HỘI THẢO “BẢO TÀNG VỚI HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, TRẢI NGHIỆM VÀ KẾT NỐI LỮ HÀNH – TRƯỜNG HỌC”

Ngày 21/10/2016, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã diễn ra hội thảo “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – trường học”.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có TS. Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch, cùng các nhà Khoa học, Quản lý: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Th.S Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Th.S Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đại diện lãnh đạo của 11 bảo tàng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bảo tàng các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Công an…, các đơn vị lữ hành du lịch, các trường đại học; các nhà nghiên cứu khoa học trongnước; đại diện các sở, ban ngành và một số trường học trong tỉnh…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã đánh giá cao những hoạt động đổi mới có tính sáng tạo, đột phá của các bảo tàng trong thời gian qua; biểu dương các hoạt động trình diễn, trải nghiệm  thu hút khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế để đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo tồn, bảo tàng cũng còn một số hạn chế cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nhất là công tác tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – Trường học là hướng đi đang được quan tâm của hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam. Trong những năm qua, một số bảo tàng đã nghiên cứu các đề tài ứng dụng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho khách tham quan, đặc biệt là học sinh ở các bậc tiểu học, THCS, THPT… Mặc dù việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm đã được thực hiện ở nhiều bảo tàng, song mỗi bảo tàng có những hướng đi riêng, nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phong phú nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu. Đồng chí nhấn mạnh việc đổi mới các hoạt động phục vụ khách tham quan, hưởng thụ các giá trị văn hóa ở bảo tàng. Du khách không chỉ nghe hướng dẫn viên thuyết minh mà còn được tương tác, trải nghiệm các hiện vật bảo tàng, được sống trong không gian của thời khắc lịch sử đó. Do đó các hoạt động bảo tàng cần phản ánh chân thực lịch sử, gắn với đời sống của người dân, đồng thời phải mang tính giáo dục, giải trí và làm giàu tri thức. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của  mỗi bảo tàng đòi hỏi cần có sự kết nối của cả cộng đồng, xã hội đặc biệt là các công ty du lịch, lữ hành trường học…

Với hơn 40 tham luận, các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích khả năng và thực trạng hoạt động giáo dục trải nghiệm; việc đáp ứng các nhu cầu của khách tham quan của các bảo tàng trong nước, quốc tế; đánh giá trải nghiệm trọn gói ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm kết nối khách lữ hành, kinh nghiệm từ các bảo tàng quốc tế và các thế hệ đi trước… Theo ông Bùi Minh Tâm – Giám đốc công ty DVDL Minh Tâm: 25% học sinh trong tour du lịch của Minh Tâm đã vào tham quan Bảo tàng, điều đó đã khẳng định Bảo tàng đã và đang có thương hiệu. Đội ngũ cán bộ Bảo tàng có sự thân thiện và nhiệt tình. Tuy nhiên vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh vốn có. Bảo tàng mới chỉ đáp ứng được là nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa mà chưa khai thác được nhu cầu của khách tham quan; các dịch vụ du lịch chưa phát triển, công tác quảng bá hạn chế. Đại úy Th.s Nguyễn Bá Thanh – trường Đại học Chính trị quân sự: “Với trường Đại học Chính trị quân sự đến nay đã có 40 đoàn cán bộ chiến sĩ nhà trường đã tham quan học tập tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Theo ông, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh có thể lồng ghép tuyên truyền về truyền thống yêu nước thông qua các câu hỏi, lời dẫn; tổ chức tham quan, giới thiệu sâu hơn theo chuyên đề vùng miền hoặc không gian vùng văn hóa; quá trình tham quan có thể chia nhỏ đoàn để các học viên có thể tham gia được hết các hoạt động trải nghiệm. Bảo tàng cẫn trang bị lại một số thiết bị loa, micro, đạo cụ đã kém chất lượng để trải nghiệm đạt kết quả tốt hơn.

Bảo tàng kết nối với hoạt động giáo dục, trải nghiệm, Lữ hành – Trường học là hoạt động đổi mới sáng tạo giúp gắn kết được công chúng với hoạt động của bảo tàng, phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử tại các bảo tàng. Các tham luận tập trung đánh giá hoạt động giáo dục trải nghiệm của các bảo tàng trong nước, quốc tế, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng như: Cần tăng cường các hoạt động giáo dục mang tính tương tác, trải nghiệm; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, trải nghiệm, biểu diễn; cần tạo cơ hội cho khách tham quan được học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm; đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động trưng bày hiện vật, đồng thời tăng cường công tác truyền thông để giới thiệu đến công chúng…Để du khách đến với bảo tàng được học tập, trải nghiệm thú vị và sống trong không gian văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Hội thảo “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – trường học” đã hội tụ, kết nối nhiều thành tố xã hội và lắng nghe các ý kiến đa chiều, với 28 ý kiến đóng góp cho các hoạt động phục vụ của Bảo tàng. Các đại biểu đã trực tiếp tham quan đánh giá một trải nghiệm trọn gói phục vụ công chúng tại không gian trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thưởng thức một số nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau. Qua hoạt động, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành của các đại biểu, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà lữ hành du lịch và các trường học là những đơn vị đã nhiều lần đưa khách du lịch, học sinh đến với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, mở rộng các hoạt động tái hiện văn hóa – sử dụng chính những con người thực tế ở Bảo tàng. Các đại biểu góp ý, khi đón các đoàn khách có số lượng lớn, nên có tổ chức đón, sắp xếp các hoạt động trải nghiệm một cách chuyên nghiệp nhất. Với đối tượng khách tham quan là học sinh, mỗi cấp học sinh có 1 đặc thù riêng nên việc xây dựng kịch bản chương trình phù hợp với lứa tuổi để các em có thể thu nhận được những giá trị văn hóa sau chuyến tham quan. Với học sinh ở vùng sâu, vùng xa khi tham quan, phải đảm bảo tiếp đón được tất cả các em, chỗ ăn nghỉ… Hình thức quảng bá cho bảo tàng nói chung, quảng bá các hoạt động giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh nói riêng nên được đầu tư, in ấn thông tin, quảng bá gửi về các trường học, công ty lữ hành. Các dịch vụ du lịch như: cửa hàng chè Thái Nguyên, quầy trang phục, quầy ảnh – lưu niệm nên được đầu tư để mang tính bản sắc, hấp dẫn khách du lịch… Các ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, lợi thế cần phát huy và những mặt tồn tại hạn chế cần khắc phục trong chính sách công chúng cũng như công tác hướng dẫn, giáo dục, trải nghiệm – kết nối lữ hành – trường học, phục vụ khách tham quan của Bảo tàng, tiến tới xây dựng thương hiệu là một điểm đến đáng nhớ trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Các đại biểu đã thảo luận đưa ra những giải pháp tổ chức các hoạt động dịch vụ và định hướng phát triển 2016 – 2020 của bảo tàng, có các kế hoạch đánh giá tổng thể giáo dục tương tác và trải nghiệm tại bảo tàng ở Việt Nam, từ đó xây dựng thành các đề án giáo dục, trại nghiệm có những mục tiêu, kịch bản và đánh giá cụ thể. Để khách tham quan đặc biệt là các em học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học trong và ngoài tỉnh sẽ có những trải nghiệm thú vị, hữu ích trong cuộc sống đương đại từ những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhân dịp Hội nghị này, các đại biểu đã đến thăm Khu du lịch sinh thái Thái Hải, một điểm kết nối lữ hành tiêu biểu tại Thái Nguyên.

TS. Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch, đọc lời khai mạc Hội thảo “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – trường học”.
   Đoàn đại biểu Hội thảo xem biểu diễn hát then – đàn tính.
  Tham quan khu trưng bày ngoài trời
  TS. Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch thưởng thức ngô do các em học sinh tham gia trải nghiệm.
  GS.TS Lưu Trần Tiêu chủ trì Hội thảo “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – trường học”.
  Đại úy, Th.s Nguyễn Bá Thanh – trường Đại học Chính trị quân sự đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
  T.s Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng VHCDT Việt Nam phát biểu trong Hội thảo “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành – trường học”.