mặt nạ, hóa thân vào vai các nhân vật là vị thần dân gian như Reahu thần nuốt mặt trăng, trích đoạn nghi lễ cúng trăng, nghi lễ đám cưới, làm đèn trời…

9.Thi chọn phim, quay phim, dựng phim về hành trình trải nghiệm tại bảo tàng

10.Đăng ký tham dự đêm Gala và bế mạc hoạt động

Đây là cơ hội tốt, giúp cho du khách, nhất là và học sinh, sinh viên được tiếp cận, khám phá, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của 54 dân tộc Việt Nam và một số nước ASEAN. Đồng thời, qua thực hành trải nghiệm cùng với sinh viên quốc tế, các em có thể giao lưu, học tập, cùng kết nối, phát huy sáng tạo và trau dồi vốn ngoại ngữ cũng như kỹ năng làm việc nhóm.